Hunter Biden gia nhập Burisma khi cựu lãnh đạo công ty bị điều tra tham nhũng, làm dấy lên nghi ngờ về hoạt động của anh tại Ukraine. 

Sau khi Joe Biden trở thành phó tổng thống Mỹ năm 2009, con trai ông là Hunter Biden, người từng học ngành luật, bắt đầu theo đuổi sự nghiệp kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Tháng 5/2014, Hunter đầu quân cho Burisma, một trong những doanh nghiệp khí đốt lớn nhất Ukraine, vài tháng sau khi anh bị đuổi khỏi lực lượng dự bị hải quân Mỹ vì dương tính với cocaine.

Burisma thời điểm đó đang có nhiều xáo trộn. Mykola Zlochevsky, người sáng lập công ty hồi năm 2002, bị điều tra tham nhũng sau thời gian giữ chức bộ trưởng môi trường trong chính quyền cựu tổng thống Viktor Yanukovych.

Chính phủ Anh khi đó quyết định đóng băng 23 triệu USD trong các tài khoản ngân hàng ở London liên quan tới Zlochevsky và nhờ Ukraine hỗ trợ điều tra một vụ rửa tiền. Sau khi Mỹ đưa ra yêu cầu tương tự, các công tố viên Ukraine mở cuộc điều tra Zlochevsky, với động thái đầu tiên là xem xét liệu ông có biển thủ công quỹ hay không. Công ty Burisma và Zlochevsky phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Từ mùa xuân năm 2014, Burisma bắt đầu đưa thêm một số người nước ngoài có tên tuổi vào công ty. Trong thông báo giới thiệu Hunter Biden, Burisma cho biết anh sẽ chịu trách nhiệm tư vấn về "tính minh bạch, quản trị và chịu trách nhiệm tập thể, mở rộng hợp tác quốc tế và những ưu tiên khác".

cong ty nang luong khien trump muon dieu tra con trai joe biden
Hunter Biden tại trường Centre College ở thành phố Danville, bang Kentucky hồi tháng 10/2012. Ảnh: AP.

Thu nhập của Hunter tại Burisma được chuyển tới Rosemont Seneca Bohai, công ty Mỹ do Devon Archer, đối tác kinh doanh của Hunter và từng làm giám đốc tại Burisma, thành lập. Theo hồ sơ ngân hàng giai đoạn 2014-2015 được tiết lộ trong một vụ kiện khác, Rosemont Seneca Bohai nhận tiền từ Burisma và trả hơn 850.000 USD cho Hunter. Con trai cựu phó tổng thống Mỹ làm việc tại Burisma tới tháng 4 năm nay và quyết định không gia hạn hợp đồng.

Hồi tháng 12/2014, chính phủ Mỹ gửi thư cho các công tố viên Ukraine, phàn nàn rằng họ không hỗ trợ chính quyền Anh trong cuộc điều tra Zlochevsky, đồng thời cảnh báo về hậu quả tiêu cực nếu tình trạng thiếu hợp tác tiếp diễn.

Tới tháng 1/2015, vụ án ở Anh khép lại và tòa quyết định trả 23 triệu USD bị tịch thu của Zlochevsky. Tuy nhiên, các cuộc điều tra về ông này tại Ukraine vẫn được mở rộng, bao gồm cáo buộc trốn thuế và cấp giấy phép khí đốt trái phép trong thời gian giữ chức bộ trưởng.

Viktor Shokin, tổng công tố viên Ukraine tại thời điểm đó, đã thúc đẩy một số khía cạnh trong cuộc điều tra. Dù vậy, quá trình này dần đi vào bế tắc, theo cựu phó tổng công tố viên Vitaliy Kasko, người từng làm việc với Shokin. Giới chức Mỹ cũng liên tục chỉ trích văn phòng tổng công tố viên Ukraine vì sự thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng. Kasko nói thêm rằng Washington không gây áp lực nhằm chấm dứt các cuộc điều tra.

Joe Biden từng đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ tại Ukraine, từng hơn 10 lần tới thăm Kiev trong thời gian giữ chức phó tổng thống Mỹ. Ông từng cảnh báo giới chức Ukraine rằng Mỹ sẽ không cấp khoản vay một tỷ USD cho nước này, trừ khi họ cách chức Shokin để thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng. Cựu tổng công tố viên bị sa thải hồi tháng 3/2016 và khoản vay được thông qua.

Trong cuộc phỏng vấn với trang web Strana.ua của Ukraine hồi tháng 5, Shokin cho biết ông đã theo đuổi cuộc điều tra Burisma một cách tích cực và tin rằng mình bị sa thải vì điều này. Tuy nhiên, tuyên bố này mâu thuẫn với lời kể của Kasko, cộng sự cũ của ông. Giới chức phương Tây cũng cho rằng Shokin không hành động đủ quyết liệt để giải quyết nạn tham nhũng.

Một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho biết việc thúc đẩy Ukraine sa thải Shokin không phải ý tưởng của Biden mà do các quan chức tại đại sứ quán Mỹ ở Kiev thúc đẩy. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng chỉ trích Ukraine vì không giải quyết được nạn tham nhũng. Nhiều người biểu tình trên đường phố Kiev cũng kêu gọi cách chức Shokin.

Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cáo buộc Joe Biden tìm cách sa thải Shokin để bảo vệ Burisma khỏi bị điều tra, đồng thời hối thúc giới chức Ukraine xem xét các hoạt động của công ty năng lượng này cũng như cha con Biden.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy các cuộc điều tra của Ukraine có liên quan tới hành vi sai phạm của Hunter. Cáo buộc Joe Biden can thiệp cuộc điều tra cũng chỉ được đưa ra tại Mỹ, không phải ở Ukraine.

Joe Biden cho biết ông chưa từng trao đổi với con trai về những giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của anh. Trong bài phỏng vấn với New Yorker hồi đầu năm, Hunter cho biết họ mới chỉ một lần đề cập qua về công việc của anh tại Ukraine. "Bố tôi nói rằng ông ấy hy vọng tôi biết mình đang làm gì", Hunter kể lại, nói thêm rằng anh đã trả lời: "Con biết".

Tháng 1/2017, Burisma tuyên bố mọi vụ kiện và cáo buộc hình sự đối với Zlochevsky và công ty đã khép lại. Họ đồng ý bù lại bất cứ khoản thuế nào bị phát hiện thiếu hụt.

Yuriy Lutsenko, người kế nhiệm Shokin từ tháng 5/2016 và từ chức tháng trước, hồi tháng 5 cho biết ông có kế hoạch chuyển thông tin về các khoản thanh toán của Burisma cho giới chức Mỹ để họ có thể xem xét liệu Hunter có phải trả thuế cho khoản thu đó hay không. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề của Mỹ và các khoản thanh toán được cho là không có gì sai phạm.

"Từ góc độ luật pháp Ukraine, anh ta không vi phạm bất cứ điều gì", Lutsenko đề cập tới Hunter, nói thêm rằng nếu Burisma có bất kỳ sai phạm nào thì những việc này cũng đều xảy ra trước khi Hunter gia nhập công ty, nên anh không phải chịu trách nhiệm.

Hồi đầu năm nay, Lutsenko đã gặp Giuliani để thảo luận về Burisma, phát ngôn viên của cựu tổng công tố viên cho biết. Những cuộc gặp giữa hai người này được đề cập trong đơn khiếu nại cáo buộc Trump tìm cách gây áp lực với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để điều tra nhà Biden.

Hạ viện Mỹ hôm 24/9 tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội về việc Trump hối thúc Zelensky điều tra cha con Biden. Bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm hôm 25/7 giữa hai lãnh đạo do Bộ Tư pháp Mỹ cung cấp cũng cho thấy Trump đã đề nghị điều tra cựu phó tổng thống Mỹ. "Biden đã đi khắp nơi khoe khoang rằng ông ta đã ngừng việc truy tố. Vì vậy, ông hãy xem xét vấn đề này nếu có thể. Tôi thấy nó có vẻ rất tệ", Trump nói.

Cuộc điện đàm với Zelensky diễn ra sau khi Trump ra lệnh đóng băng gần 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Dù ông chủ Nhà Trắng giải thích động thái này là nhằm thúc giục các nước châu Âu chung tay hỗ trợ Kiev, nhiều người đánh giá ông có động cơ chính trị, muốn gây sức ép để Zelensky phải điều tra Biden.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky phủ nhận việc này. "Tôi không muốn liên quan tới các cuộc bầu cử dân chủ và cởi mở của Mỹ. Tôi nghĩ chúng tôi đã có một cuộc điện đàm tốt đẹp, nói về nhiều thứ. Tôi nghĩ mọi người đều thấy rằng không ai hối thúc tôi cả", Zelensky trả lời báo chí tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 25/9, đề cập tới cuộc gọi với Trump hôm 25/7.

Ánh Ngọc (Theo NBC, Bloomberg)

cong ty nang luong khien trump muon dieu tra con trai joe biden Phái viên của Trump về Ukraine từ chức
cong ty nang luong khien trump muon dieu tra con trai joe biden Nga mong Mỹ không công khai điện đàm Putin - Trump
cong ty nang luong khien trump muon dieu tra con trai joe biden Ông Trump cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu bị luận tội
cong ty nang luong khien trump muon dieu tra con trai joe biden Tiết lộ nhân vật bí ẩn rò rỉ thông tin cuộc điện đàm Trump-Zelensky
cong ty nang luong khien trump muon dieu tra con trai joe biden Những tiết lộ bất ngờ về "người tố giác" Tổng thống Trump

/ vnexpress.net