Được đánh giá là dòng xe tăng hiện đại bậc nhất thế giới do Vương quốc Anh chế tạo, nhưng những chiếc Challenger 2 liệu có thể hoạt động hiệu quả ở Ukraine?

Theo Military Watch, Challenger 2 là lớp xe tăng đầu tiên do phương Tây chế tạo được cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine. Những chiếc Challenger 2 đầu tiên của Anh dự kiến ​​sẽ được giao vào giữa tháng 4/2023. Trong khi đó các nhân viên Ukraine sẽ tiếp tục huấn luyện để vận hành và bảo trì chiếc xe tăng này ở Vương quốc Anh. 

Việc giao hàng sẽ khiến Ukraine trở thành nhà khai thác nước ngoài thứ hai của Challenger 2 sau Oman. Chiếc xe tăng này đã không cạnh tranh được hợp đồng với Leopard 2 được sử dụng rộng rãi hơn của Đức và M1 Abrams của Mỹ. 

Số lượng Challenger 2 hiện có tương đối hạn chế, có khoảng 450 chiếc từng được chế tạo và quân đội Anh cũng có kế hoạch cắt giảm số lượng xe xuống chỉ còn 148, điều này có nghĩa là Ukraine có thể sẽ được viện trợ tới 200 chiếc.

Là loại xe tăng duy nhất ở thế giới phương Tây được đưa vào phục vụ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những chiếc Challenger 2 được đánh giá cao nhất nhờ lớp giáp, đặc biệt là trên tháp pháo. Tuy nhiên, sự phù hợp của xe tăng đối với nhu cầu phòng thủ của Ukraine luôn bị các chuyên gia quân sự nghi ngờ. 

Đạn dược khiến xe tăng Challenger 2 không phải lựa chọn tốt cho Ukraine? - 1

Xe tăng Challenger 2 của Anh.

Các chuyên gia phân tích đã chỉ ra một số tính năng của Challenger 2 làm hạn chế khả năng hữu ích của nó trên chiến trường Ukraine. Challenger 2 là loại xe tăng sử dụng pháo có rãnh, trong khi đó Liên Xô đã chuyển đổi sang pháo nòng trơn vào đầu những năm 1960, sau đó là Đức và Mỹ vào những năm 1980. 

Do đó, Challenger 2 sẽ là xe tăng duy nhất trên chiến trường Ukraine không trang bị pháo nòng trơn. Loại pháo kiểu cũ này làm giảm đáng kể sức mạnh và độ chính xác của đạn xe tăng, hạn chế khả năng tương thích với các loại đạn được sử dụng bởi các xe tăng phương Tây khác như Leopard 2. 

 

Thiếu khả năng tương thích với đạn dược từ các thành viên NATO khác là đặc biệt nghiêm trọng vì Anh không còn sản xuất đạn cho pháo 120mm và trên thế giới cũng không còn quốc gia nào sản xuất do loại đạn này đã lỗi thời. Điều này đồng nghĩa với việc chiếc xe tăng sẽ khan hiếm đạn để sử dụng. 

Tuy nhiên, Anh có thể sẵn sàng chuyển giao hết lượng đạn 120mm dự trữ của mình để trang bị cho Ukraine, bởi nước này cũng đang lên kế hoạch tích hợp pháo nòng trơn vào những chiếc Challenger 2 để thay thế kiểu pháo cũ. 

Một thiếu sót quan trọng khác liên quan đến đạn dược là xe tăng Anh thiếu loại đạn phân mảnh, một loại đạn được xe tăng Nga sử dụng rất phổ biến. Điều này đặc biệt quan trọng vì các cuộc giao tranh giữa xe tăng và xe tăng rất hiếm. Trên chiến trường Ukraine, xe tăng chủ yếu được sử dụng cho vai trò phản công bộ binh mà đạn phân mảnh mang lại lợi thế quan trọng. 

Đạn dược khiến xe tăng Challenger 2 không phải lựa chọn tốt cho Ukraine? - 2

Xe tăng T-90M của Nga.

Ngoài vũ khí chính, Challenger 2 còn bị cản trở bởi việc sử dụng các thiết bị chụp ảnh nhiệt thế hệ đầu tiên nên đã lỗi thời. Dù được cho là tiên tiến vào thời điểm những năm 1990, nhưng những trang bị này kém hơn nhiều so với cả những trang bị trên những chiếc xe tăng thời Liên Xô được Nga nâng cấp ngày nay. 

Ngược lại, T-90M xe tăng mạnh nhất của Nga, sử dụng kính ngắm nhiệt thế hệ thứ ba. Hơn nữa, xe tăng Anh thiếu thiết bị quan sát ảnh nhiệt riêng cho người chỉ huy. Về khả năng bảo vệ, dù có tháp pháo bọc giáp rất tốt, nhưng thân xe tăng sử dụng lớp giáp thép đơn giản, không có vật liệu tổng hợp hoặc giáp phản ứng nổ. 

Như vậy xe tăng chỉ cần trúng một phát bắn duy nhất cũng có thể gây ra vụ nổ thảm khốc giống như trường hợp một số xe tăng T-72B3 của Nga khi chưa được nâng cấp. Điều này đã từng xảy ra với Challenger 2, khi xe tăng không may bị trúng đạn trong một buổi diễn tập, khiến cho tháp pháo của nó bung ra hoàn toàn. 

Đạn dược khiến xe tăng Challenger 2 không phải lựa chọn tốt cho Ukraine? - 3

Xe tăng Challenger 2 của Anh bị bay tháp pháo.

Sự phức tạp và nhu cầu bảo trì cao của Challenger 2 cũng đặt ra câu hỏi về mức độ có thể duy trì hoạt động trên chiến trường Ukraine. Với trọng lượng 65-70 tấn, Challenger 2 nặng hơn đáng kể so với các thiết kế của Liên Xô mà Ukraine hiện đang trang bị, không những mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn mà còn kém phù hợp với cơ sở hạ tầng địa phương, đặc biệt là các cây cầu. Bên cạnh đó, xe tăng Challenger 2 cũng yêu cầu kíp lái nhiều hơn 1 người so với các xe tăng của Nga.

Challenger 2 là một chiếc xe tăng hiện đại, tuy nhiên những thiếu sót của chiếc xe tăng này, cùng với những điều kiện khó khăn trên chiến trường Ukraine sẽ khiến nó gặp nhiều khó khăn trong hoạt động chiến đấu và rất dễ trở thành mục tiêu cho các xe tăng Nga.

https://vtc.vn/dan-duoc-khien-xe-tang-challenger-2-khong-phai-lua-chon-tot-cho-ukraine-ar749317.html

HƯNG LÊ / VTC News