Hầu hết các bậc cha mẹ người Á Đông thường dành nhiều thời gian chăm lo con cái. Đối với cha mẹ, thì con ở tuổi nào cũng còn nhỏ, cần sự bảo bọc, lo lắng của cha mẹ. Điều này thật đáng trân trọng.

con da lon nhung van chua truong thanh
Với nhiều bậc cha mẹ, con cái luôn cần được chăm sóc, bảo bọc. Ảnh ST

Tuy nhiên, nhiều khi, chính sự bảo bọc con cái một cách quá mức dẫn đến nhiều người con dù tuổi đã lớn nhưng không chịu trưởng thành, vẫn quen sống ỉ lại, dựa dẫm vào cha mẹ.

Tất cả vì con

Người phụ nữ ấy xấp xỉ 70 tuổi nhưng vẫn đẹp. Nét thanh tú và hài hoà trên gương mặt của bà cộng với giọng nói dịu dàng, dễ nghe khiến cho người đối diện luôn có thiện cảm khi trò chuyện cùng bà. Thế nhưng cuộc đời của bà lại không được đẹp và may mắn.

Bà lấy chồng khi tuổi còn rất trẻ. Như bao phụ nữ khác, bà phải quay vòng với việc nhà cửa, bếp núc rồi đi làm kiếm tiền lo cho gia đình. Chồng bà vô tư đến mức vô tâm, bỏ mặc bà phải lo toan, xoay sở, hàng tháng ông chỉ có mỗi việc đem tiền lương về cho bà thế là xong.

Mà tiền lương của ông nào có đủ chi tiêu cho gia đình. Vì vậy, bà lại gồng mình xoay sở, ngoài giờ làm, bà còn phải kiếm thêm việc này, việc khác để có tiền mua sữa, đóng học cho con. Trong nhà có thiếu tiền thế nào, chỉ mình bà biết.

Mặc dù khổ cực nhưng bà không hề than vãn, mà rất chiều chồng, chiều con.

Chồng bà tính bay bướm, có người phụ nữ khác, bà cũng nín nhịn cho êm cửa, êm nhà. Bà có 4 người con, 3 gái, 1 trai. Mấy con gái lấy chồng rồi về ở nhà chồng, còn ông bà sống cùng với gia đình người con trai.

Do bà luôn là người lo toan mọi thứ nên con cái cũng ít khi để ý đến bà. Có khi bà đau ốm cũng phải tự nấu nướng cho chính mình, chẳng ai lo cơm nước cho bà. Thậm chí, bà còn phải nấu nướng cho cả nhà ăn.

Khi nào con cái cần tiền chi tiêu hay nhờ chăm con lại đến bà hỏi xin hay nhờ đi vay tiền giùm. Nhiều lúc đau yếu thấy con cái vô tâm khiến bà tủi thân, khóc thầm cho số phận của mình. Cậu con trai mang tiếng có đi làm, nhưng cũng chẳng có trách nhiệm với gia đình. Cô con dâu thấy chồng như vậy thì cũng vô tư hưởng thụ theo.

Mấy năm trước cả 4 người con đều nói cần tiền để làm ăn và đề nghị thế chấp căn nhà của ông bà để vay ngân hàng 2 tỷ đồng, chia đều mỗi người con vay 500 triệu, thời hạn là 1 năm. Cả 4 người con đều cam kết sẽ trả lại tiền vay và lãi để bà quyết toán với ngân hàng.

Gần đây bà lo lắng nhiều vì sắp đến ngày đáo hạn mà bà vẫn không có tiền để trả cho ngân hàng. Trong khi các con bà thì không lo kiếm tiền để trả lại cho mẹ. Khi bà nhắc thì mấy người con còn than vãn, thậm chí gắt gỏng nói rằng việc kinh doanh của họ không thuận lợi, gặp khó khăn, bà không san sẻ mà còn làm cho họ căng thẳng thêm.

Chỉ mong con khôn lớn

Sở dĩ bà tìm đến luật sư vì muốn biết nếu các con không chịu trả tiền thì bà có phải bán nhà để trả nợ hay không. Vì bà đứng tên vay ngân hàng thì có nghĩa vụ trả nợ, dù thực tế người thực sự vay tiền là các con của bà.

Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về Hợp đồng vay tài sản: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Về nguyên tắc, bà phải có nghĩa vụ trả khoản vay 2 tỷ đồng kèm lãi suất cho như thoả thuận với ngân hàng. Sau đó, bà có quyền đòi các con phải trả lại số tiền bà đã vay giùm, thậm chí khởi kiện để nhờ toà án buộc các con phải có nghĩa vụ trả lại tiền cho bà. “Tôi sẽ không bao giờ kiện con ra toà, dù có đầy đủ bằng chứng để chứng minh vay tiền giùm cho các con”, bà nói trong thổn thức.

Bà còn thắc mắc, sau khi vợ chồng bà bán nhà để trả nợ ngân hàng, sẽ dùng số tiền còn lại mua một căn hộ chung cư, thì có quyền không cho vợ chồng người con trai sống cùng được không? Yêu cầu này của bà hoàn toàn hợp pháp do con trai của bà đã thành niên và lập gia đình. Vì vậy, vợ chồng bà không có nghĩa vụ bắt buộc phải cho gia đình người con trai ở chung.

Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về “Quyền và nghĩa vụ của con” có nội dung: “… 3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc. Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

4. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

5. Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình”.

Khi luật sư hỏi sao bà nuông chiều con quá, không dạy cho con phải có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ, bà khóc: “Tôi vẫn cứ nghĩ chiều con, lo cho con là điều tốt và nên làm. Bây giờ tôi mới thấy đó là sai lầm. Do chiều con quá, nên đến bây giờ con đã ngoài bốn mươi tuổi mà vẫn không ý thức trách nhiệm của mình mà chỉ biết đòi hỏi cha mẹ”.

Khi chia tay ra về, bà nói với luật sư, dù rất đau lòng khi phải quyết định bán nhà và không cho vợ chồng người con trai ở cùng, nhưng sẽ cố gắng thực hiện để con bà phải biết tự lo cho cuộc sống bản thân và cho gia đình. Điều đó sẽ giúp con bà trưởng thành hơn.

con da lon nhung van chua truong thanh Người Việt ăn muối nhiều gấp đôi mức khuyến nghị

Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế ...

con da lon nhung van chua truong thanh Sinh viên ăn cơm 2000 đồng: Phán xét làm nên tủi hổ

Giàu không phải là một tội ác. Nghèo cũng không phải là một tội ác. Một hành vi cần được nhìn nhận thành tâm nếu ...

https://laodong.vn/ban-doc/con-da-lon-nhung-van-chua-truong-thanh-572288.ldo

/ Nguyễn Thị Thuý Hường/Báo Lao động