Dù đã rất nỗ lực, nhưng nhiều địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều khó khăn trong giải tỏa, di dời nhà tạm ven và trên kênh rạch. Với những đề xuất về kế hoạch triển khai, cách làm mới, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ di dời được 6.500 nhà tạm để nâng cao đời sống người dân, góp phần chỉnh trang đô thị.

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu từ nay đến năm 2025 giải tỏa thêm 6.500 căn nhà tạm ven và trên kênh rạch.

Mới giải tỏa, di dời được 12,4% nhà tạm

Từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch giải tỏa, tái định cư hàng chục nghìn căn nhà tạm ven và trên các kênh rạch. Tuy nhiên, kế hoạch này triển khai rất chậm và gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu vốn. Theo Sở Xây dựng thành phố, tính đến tháng 7-2022, thành phố mới di dời tổng cộng 2.479 trong số gần 20.000 nhà tạm ven và trên kênh rạch, đạt tỷ lệ 12,4%.

Theo UBND quận 8, trên 28 tuyến kênh rạch dài 54km tại 16 phường của quận đang có hơn 12.300 căn nhà tạm. Phần lớn trong số này có diện tích nhỏ, không có pháp lý đầy đủ, không có các tiện nghi căn bản như điện, nước, người dân xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường... Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, UBND quận đã phối hợp với các sở, ngành mời gọi nhà đầu tư, nhưng hiệu quả thấp do chi phí đầu tư cao. Đơn cử, để giải tỏa 2.600 căn nhà tạm ven bờ nam kênh Đôi và xây kè, cần đến 9.000 tỷ đồng”.

Ven con rạch Xuyên Tâm dài khoảng 8km, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp đang có hơn 2.200 căn nhà tạm. Bà Huỳnh Thị Của, ngụ tại căn nhà lụp xụp rộng hơn 20m2 ven rạch Xuyên Tâm (phường 15, quận Bình Thạnh), vừa lau mồ hôi, vừa phẩy quạt đuổi ruồi muỗi, vừa nói: “Chúng tôi sống trong điều kiện thiếu thốn và ô nhiễm này hơn 20 năm qua và vẫn tiếp tục chờ đợi thành phố triển khai dự án cải tạo con rạch”.

Theo Sở Xây dựng thành phố, khó khăn chủ yếu cho việc giải tỏa nhà tạm ven và trên kênh rạch là cần số vốn rất lớn, nhưng ngân sách đang phải ưu tiên các dự án hạ tầng, xã hội cấp thiết. Trong khi đó, rất khó thu hút vốn xã hội hóa vì nhà đầu tư chưa thấy lợi ích rõ ràng khi tham gia các dự án này.

Triển khai đồng thời nhiều giải pháp

Các địa phương và các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực thực hiện kế hoạch giải tỏa, di dời nhà tạm ven và trên kênh rạch từ nay đến năm 2025, theo hướng cấp thành phố tập trung đầu tư cải tạo những dự án lớn, cấp địa phương chủ động triển khai giải tỏa, chỉnh trang nhà tạm ven các kênh rạch quy mô nhỏ.

Tại quận 12, từ năm 2019 đến nay, quận đã hoàn thành nạo vét, kiên cố hóa 18 tuyến kênh rạch nhỏ với tổng chiều dài 19,1km và đầu tư 29,8km đường ven rạch. “Chúng tôi vận động người dân hiến đất làm đường ven kênh rạch để giải tỏa nhà tạm và chỉnh trang đô thị. Bà con cũng rất ủng hộ bởi có đường mới và môi trường sạch đẹp, chất lượng sống của bà con cũng được nâng lên”, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc nói.

Trên quy mô toàn thành phố, đã có 3 dự án được UBND thành phố bổ sung vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, gồm dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp) có tổng mức đầu tư dự kiến 9.350 tỷ đồng, di dời 2.196 căn nhà. Dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) có tổng mức đầu tư dự kiến 1.980 tỷ đồng, di dời 190 căn nhà. Dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) có tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, di dời 834 căn nhà…

Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết thông tin, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời 3.250 căn nhà với tổng vốn đầu tư dự kiến 6.154 tỷ đồng từ nay đến năm 2025 (đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020)...

Để có thể huy động vốn ngoài ngân sách cho các dự án xóa nhà tạm, chỉnh trang kênh rạch, cuối tháng 7-2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ, đề xuất một số cách làm mới. Theo đó, thành phố đề xuất dùng vốn đầu tư công giải tỏa mặt bằng, kè bờ tạo cảnh quan và quỹ đất đủ rộng để thu hút các doanh nghiệp đấu thầu quyền sử dụng đất; đề xuất bố trí tái định cư cho người dân đang sống tạm ven kênh rạch bằng quỹ nhà có sẵn; không bồi thường bằng tiền; cho phép thành phố sử dụng 20% quỹ đất ven kênh rạch để chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất dịch vụ, du lịch…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin: “Thành phố quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 sẽ không còn những chung cư cũ mất an toàn; không còn khu dân cư tạm bợ ven và trên kênh rạch...”.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1038888/di-doi-nha-tam-ven-va-tren-kenh-rach-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-tim-cach-lam-moi

NHÓM PHÓNG VIÊN / HNM.com.vn