Sự ra đời của các cửa hàng tiện lợi góp phần vào việc ổn định hàng hóa và giá cả trên thị trường, hình thành thói quen mua sắm hiện đại cho người dân.

Theo quy định chung của nhiều quốc gia trên thế giới, cửa hàng tiện lợi là loại hình cửa hàng bán lẻ nằm trong khu vực đông dân cư, có diện tích tương đối nhỏ và được mở trong nhiều giờ (có thể là 24/24h).

Cửa hàng tiện lợi cung cấp những sản phẩm cơ bản nhất cho nhu cầu tiêu dùng với không quá nhiều chủng loại. Giá bán sản phẩm ở các cửa hàng tiện lợi thường sẽ cao hơn siêu thị và ít khi áp dụng các chương trình giảm giá, khuyến mãi.

Cửa hàng tiện lợi cũng có những sản phẩm tương tự như cửa hàng tạp hóa (vậy nên thường hay bị nhầm lẫn). Đó là thực phẩm, nước giải khát, đồ dùng thiết yếu hằng ngày như hóa mỹ phẩm. Nhưng điểm khác biệt là nếu cửa hàng, siêu thị thông thường bán đồ tươi sống để người mua về chế biến thì cửa hàng tiện lợi sẽ bán những loại thực phẩm có thể sử dụng ngay. Ví dụ như bánh bao, mì gói, bánh mì, cơm hộp làm sẵn… Trong cửa hàng bao giờ cũng có lò vi sóng để hâm nóng thức ăn cho khách hàng. Đa phần cũng có chỗ ngồi để dùng bữa trực tiếp.

Khi người tiêu dùng ra đường, họ thường mua những đồ ăn không cần phải tự chuẩn bị. Do đó, người tiêu dùng thường không cần quá nhiều mặt hàng đa dạng mà chỉ cần một vài lựa chọn phù hợp với nhu cầu của hầu hết mọi người. Việc ít lựa chọn hơn đối với các đồ ăn nhẹ và đồ uống giúp khách hàng di chuyển nhanh chóng khi mua hàng và tiếp tục kế hoạch khác trong ngày của mình. Vì vậy, từ khoảng cách để xe cho đến quầy bên trong cửa hàng cần ngắn, giao dịch phải nhanh chóng và dễ dàng. Vì vậy, các cửa hàng tiện lợi thường là lựa chọn của người tiêu dùng bởi tốc độ giao dịch hàng hoá nhanh nhất.

Tại Trung Quốc, với cửa hàng tiện lợi, vị trí thường được lựa chọn đặt ở khu thương mại; trong khu vực bến xe và các điểm cạnh đường giao thông quan trọng, bệnh viện, trường học, nơi vui chơi giải trí, toà nhà văn phòng, trạm xăng, khu hoạt động công cộng…

Phạm vi kinh doanh của loại hình cửa hàng này nhỏ, khách hàng đi bộ đến cửa hàng trong vòng 5 phút. Khách hàng mục tiêu chủ yếu là người sống độc thân; nhiều khách hàng đến vì mục đích mua hàng. Diện tích kinh doanh cũng khoảng 100m2, hiệu suất sử dụng cao. Chủ yếu bán thực phẩm ăn ngay, hàng bách hóa nhỏ lẻ; tiêu dùng tức thời, dung lượng nhỏ; số lượng mặt hàng kinh doanh khoảng 3.000, giá bán cao hơn bình quân ngoài thị trường.

phat-trien-cua-hang-tien-loi-kinh-nghiem-tu-quoc-te-va-goi-mo-cho-viet-nam_1
Sự ra đời của các cửa hàng tiện lợi góp phần vào việc ổn định hàng hóa và giá cả trên thị trường, hình thành thói quen mua sắm hiện đại cho người dân

Nhận thấy tính tiện lợi của loại hình kinh doanh này, tại Thái Lan, hiện đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh được nâng cấp từ cửa hàng bách hóa, cửa hàng tạp hóa của mình lên thành chuỗi cửa hàng tiện lợi để nhằm chuẩn hóa các hoạt động kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại. Từ đó, có được hàng hóa nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung cấp theo chuỗi để bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, nâng cao được dịch vụ cung cấp cho người dân với giá cả cạnh tranh.

Tại nước Mỹ có đến gần 155.000 cửa hàng tiện lợi. Điều này giúp khách hàng có thể dễ dàng mua sắm ở bất kỳ đâu và bất cứ khi nào cần thiết. Tương tự, tại nhiều nước trên thế giới, các cửa hàng tiện lợi có mặt với mật độ dày đặc, từ đó, phục vụ được nhu cầu thiết yếu của người dân trong khu vực cũng như khách vãng lai.

Ngoài ra, hiện nay cửa hàng tiện ích còn bắt đầu mở rộng nhiều dịch vụ khác nữa như thanh toán tiền điện nước, bán thẻ điện thoại, bán dược phẩm, đổi tiền từ ví điện tử,… Có thể nói, cửa hàng tiện lợi bán những gì chúng ta cần hằng ngày và có thể sử dụng luôn, đặt tính tiện - nhanh lên trên hết.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp hướng tới việc phát triển cửa hàng tiện lợi ở khu vực dân cư là hoạt động nằm trong xu thế ngày càng mở cửa của thị trường, góp phần làm đa dạng thêm các loại hình kinh doanh, bán lẻ hàng tiêu dùng. Sự ra đời của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini còn góp phần vào việc ổn định hàng hóa và giá cả trên thị trường, hình thành thói quen mua sắm hiện đại cho người dân.

Để góp phần phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành Công Thương, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã xây dựng và đang xin ý kiến rộng rãi Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Tham khảo kinh nghiệm từ nước ngoài, Ban soạn thảo đưa ra thông số cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ trong bán kính 500m chỉ nhằm làm rõ hơn tính tiện lợi của các cửa hàng này.

Cụ thể, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận cửa hàng đó thì cửa hàng không được xa quá mà phải nằm trong bán kính 500m trở xuống và người tiêu dùng có thể chỉ cần đi bộ cũng tới được cửa hàng. Cửa hàng này cũng có những tiêu chí về mở rộng thời gian để người tiêu dùng có thể tới tiếp cận được dễ dàng, đó là được phép hoạt động 24/24 giờ.

Thêm vào đó, dự thảo cũng quy định các cửa hàng tiện lợi được mở rộng phạm vi kinh doanh, không chỉ kinh doanh hàng hóa mà còn được kinh doanh một số những dịch vụ thiết yếu. Ví dụ như đóng tiền điện, đóng tiền điện thoại hay đóng tiền bảo hiểm… và được kinh doanh cả những sản phẩm dược phẩm không kê đơn.

Nghĩa là tạo ra những tiêu chí để phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi là một trong những loại hạ tầng thương mại mà Bộ Công Thương nhận thức phù hợp với điều kiện Việt Nam và là một trong những định hướng của Bộ Công Thương trong thời gian tới.

Thêm vào đó, tập quán tiêu dùng ở người Việt Nam là tìm kiếm các loại hình thương mại mà ở gần nhà cũng đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là với nhóm cửa hàng tạp hóa hiện nay thì vẫn đang được yêu thích.

Quy định “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” tại dự thảo không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như “cách hiểu” của một số chuyên gia. “Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại” - bà Lê Việt Nga khẳng định. Tuy nhiên Bộ Công Thương đang lắng nghe ý kiến góp ý để chỉnh sửa chi tiết này sao cho phù hợp.

Có thể nói, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đưa ra những tiêu chí xác định các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại của cửa hàng tiện lợi sao cho phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển thương mại, dịch vụ của mỗi quốc gia. Tất cả đều có quy định chặt chẽ nhưng cũng thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp đầu tư và thuận tiện cho cơ quan quản lý.

Ngân Thương / Báo Công Thương