Ánh sáng phát ra bị khúc xạ bởi tinh thể băng trong không khí, tạo thành các cột sáng rực rỡ giữa trời đêm.
Hàng loạt cột sáng với những màu sắc khác nhau chiếu lên trời ở thành phố Beloit. Ảnh: Tom Purdy.
Hiện tượng quang học hiếm gặp ở thành phố Beloit, bang Wisconsin, hôm 9/12, khiến nhiều người chứng kiến thích thú, AccuWeather đưa tin. Sương lạnh bao phủ khu vực này suốt hơn 5 tiếng, tạo điều kiện thuận lợi cho cột sáng hình thành, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS).
Đây là hiện tượng quang học xảy ra khi ánh sáng bị khúc xạ bởi các tinh thể băng. Ánh sáng này thường có màu giống với màu của nguồn sáng.
"Người quan sát sẽ thấy chúng giống như những cột sáng. Chúng thường bắt nguồn từ đèn đường. Tuy nhiên, bất kỳ nguồn sáng nào cũng có thể tạo ra hiện tượng này nếu gặp điều kiện thích hợp", nhà khí tượng David Samuhel giải thích.
Để các tinh thể băng hình thành, trời phải lặng, không có gió và thật lạnh. Để cột sáng xuất hiện, các tinh thể băng phải ở gần mặt đất. "Thông thường, tinh thể băng đủ nhỏ để lơ lửng trên không khí và chỉ hình thành khi nhiệt độ dưới -17 độ C. Trong phần lớn trường hợp, nhiệt độ là -23 đến -29 hoặc thấp hơn", Samuhel cho biết.
Cột sáng xuất hiện dưới áp suất cao và khi không có giông bão. "Bão và cột sáng không liên quan đến nhau. Bão sẽ làm gián đoạn sự hình thành của chúng bằng gió và mưa", ông bổ sung. Hiện tượng này thường xảy ra ở những khu vực xa hơn về phía bắc, nhưng cũng có thể xuất hiện ở một số nơi khác nếu điều kiện thích hợp.