Được trao quyền lực lớn trong cuộc chiến chống ma túy của Duterte, nhiều cảnh sát Philippines lạm quyền và ngang nhiên phạm tội.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AFP.
Trong một cuộc đột kích năm 2016 ở thủ đô Manila, Philippines, một nhóm người xông vào trụ sở một doanh nghiệp và đuổi toàn bộ nhân viên khỏi chỗ ngồi làm việc của họ, theo This Week in Asia. Một kẻ đột nhập mặc áo khoác trùm đầu màu xanh và đội mũ bóng chày tát vào mặt một nhân viên đang ngồi, khiến anh này ngã xuống sàn.
Sau khi tát vài nhân viên khác, những kẻ đột nhập dồn nhân viên vào một căn phòng nhỏ và khóa cửa. Khuất khỏi tầm nhìn của đám đông, kẻ đột nhập đeo mặt nạ mở khóa chiếc ba lô đeo ngang ngực và bày thứ bên trong lên những chiếc bàn trống. Đó chính là ma túy và nhóm đột nhập là những cảnh sát chống ma túy.
Không biết đang bị camera an ninh ghi hình, họ không chỉ ngụy tạo bằng chứng trong lúc vờ lục soát nơi làm việc mà còn cướp phá văn phòng, lấy đi số tài sản trị giá khoảng 350.000 USD. Nhóm người này sau đó còn yêu cầu chủ doanh nghiệp đưa thêm 100.000 USD.
Đoạn video về cuộc đột kích được chiếu trong phiên điều trần của Thượng viện Philippines tháng 1/2017. Khi sự việc bị phanh phui, Ronald dela Rosa, khi đó là tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP), cho biết các sĩ quan sẽ bị điều tra và đơn vị chống ma túy này "có thể bị giải tán".
Nhưng gần hai năm sau, không có thêm tin mới nào về vụ án, PNP thậm chí không công bố tên của những người liên quan. Dela Rosa đã nghỉ hưu và sẽ tranh cử thượng nghị sĩ vào năm tới. Trong khi đó, danh sách những cảnh sát Philippines vi phạm ngày càng tăng lên khi nhuệ khí, chuẩn mực và kỷ luật của lực lượng thực thi pháp luật này bị xói mòn dưới thời chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte.
"Những sai phạm của cảnh sát được dung thứ nhờ cuộc chiến chống ma túy và tình trạng tham nhũng thực sự gia tăng", nhà báo kỳ cựu Bruno Mogato nói. Ông là một trong ba phóng viên Reuters giành giải Pulitzer 2018 nhờ loạt bài về cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte. Theo tổng biên tập Reuters Stephen Adler, nhóm "chứng minh cảnh sát trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống đã giết người mà không bị trừng phạt và luôn được bảo vệ khỏi nguy cơ bị truy tố".
Duterte đắc cử tổng thống năm 2016 với lời hứa sẽ chấm dứt vấn nạn ma túy của đất nước. Cảnh sát Philippines được trao rất nhiều quyền hành trong chiến dịch này, thậm chí có thể bắn chết nghi phạm ma túy ngay tại chỗ. Khi còn là thị trưởng Davao, Duterte nổi tiếng vì săn lùng tội phạm bằng Biệt đội tử thần Davao. Khi trở thành tổng thống, ông đã chuyển một nhóm cảnh sát từ Davao đến Manila. Khi phóng viên Reuters hỏi một sĩ quan trong nhóm này rằng điều gì khiến anh được chọn tới Manila, anh ta mỉm cười và nói "kỹ năng giết người đặc biệt".
Tessie Ang See, chủ tịch Phong trào Khôi phục Hòa bình và Trật tự, cho biết Duterte là "người khởi xướng và kết thúc cuộc chiến chống ma túy, cảnh sát chỉ nhận chỉ thị từ ông".
Dưới thời Duterte, nhiệm vụ "tìm và diệt" của PNP cũng được thực hiện nhiều như sứ mệnh "phụng sự và bảo vệ" của họ. Trong một chiến dịch chống ma túy điển hình ở Metro Manila, cảnh sát vây kín con phố, phong tỏa các tuyến đường và sau đó triển khai nhóm vũ trang đến truy tìm "tội phạm ma túy" có tên trong danh sách theo dõi.
Chiến dịch gần như luôn kết thúc với các thi thể lỗ chỗ vết đạn gục trên mặt đất, trong tay họ luôn có một khẩu súng ngắn và bao quanh là những gói ma túy. Trong báo cáo của nhà chức trách, người chết được mô tả là nanlaban - nghi phạm chống đối cảnh sát.
Cựu tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia Philippines Ronald dela Rosa (ngoài cùng bên phải). Ảnh: AP.
Hai thuật ngữ "độc quyền" của PNP dưới thời Duterte là "tokhang" và "tandem". Tokhang ban đầu mang ý nghĩa là cuộc lục soát của cảnh sát tại ngôi nhà theo "đề nghị" của chủ nhà, nhưng bây giờ nó có nghĩa là giết người không qua xét xử.
"Tandem" được dùng để chỉ hai sát thủ mang mặt nạ đi xe máy, một người cầm lái và một người bắn. PNP thường chọn các sát thủ giết thuê vào những nhóm này. Tuy nhiên, hồi tháng 6 ở thành phố Iloilo, một cảnh sát được xác định là nghi phạm ma túy bị một tandem phục kích khi đang lái ôtô. Bị thương, ông ta bắn trả khiến kẻ tấn công trúng đạn. Tay súng sau đó được đưa tới bệnh viện và được xác định là cảnh sát.
Qua những hoạt động có tên gọi như "Tokhang", "Double Barrel" và "One Time Big Time", cảnh sát Philippines đã giết chết 4.854 "nghi phạm" được cho là có dính dáng tới ma túy. Tuy nhiên, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ít nhất 12.000 người đã bị sát hại vô tội vạ, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, khi cảnh sát xả súng bừa bãi vào các ngôi nhà.
Năm 2016, cảnh sát thành phố Quezon báo cáo họ đã bắn chết 5 nghi phạm ma túy chống trả khi bị bắt. Không may cho những sĩ quan này, một nạn nhân là Afren Morillo đã sống sót và tố cáo những gì thực sự xảy ra. Theo Morillo, cảnh sát vây bắt, chế nhạo, tra tấn và bắn chết các nạn nhân. Morillo sống sót nhờ giả chết và sau đó tìm trợ giúp y tế. Vụ án đang tiếp tục được điều tra.
Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros gọi cuộc chiến ma túy là "đẫm máu, lạm dụng và dễ dẫn tới tham nhũng". Ông nhấn mạnh rằng cuộc chiến của Duterte đã giết chết hàng nghìn người, phần lớn là người nghèo.
Quan chức cấp cao PNP giận dữ trước các cáo buộc. Tân tư lệnh PNP Oscar Albayalde cho biết "chúng tôi đã truy tố hoặc sa thải khoảng 1.600 nhân viên từ năm 2016 vì nhiều lý do và truy tố 674 cảnh sát vì vi phạm nhân quyền".
Tháng trước, ba cảnh sát Philippines lĩnh án 40 năm tù mỗi người vì giết thiếu niên Kian delos Santos, người họ khẳng định là nghi phạm ma túy đã dùng súng bắn họ. Lời khai của các nhân chứng và đoạn video do camera an ninh ghi lại cho thấy nạn nhân không có vũ khí. Đó là lần đầu tiên cảnh sát dưới thời Duterte bị trừng phạt vì tội giết người không qua xét xử.
Cũng trong tháng 11, cảnh sát ở Manila bị cáo buộc sử dụng Palit Puri, nghĩa đen là "trao đổi trinh tiết", để bắt phụ nữ quan hệ tình dục, nếu không sẽ bỏ tù họ. Một giảng viên cảnh sát cũng bị bắt vì cưỡng hiếp một nữ thực tập sinh. Theo CNN, từ khi Duterte đắc cử tổng thống năm 2016, đã có 60 cảnh sát dính líu đến ít nhất 33 vụ bạo lực phụ nữ, từ quấy rối tình dục đến cưỡng hiếp.
Những tội danh cảnh sát vi phạm là giết người, bắt cóc, cưỡng hiếp, thậm chí là đá gà bất hợp pháp, nhưng thường xuyên nhất là tống tiền. Nhà báo Mogato cho biết cảnh sát bắt "nghi phạm ma túy" và sau đó buộc họ nộp tiền để không phải ngồi tù. "Nhiều người khiếu nại với cảnh sát rằng họ đã bị yêu cầu nộp 10.000 USD, sau đó giảm xuống 1.500 USD để được thả", Mogato nói.
Năm nay, 8 cảnh sát ở Đơn vị chống ma túy của thành phố Muntinlupa tiến hành một chiến dịch chống ma túy giả để đột kích vào một ngôi nhà. Sau khi cướp tài sản có giá trị, họ bắt cóc một phụ nữ cùng đứa con 7 tuổi của cô để tống tiền. Bốn cảnh sát bị bắt, trong khi những người còn lại bỏ trốn.
Một nghi phạm ma túy bị bắn chết trên đường phố Philippines năm 2016. Ảnh: AFP.
Có lẽ vụ án kinh hoàng nhất được đưa ra ánh sáng là vụ bắt cóc và giết doanh nhân Hàn Quốc Jee Ick-joo tháng 10/2016. Jee bị bắt ở thành phố Angeles, phía bắc Manila, bị đưa đến trụ sở PNP ở Manila và gần như bị siết cổ đến chết ngay lập tức. Không nói với vợ Jee rằng ông đã chết, những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc. Sau khi nhận được một phần tiền, những kẻ bắt cóc đưa thi thể Jee đến nhà xác, thiêu hủy và đổ tro xuống nhà vệ sinh.
Khi các thủ phạm bị xác định vào năm ngoái, Duterte không tiếc lời công kích lực lượng cảnh sát. "Cảnh sát các anh là những người tham nhũng nhất, tham nhũng đến cốt lõi", Duterte nói, nhấn mạnh rằng có tới 40% cảnh sát tham nhũng. Bất chấp những đả kích của Tổng thống, không ai bị trừng phạt vì tội giết người.
Nhà phân tích chính trị Ramon Casiple, giám đốc điều hành Viện Cải cách Chính trị và Bầu cử, cho biết vấn đề ở chỗ Duterte không quy định giới hạn nào cho cảnh sát về việc tiến hành cuộc chiến chống ma túy. "Vấn đề nằm ở cách tiếp cận vì nó dẫn đến lạm dụng", Casiple nói. Ông cũng chỉ ra rằng cảnh sát đang cảm thấy áp lực vì bị Tổng thống kiểm tra thường xuyên và áp lực cũng dẫn đến sai phạm.
Magato đồng tình với quan điểm này, nói rằng Duterte muốn có thành tựu trong cuộc chiến chống ma túy, vì vậy cảnh sát phải mang đến kết quả cụ thể. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng có nhiều cảnh sát tốt không ủng hộ cuộc chiến chống ma túy này. "Hình ảnh của cảnh sát đã bị hủy hoại, thay vì kéo công chúng lại gần hơn, điều này đang đẩy họ xa hơn".
Nhưng Duterte bị ám ảnh bởi chiến thắng trong cuộc chiến chống ma túy. Phản ứng với việc ba cảnh sát bị kết tội vì giết thiếu niên, Duterte tuyên bố sẽ không có sự buông lỏng nào trong cuộc chiến chống ma túy chỉ vì vài cảnh sát đã giết người.
Mogato dẫn các nguồn tin riêng của mình nói rằng cảnh sát thường tìm cách sắp đặt để những vụ nổ súng giết nghi phạm trông thuyết phục hơn. Một số cảnh sát chịu trách nhiệm đảm bảo tất cả các đèn trong khu phố đều tắt trước khi họ thực hiện "tokhang" để ngăn camera an ninh ghi lại bất cứ điều gì liên quan.
"Thật khó để nói những điều tốt đẹp về PNP dưới thời Duterte. Nếu bạn có một tư lệnh cảnh sát như Dela Rosa, người sẽ làm mọi việc Duterte yêu cầu, điều đó càng vô vọng", Mogato nói. "Sau cuộc khủng hoảng này, cảnh sát Philippines sẽ phải mất nhiều năm để lấy lại uy tín và sự liêm chính".
Duterte lần đầu nhận \'giết sai\' trong cuộc chiến chống ma túy Tổng thống Philippines cho rằng sai lầm duy nhất của ông khi lãnh đạo đất nước là để xảy ra các vụ giết người ngoại ... |
Nỗi đau còn lại sau cuộc chiến chống ma túy tàn bạo ở Philippines Hậu quả của chiến dịch cứng rắn nhằm thanh trừng tội phạm ma túy tại Philippines là hàng nghìn trẻ mồ côi, các gia đình ... |