Bất chấp gông cùm và hoàn cảnh khắc nghiệt trong nhà tù, đồng chí Đỗ Mười cùng các đồng chí cộng sản từng bước thực hiện kế hoạch vượt ngục, cuối cùng băng qua đường cống ngầm tối tăm và thoát ra ngoài.
Nói về sự nghiệp cách mạng của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười không thể không nhắc đến cuộc vượt ngục thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò diễn ra vào năm 1945.
Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò hiện nay nằm ở số 1 phố Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngoài cổng vẫn giữ tên gọi tiếng Pháp thời bấy giờ: Maison Centrale (tức Ngục thất Hà Nội).
Với những bức tường bằng đá cốt thép cao 4m, dày 0,5m bao quanh, trên bờ tường kín đặc mảnh chai mảnh sành với lưới điện chằng chịt, nhà tù Hỏa Lò là nỗi ám ảnh với tất cả những tù nhân từng bị giam giữ tại đây.
Tháng 10 năm 1942, trong khi hoạt động cách mạng, đồng chí Đỗ Mười bị thực dân Pháp bắt giữ, giam tại trại giam Hà Đông. Khi ấy đồng chí mới 25 tuổi. Đến đầu năm 1943, thực dân Pháp chuyển đồng chí về giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
Những ngày tháng ở nhà tù, đồng chí Đỗ Mười bị giam cầm trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, hai cổ chân luôn bị khóa chặt bởi gông cùm.
Dù vậy, với ý chí sắt đá của người cộng sản, đồng chí Đỗ Mười cùng anh em tù chính trị tại đây vẫn tìm mọi cách nắm bắt, theo dõi tình hình cách mạng bên ngoài, đồng thời nung nấu kế hoạch vượt ngục.
Tối 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, tình hình bên ngoài trở nên hỗn loạn. Đèn điện vụt tắt, bốn bề là tiếng súng đạn. Anh em tù nhân đập vào tường hô hào nhau: "Nhật, Pháp bắn nhau rồi! Nhật, Pháp bắn nhau rồi!".
Nhận thấy thời cơ đã tới, đồng chí Đỗ Mười cùng nhiều anh em tù chính trị đã tổ chức một cuộc trao đổi bí mật ngay tại buồng giam để nhận định tình hình. Ai nấy đều nhất trí tranh thủ lúc rối ren này khẩn trương tìm cơ hội tẩu thoát.
Ngày 10.3.1945, khi quân Nhật vào mở cửa trại giam, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng 8 đồng chí khác lén ra phòng thuốc, giả vờ ốm. Nhân lúc quân Nhật sơ hở, các đồng chí sang được trại giam thường phạm, trốn ra hành lang rồi trèo tường thoát ra bên ngoài.
Tuy nhiên, kế hoạch không thành, nhiều đồng chí bị quân Nhật phát hiện, bắt lại. Không nhụt chí, trưa 11.3.1945, đồng chí Đỗ Mười cùng một số đồng chí khác nhân lúc nhốn nháo trà trộn vào nhóm tù thường, lẻn sang trại J (trại giam trẻ em) và tình cờ phát hiện một nắp cống.
Tại đây, hai đồng chí được cử xuống thăm dò. Sau gần 30 phút lần mò dưới đường ống cống tối tăm, chật hẹp, cả hai trở lại thông báo: đã tìm thấy lối ra.
19h30 ngày 12.3.1945, cuộc vượt ngục tập thể diễn ra. Lần theo đường cống phát hiện trước đó, cả nhóm thoát khỏi nhà tù, băng qua bãi pháo của Nhật ra bờ sông, men theo đường đê và đi thẳng về nhà đồng chí Đỗ Mười ở Đông Phù, Thanh Trì, tiếp tục thực hiện trọng trách cách mạng.
Thành công của cuộc vượt ngục có ý nghĩa to lớn trong việc ổn định lại bộ máy lãnh đạo của Đảng trong cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.
Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày nay, phần cửa cống mà đồng chí Đỗ Mười cùng các anh em cách mạng từng dùng làm đường vượt ngục vẫn được lưu giữ lại làm minh chứng lịch sử cho thời kỳ cách mạng gian nan mà hào hùng của dân tộc.
Tài sản quý nhất của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười Tài sản quý giá nhất mà nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười để lại là gì? “Là sách, gần một vạn cuốn sách”, ông Phan ... |
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười: ‘Phải giữ bằng được bát cơm cho dân’ "Phải giữ bằng được bát cơm cho dân. Đất nước mình người đông, đất hẹp, phải giữ đất trồng lúa", Cố vấn BCH TƯ Đảng ... |
Đồng chí Đỗ Mười - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đồng chí Đỗ Mười không chỉ là người lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng trong lãnh đạo, chỉ đạo tầm vĩ mô, ... |