Trong bối cảnh người đại diện của HLV Park Hang-seo “mớm” tin cho giới truyền thông về việc ông cùng các trợ lý nhận được đề nghị từ phía Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng sẵn sàng đưa ra thông điệp về việc không giữ chân vị chiến lược gia này bằng mọi giá.
- HLV Park Hang Seo: Tuyển Việt Nam chưa mạnh, còn nhược điểm
- Tiến Linh từ chối rời sân, giúp HLV Park Hang Seo phát hiện điều bất thường
- Tuyển Việt Nam thắng đậm Singapore, HLV Park Hang Seo thành công mĩ mãn
Khi chính sách về lương chưa đạt thỏa thuận
Tính từ thời điểm tháng 10/2017, phía đại diện của HLV Park Hang-seo cùng nhà cầm quân Hàn Quốc đã có tổng cộng 3 lần đàm phán hợp đồng với VFF. Nếu như ở lần đầu tiên vào cuối năm 2017, thỏa thuận về lương với con số dao động từ 25.000 - 30.000 USD/tháng cho 2 nhiệm vụ dẫn dắt U23 và ĐTQG Việt Nam từ VFF sớm được phía HLV Park Hang-seo đồng thuận thì ở 2 lần đàm phán kế tiếp, phía thất thế hơn là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Cụ thể, mức lương của HLV Park Hang-seo tăng lên 50.000 USD/tháng. Ngoài ra, yêu cầu về việc không tham gia dẫn dắt U23 Việt Nam sau SEA Games 2021 từ phía nhà cầm quân Hàn Quốc cũng được VFF tặc lưỡi mà đồng thuận. Sở dĩ có sự đổi ngôi về tâm thế trên bàn đàm phán cũng bởi thành tích mà HLV Park Hang-seo có được. Trước tháng 10/2017, vị HLV này nổi danh với cái tên “Ngài ngủ gật”, cùng chuỗi trận đấu không mấy nổi bật cùng CLB Changwon thuộc hạng 2 Hàn Quốc. Nhưng xuyên suốt 5 năm vừa rồi, vị HLV này rất mát tay với U23 và ĐT Việt Nam, khi giành được hàng loạt chiến tích từ cấp độ khu vực đến châu lục. Đó cũng là lý do để HLV Park Hang-seo nhận được nhiều chế độ hơn, có được đãi ngộ hậu hĩnh hơn từ phía VFF.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa mức lương hay đề xuất từ phía đại diện của HLV Park Hang-seo sẽ cứ tăng lên theo thời gian. Theo nguồn tin có được, phía VFF sẽ chỉ chấp nhận con số lương như hiện tại là 50.000 USD/tháng, thậm chí giảm xuống còn 30.000 USD/tháng nếu ký tiếp hợp đồng với HLV Park Hang-seo. Lý do là bởi hiện tại, HLV Park chỉ còn làm việc với duy nhất cấp độ ĐTQG. Nhiệm vụ quán xuyến U23 Việt Nam được giao phó cho HLV Gong Oh-kyun. Vậy nên, quỹ lương ban đầu vốn dành cho HLV có thể cáng đáng 2 đội tuyển U23 và ĐTQG mà ông Park được hưởng trong 3 năm qua cũng cần phải san sẻ cho người tiền nhiệm.
Tất nhiên, phía đại diện của HLV Park Hang-seo chẳng thể đồng thuận với đề xuất ấy. Khi các HLV ở các đội tuyển Đông Nam Á khác, nổi bật là Shin Tae Yong hay Alexandre Mano Polking nhận mức lương lên tới 70.000 - 80.000 USD/tháng thì mức thu nhập mà ông Park có được là khiêm tốn và thiếu tương xứng nếu so với những gì mà nhà cầm quân Hàn Quốc đóng góp được cho bóng đá Việt Nam.
Sẽ chốt lại trước Đại hội VFF
Cũng chính bởi việc chưa tìm được tiếng nói chung về chế độ đãi ngộ nên suốt thời gian vừa rồi, đôi bên sử dụng chiến lược khá cơ bản trong đàm phán. Đó là mượn truyền thông để gửi thông điệp cho phía bên kia chiến tuyến. Đại diện của HLV Park Hang-seo là người bắt đầu trước, khi thông tin về việc Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc dành sự quan tâm đến HLV Park Hang-seo cùng trợ lý Lee Young-jin, Park Choong-kyun được rỉ tai với giới truyền thông. Tuy nhiên, phía VFF cũng tỏ ra cứng rắn trong chính sách của mình. Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, một loạt các tờ báo lớn của Việt Nam đã bắt đầu đặt những dấu hỏi về việc VFF và HLV Park Hang-seo sẽ nói lời tạm biệt sau ngày 31/1/2023. Bên cạnh đó, thông điệp về việc: “VFF muốn duy trì thêm thời gian gắn bó với HLV Park Hang-seo, sau khi hợp đồng cũ của đôi bên hết hạn, nhưng việc thỏa thuận này có thành hay không còn phụ thuộc vào quyết định của HLV Park Hang-seo cũng như người đại diện” cũng được đưa ra.
Đôi bên đang cố gắng tạo ra một vị thế cao hơn so với phần còn lại nhằm tìm kiếm trọng lượng nặng hơn trong việc đàm phán. Và câu hỏi ở đây được đặt ra rằng, liệu cả hai chỉ muốn “rung” đối phương hay đã sẵn sàng cho một kế hoạch B trong năm 2023?
Về phía HLV Park Hang-seo, nhà cầm quân Hàn Quốc có thể đã nhận được một vài đề nghị thật sự. Nhưng liệu rằng ông có duy trì được thành công như cách từng mát tay với đội tuyển Việt Nam? Thời điểm mà vị HLV này đến Việt Nam, bóng đá tại đây cũng đã nở rộ những tài năng trẻ xuất chúng. Và nhờ bệ phóng ấy, HLV Park Hang-seo từ chỗ không có tên tuổi gì trên bản đồ bóng đá châu Á đã trở nên thành công và nổi như hiện tại.
Ngược lại với VFF, họ đã thật sự sẵn sàng cho một viễn cảnh không còn HLV am hiểu bóng đá và cầu thủ Việt Nam như ông Park Hang-seo? Nên nhớ trong năm 2023, ĐT Việt Nam sẽ có 2 mặt trận quan trọng. Trong tháng 5 tới, ĐT Việt Nam sẽ thi đấu các trận ở VCK Asian Cup 2023 tại Trung Quốc. Vào tháng 10 sau đó, ĐT Việt Nam bắt đầu cho chiến dịch vòng loại World Cup 2026, mặt trận mà chính VFF ấp ủ giấc mơ dự đấu trường thế giới lần đầu trong lịch sử.
Vậy nên, nếu như đã xác định không thể gắn bó với HLV Park Hang-seo, VFF nên chuẩn bị tâm lý về ứng viên mới đủ tài và tầm thay thế nhà cầm quân Hàn Quốc ngay từ hiện tại.
Kiatisak có phải là ứng viên hàng đầu?
Ngay khi thông tin liên quan đến HLV Park Hang-seo chia tay ĐT Việt Nam, những ứng viên có thể ngồi vào chiếc ghế “thuyền trưởng” ĐT Việt Nam lập tức được nhắc đến. Kiatisak Senamuang là một gương mặt. Ông từng giúp ĐT Thái Lan giành những chiến tích ấn tượng trong giai đoạn 2014-2018, trước khi vị thế ấy được dịch chuyển sang ĐT Việt Nam của HLV Park Hang-seo.
Trong 2 năm qua, Kiatisak cũng đã trở lại Việt Nam để dẫn dắt HAGL. Năm 2021, HAGL cũng đã thống trị V.League một giai đoạn dài trước khi giải đấu dở dang vì dịch COVID-19. Năm 2022, HAGL thi đấu không như kỳ vọng vì nhiều lý do. Đấy cũng là yếu tố khiến Kiatisak đang bày tỏ nhiều trăn trở về động lực của mình tại HAGL. Và đó có thể là một trong những nguyên nhân thúc đẩy ông dẫn dắt ĐT Việt Nam, nếu như HLV Park nói lời tạm biệt.
https://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/dang-sau-viec-vff-co-the-chia-tay-hlv-park-hang-seo-i671081/