Sau gần 2 năm, tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào sử dụng, cắt ngang qua các khu vực sản xuất nông nghiệp gây khó khăn cho quá trình đi lại, vận chuyển nông lâm sản cho người dân trên địa bàn. Vì vậy, cử tri Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ GTVT quan tâm nghiên cứu hệ thống đường gom, đường dẫn, cầu chui dân sinh, hoàn trả các đường công vụ, có biện pháp gia cố mái taluy nền đường, nghiên cứu, bố trí dải phân cách cứng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng cho phù hợp…
- Đề xuất làm cao tốc Nha Trang- Đà Lạt theo hình thức BOT với hơn 25.000 tỷ đồng
- Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku gần 38.000 tỷ đồng sẽ đầu tư theo phương án nào?
Theo Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, cao tốc Cam Lộ - La Sơn được thông xe vào cuối năm 2022, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với chiều dài hơn 62km. Sau hơn 20 tháng đưa vào khai thác đã có nhiều bất cập về hệ thống an toàn giao thông trên tuyến. Đặc biệt, trong Quý I/2024, đã xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng khiến nhiều người chết và bị thương.
Sau khi có ý kiến của Khu Quản lý đường bộ II, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tổ chức cắm biển báo cấm và biển thông báo điều tiết, bổ sung phân luồng các loại phương tiện "Xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm; xe 6 trục và trên 6 trục, gồm cả xe thân liền và tổ hợp xe đầu kéo" đi hướng QL1A.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án và cơ quan chức năng đã điều chỉnh phương án tổ chức an toàn tại các vị trí từ 4 làn xe sang 2 làn xe, phạm vi tại các nút giao và điều chỉnh vạch sơn tim đường vạch 1.1 (nét đứt) sang vạch 1.2 (nét liền) trên toàn tuyến, bổ sung 282 bộ biển báo, 4.315 đinh phản quang, 368 cọc tiêu mềm, 9.417 tiêu phản quang tròn gắn trên đỉnh hộ lan và lan can cầu… trên toàn tuyến.
Bộ GTVT cho biết, cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện nay đang khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc 2 làn xe từ cuối năm 2022. Vừa qua, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng tuyến Cam Lộ - La Sơn với chiều dài 98,35 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) với chiều dài khoảng 65 km, quy mô mở rộng bảo đảm quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 3.011 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Hiện nay, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục liên quan, dự kiến khởi công cuối năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2025.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị liên quan phối hợp địa phương rà soát, nghiên cứu đầu tư hệ thống đường gom, đường dẫn, cầu chui dân sinh, hoàn trả các đường công vụ; tính toán khẩu độ các cống thoát nước, có biện pháp gia cô mái taluy nền đường; nghiên cứu, bố trí dải phân cách cứng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng cho phù hợp để bảo đảm an sinh của người dân vùng dự án ở Thừa Thiên Huế và an toàn trong quá trình khai thác.
Bên cạnh những bất cập trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cử tri Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị về bất cập giao thông trên QL1 tại tuyến đường Lê Thuyết (thị xã Hương Trà) do tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tuyến đường Lê Thuyết là tuyến chính kết nối khu vực dân cư ở phía Tây của phường Hương Xuân ra QL1A, lưu lượng tham gia giao thông với mật độ lớn.
Tại khu vực trên tuyến QL1 này có 2 vị trí quay đầu xe. Người tham gia giao thông điều khiển phương tiện đi từ đường Lê Thuyết ra hướng QL1 thường xuyên tìm cách đi ngược chiều để qua đường. Do đó, cử tri đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, điều chỉnh lại vị trí quay đầu xe để phù hợp hơn và thuận tiện việc đi lại của người dân, đảm bảo an toàn giao thông.
Bộ GTVT cho biết, ngay sau khi nhận được kiến nghị, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo cơ quan quản lý đường bộ tại các khu vực phối hợp với Sở GTVT tổ chức theo dõi thu thập số liệu giao thông để có cơ sở xây dựng giải pháp điều chỉnh theo đề nghị của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.
Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế và Khu Quản lý đường bộ II đã chủ trì, phối hợp với dự án BOT là Công ty TNHH Trùng Phương và các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra hiện trường, thống nhất xử lý những bất cập về tổ chức giao thông trên đoạn tuyến Km 814+800 - Km 815+210, QL1 và nút giao đường Lê Thuyết với QL1 như cử tri phản ánh.
Trong thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương và nhà đầu tư theo dõi tình hình giao thông tại đây để kịp thời điều chỉnh những phát sinh (nếu có) góp phần tăng cường an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua khu vực đáp ứng kiến nghị của cử tri…
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 217 vụ TNGT, làm chết 93 người, bị thương 160 người; so với cùng kỳ tăng 46 vụ, tăng 4 người chết và tăng 35 người bị thương. Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 215 vụ. Nguyên nhân gây tai nạn phần lớn là do các lỗi: không làm chủ tay lái; chuyển hướng không đảm bảo; thiếu chú ý quan sát; đi không đúng phần đường; vi phạm tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn… Điều đáng lo, trong 9 tháng đầu năm, trên tuyến QL1A - xảy ra 93 vụ TNGT khiến 26 người chết và 65 người bị thương. Đối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn dù chỉ xảy ra 5 vụ TNGT nhưng có đến 7 người chết và 5 người bị thương… Dự báo, từ nay đến cuối năm, lưu lượng phương tiện tham gia trên tuyến QL1A và cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tăng nên nguy cơ TNGT luôn tiềm ẩn nếu lái xe không tuân thủ Luật Giao thông.