Trước đề xuất xem xét, bổ sung đăng kiểm vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các đăng kiểm viên đã có những trải lòng với Báo Giao thông về vấn đề này.
Phù hợp và rất cần thiết
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát tổng thể các lĩnh vực đăng kiểm để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho phù hợp với thực tế các công việc trong lĩnh vực đăng kiểm.
Theo các đăng kiểm viên, đề xuất đăng kiểm vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoàn toàn phù hợp bởi môi trường làm việc tiếp xúc với khí xả phương tiện, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quốc Hoan, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2903V cho biết, đối với lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, đây là đề xuất phù hợp và thực sự cần thiết bởi điều kiện làm việc của các đăng kiểm viên thường xuyên tiếp xúc với khói, khí thải từ phương tiện ô tô nên rất độc hại.
Thời điểm còn là đăng kiểm viên trực tiếp làm công tác kiểm định phương tiện, ông Hoan cho biết, ông bị viêm xoang và ho thường xuyên kéo dài. "Khí thải của phương tiện nếu tiếp xúc liên tục mỗi ngày ảnh hưởng rất nhiều đến hệ hô hấp của con người. Mặc dù các đăng kiểm viên thường được trang bị khẩu trang khi làm việc tuy nhiên không đảm bảo 100% không tiếp xúc với khói và khí thải ô tô", ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, trong vài năm trở lại đây, khi ông được điều chuyển lên Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam và sau đó là lãnh đạo trung tâm đăng kiểm, ít khi trực tiếp thực hiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, bệnh viêm xoang đến nay đã khỏi hoàn toàn.
"Thế mới thấy, môi trường kiểm định phương tiện độc hại thế nào", ông Hoan nói.
Trong khi đó, một đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903S tâm sự: Ngày hè nóng bức, nhiệt độ từ 35 độ trở lên, phải chui xuống hầm kiểm tra khí thải, khói từ ống xả phương tiện thoát ra kết hợp với nhiệt độ của thời tiết nhiều khi bị "ngộp thở".
"Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu là triệu chứng nhiều đăng kiểm viên gặp phải trong trường hợp này. Thời điểm hiện nay, sắp vào ngày hè, nghĩ đến đã thấy sợ nhưng đã chọn nghề thì phải hoàn thành nhiệm vụ công việc được giao", đăng kiểm viên này nói.
Khi được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các đăng kiểm viên sẽ được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, góp phần đảm bảo thu nhập, cuộc sống.
Quan tâm chế độ phụ cấp, thu hút nguồn nhân lực
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội nhìn nhận: Gần 30 năm triển khai hoạt động kiểm định xe cơ giới đường bộ đến nay đề xuất đưa đăng kiểm vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mới được đưa ra, tuy chậm nhưng thực sự cần thiết. Từ đó, bày tỏ mong muốn Cục Đăng kiểm VN và Bộ GTVT khẩn trương xem xét và có ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để đảm bảo quyền lợi chính đáng đối với người lao động.
Bởi khi chính thức được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bên cạnh tiền lương, các đăng kiểm viên còn được hưởng chế độ phụ cấp độc hại.
"Phụ cấp có thể không nhiều nhưng thể hiện đúng tính chất công việc của những đăng kiểm viên, từ đó, xã hội cũng có cái nhìn chính xác hơn về nghề đăng kiểm", một đăng kiểm viên tại trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội chia sẻ.
Theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Phú Thọ, đề xuất trên nếu được chấp nhận sẽ là động lực để các đăng kiểm viên nỗ lực hơn trong công việc bởi công sức, nỗi vất vả, khó khăn, sự cống hiến của bao thế hệ đăng kiểm viên đã được nhìn nhận xứng đáng. Đó cũng sẽ là một điểm cộng giúp thu hút nguồn nhân lực trong bối cảnh đang thiếu hụt hiện nay.
Nói về nghề đăng kiểm xe cơ giới, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cũng từng trải lòng đây là một nghề vất vả, làm việc trong môi trường độc hại, do đó cần sắp xếp chế độ tiền lương, phụ cấp độc hại cho phù hợp, đảm bảo chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để anh em chuyên tâm với nghề.