Viện trưởng khoa học Thanh tra khẳng định việc truy thu thuế không có nghĩa là “đóng dấu” hợp pháp hóa tài sản mà cán bộ đã che dấu.
Thanh tra Chính phủ vừa đề xuất quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình một cách hợp lý.
Cụ thể, qua xác minh, nếu cơ quan chức năng kết luận tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ, công chức, viên chức lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.
VnExpress có cuộc phỏng vấn ông Đinh Văn Minh - Viện trưởng Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) về nội dung trên.
Ông Đinh Văn Minh - Viện trưởng Khoa học thanh tra cho rằng việc đánh thuế cao với tài sản kê khai không trung thực là hợp lý. Ảnh: Hoàng Thuỳ |
Thu thuế không có nghĩa là "đóng dấu" tài sản hợp pháp
- Thưa ông, cơ sở nào để Thanh tra Chính phủ đưa ra đề xuất đánh thuế cao với tài sản kê khai không trung thực?
- Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Với các trường hợp khác dường như pháp luật “bó tay”. Vì vậy kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong những năm qua rất khiêm tốn.
Công luận bàn nhiều về những khối tài sản lớn của quan chức và luôn mong muốn Nhà nước phải làm rõ, tịch thu số tài sản mà họ có lý do nghi ngờ là nguồn gốc từ tham nhũng, nhưng thực tế không dễ dàng như vậy.
Ví dụ với một số “biệt phủ khủng” của quan chức, người ta chỉ biết ông này có nhiều tài sản và nghi ngờ do ông giải trình về nguồn gốc tài sản đó không “thuận tai”. Tuy nhiên về phương diện pháp luật, muốn nói đó là tài sản tham nhũng thì phải chứng minh được người tham gia vụ nào, “ăn” ra sao. Qua đó mới quy được người ta phạm tội và tiến hành tịch thu. Con đường này chắc chắn nhưng rất mất thời gian và khó khăn.
Theo tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, số lượng phải thu từ các bản án là khoảng 60.000 tỷ đồng, ta chỉ thu được 4.000 tỷ. Còn nhiều vụ thất thoát hàng nghìn tỷ nhưng cơ quan chức năng không chứng minh được nó chui vào túi ai; nhiều vụ chỉ quy kết được tội Cố ý làm trái, không phải nhóm tội tham nhũng và mức xử phạt cũng thấp hơn nhiều.
Chính vì thực trạng hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp như vậy nên chúng tôi mới đề xuất áp dụng các biện pháp linh hoạt. Đặc biệt, với những tài sản chưa rõ nguồn gốc thì phải có cách làm sao thu được càng nhiều càng tốt. Với tài sản hỗn hợp, một phần do tham nhũng, một phần do họ làm ra..., để tránh oan sai thì việc đề xuất thu thuế 45% là hợp lý.
- Có ý kiến cho rằng, với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc khi tăng lên mà không giải trình hợp lý thì nhà nước nên tịch thu thay vì đánh thuế. Ông nghĩ sao?
- Không thể khẳng định ngay ai đó không kê khai tài sản thì đây là tài sản tham nhũng. Người ta có thể không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ vì nhiều lý do, chẳng hạn để tránh phải nộp thuế thu nhập. Ví dụ, một công chức có nhà cho thuê đã không kê khai tiền thuê nhà thu được hoặc được thừa kế một căn nhà hợp pháp nhưng lại không muốn cho người thân biết...
Ở đây, cần lưu ý rằng cán bộ đảng viên nếu kê khai không trung thực, khi bị phát hiện sẽ phải chịu kỷ luật rất nặng theo quy định của Đảng; còn với tài sản che dấu thì tùy từng trường hợp cụ thể mà xem xét, xử lý.
Hơn nữa, một nguyên tắc căn bản của pháp quyền là nguyên tắc suy đoán vô tội, trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan nhà nước. Hiến pháp 2013 cũng ghi nhận và đề cao quyền con người.
Mong muốn và đòi hỏi của người dân về việc tịch thu tài sản tham nhũng là đúng, nhưng phải dựa trên những nguyên tắc luật pháp. Chúng ta không cho phép mình làm theo cảm tính. Ngoài ra, việc thu thuế không có nghĩa là “đóng dấu” hợp pháp hóa tài sản đã che dấu, đó là những việc khác nhau. Ngay cả khi đã nộp thuế thì cũng không loại trừ trách nhiêm nếu người đó bị xác định dính vào các vụ án; họ vẫn có thể bị tịch thu tất cả tài sản, thậm chí đi tù.
Hình thành cơ quan xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập
- Vì sao thuế suất được đề nghị là 45% mà không phải mức cao hơn hay thấp hơn, thưa ông?
- Có thể xem đây là một sắc thuế “đặc biệt” và còn phải tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp. Về nguyên tắc anh phải kê khai thu nhập, nộp thuế, nhưng chúng ta tạm coi đó là khoản thu nhập mà người này đã giấu, nay phát hiện ra thì phải truy thu. Ví dụ, anh ta có 5 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai 2 tỷ, khi bị phát hiện thì đánh thuế rất nặng 3 tỷ còn lại, ngoài thuế bình thường còn phạt vì hành vi trốn thuế.
Qua tham khảo một số sắc thuế, chúng tôi đưa ra mức đánh thuế 45%, có thể đến một lúc nào đó sẽ phải đánh thuế nặng hơn. Đề xuất này được các bên, kể cả người bị thu dễ chấp nhận vì đó là tài sản chưa đóng thuế, bây giờ đóng.
Trong lịch sử chúng ta từng thực hiện biện pháp tịch thu hành chính (không qua tòa xử) mà cho đến nay vẫn còn những hệ quả khó khắc phục, đây là bài học kinh nghiệm cần tránh lặp lại.
Biện pháp đánh thuế sẽ đòi hỏi các cơ quan nâng cao năng lực và thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm quản lý, trách nhiệm phát hiện và xử lý của mình. Khi hệ thống quản lý tốt từ nhà đất, thuế, cơ quan quản lý tiền mặt... thì phát hiện tham nhũng không khó.
- Bên cạnh biện pháp đánh thuế cao, cơ quan thanh tra đề xuất như thế nào để giải quyết vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức một cách căn cơ hơn?
- Đây đúng là biện pháp ngọn thôi, còn gốc của nó phải quản lý được nguồn thu nhập. Một trong những đề nghị của chúng tôi từ rất lâu là những khoản chi từ ngân sách nhà nước cho công chức phải chuyển khoản hết, từ 100.000 đồng trở lên; nếu cứ phát phong bì, tiền mặt thì không thể kiểm soát được.
Tất cả những nơi chi trả từ tiền ngân sách cho công chức... đều cần chuyển khoản, chúng ta sẽ thấy ngay công chức đó một tháng thu nhập bao nhiêu. Xã hội lâu nay có hiện tượng vô lý là lương khu vực tư 10-15 triệu vẫn chê ít, khu vực công chỉ 5-7 triệu vẫn cứ chạy tiền tỷ để được vào làm. Nguyên nhân vì lương chỉ chiếm một phần thu nhập của công chức.
Khi tất cả đều sử dụng tài khoản thì không chạy vào đâu được vì có số tiền, ngày giờ cụ thể. Ở nước ngoài giao dịch 10 Euro trở lên không có chuyện sử dụng tiền mặt, giao dịch khoảng mấy nghìn Euro đã bị đưa vào tầm ngắm.
Theo quy định hiện nay, bản kê khai tài sản, thu nhập của ai thì cơ quan đó giữ, chỉ giao một người vào sổ, không có hệ thống kiểm soát trung thực đến mức nào. Trong khi đó, lẽ ra bản kê khai tài sản không phải chỉ thu về cho có mà phải có người đọc, phát hiện xem hợp lý không.
Dự luật sửa đổi đã đề nghị xây dựng cơ chế bán tập trung, có cơ quan đầu mối thu nhận bản kê khai tài sản, người tiếp nhận có chuyên môn nghiệp vụ, có cơ quan thẩm tra xác minh.
Coi chừng “vẽ đường”… cho tài sản bất minh Đề xuất truy thu đến 45% giá trị tài sản kê khai không trung thực, nghe thì có vẻ “được” nhiều về nguồn thu, nhưng ... |
Quan chức kê khai không trung thực: Truy thu thuế 45% Với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý có thể ... |