Công trình nổi tiếng của Pháp đứng trên khoảng đất từng được 'ngắm' để xây tòa nhà ba tầng hình con voi.
Ngày 1/12, Khải Hoàn Môn bị hư hại nghiêm trọng trong cuộc biểu tình được đánh giá là "lớn nhất trong 5 thập kỷ ở Paris". Dư luận thế giới chỉ trích mạnh mẽ hành động vô ý thức của những kẻ phá hoại.
Phe "áo vàng" tập trung trước Khải Hoàn Môn trong cuộc biểu tình tại Paris hôm 1/12. Ảnh: AFP. |
Điểm tham quan nổi tiếng này đã chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của Paris và nước Pháp. Dưới đây là một số điều ít người biết về biểu tượng huyền thoại này, theo Mental Floss.
"Con voi khổng lồ"
Mảnh đất để xây dựng Khải Hoàn Môn hiện nay từng được kiến trúc sư Charles Ribart "ngắm" để làm địa điểm xây một tòa nhà ba tầng hình con voi. Theo dự kiến, bên trong công trình là cầu thang dạng xoắn ốc, dẫn đến cánh cửa ở bụng voi. Nội thất được thiết kế âm tường và có cả đường dẫn nước hướng lên phía vòi. Tuy nhiên, chính phủ đã từ chối đề xuất của Ribart, nhờ đó Khải Hoàn Môn mới có cơ hội xuất hiện.
Ra đời dưới thời Hoàng đế Napoléon
Đến năm 1806, ý tưởng về Khải Hoàn Môn ra đời sau chiến thắng trong trận Tam Hoàng tại Austerlitz (nay là Slavkov u Brna thuộc Czech). Hoàng đế Napoléon quyết định xây dựng trên quảng trường Étoile một công trình nhằm vinh danh những người lính Pháp trong chiến tranh.
Người đảm nhận nhiệm vụ thiết kế Khải Hoàn Môn là kiến trúc sư Jean-Francois-Thérèse Chalgrin, kế nhiệm là Louis-Robert Goust và Jean-Nicolas Huyot. Bản thảo của ông được lấy cảm hứng từ các công trình cổ đại. Khải Hoàn Môn cao 50 m, rộng 45 m, gồm 4 cột hình trụ, mỗi cột tượng trưng cho một chiến thắng. Phía trên các cột trụ này có gắn các phù điêu lớn nhỏ. Bốn tác phẩm điêu khắc lớn nhất là Xuất quân, Khải hoàn, Kháng chiến và Hòa bình. Mặt trong của bốn trụ được trang trí bằng các bức phù điêu miêu tả những trận đánh nổi tiếng.
Phía trong Khải Hoàn Môn khắc tên 558 tướng lĩnh dưới thời Napoléon, những dòng chữ gạch chân ghi danh các vị tướng tử trận. Ảnh: Travel Feeder. |
Khi Napoléon thoái vị vào năm 1814, công trình này cũng tạm ngưng trong vài năm và tiếp tục được xây dựng vào năm 1826. Ngày 29/7/1836, 30 năm sau khi Hoàng đế Napoléon ra lệnh khởi công xây dựng, Khải Hoàn Môn mới được khánh thành.
Năm 1840, thi hài của Napoléon được đưa qua đây trước khi về điện Invalides. Linh cữu đại văn hào Victor Hugo cũng được để một đêm trước khi đưa về điện Panthéon.
Liệt sĩ vô danh
Khải Hoàn Môn còn là nơi yên nghỉ của một chiến sĩ vô danh hy sinh trong trận Verdun giữa Pháp và Đức hồi Thế Chiến thứ nhất. Ngôi mộ được đắp vào ngày 11/11/1920. Trên mộ có khắc dòng chữ: "Đây là nơi yên nghỉ của một người lính Pháp hy sinh vì tổ quốc".
Khu mộ liệt sĩ vô danh được đặt rào chắn bao quanh, nhiều du khách vẫn đặt vòng hoa tưởng niệm khi viếng thăm. Ảnh: istock. |
Kể từ năm 1923 tới nay, một ngọn lửa được thắp trên ngôi mộ đó vào mỗi chiều nhằm vinh danh những người đã ngã xuống vì quê hương. Vào năm 1940, khi quân đội Đức chiếm đóng Paris, hoạt động này vẫn được thực hiện dưới sự cho phép của phía Đức.
Chứng nhân lịch sử
Nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra trước Khải Hoàn Môn. Cựu tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã thoát chết khi bị ám sát tại đây khi còn đương nhiệm. Vào năm 2002, một cựu tổng thống khác là Jacques Chirac cũng suýt trúng đạn tại địa điểm nổi tiếng này.
Khải Hoàn Môn ngày nay
Biểu tượng nổi tiếng này được nhiều du khách biết đến và thu hút hơn một triệu lượt khách ghé thăm. Vé vào cửa là 12 euro. Du khách sẽ tham quan miễn phí vào chủ nhật đầu tiên trong tháng (từ 1/11 đến 31/3 hàng năm).
Ngoài ra, khu di tích cũng miễn vé vào cửa cho người dưới 18 tuổi, công dân EU dưới 26 tuổi, giáo viên tiểu học, trung học (trừ khi có triển lãm), người khuyết tật và người đi cùng, người đang tìm việc làm và người nhận trợ cấp của chính phủ Pháp.
Quy trình bảo tồn công trình này không phải là việc dễ dàng. Lần đầu tiên nơi đây được bảo dưỡng, tu sửa là năm 2011 và chính phủ Pháp vẫn chưa có kế hoạch cho lần tu sửa tiếp theo. Tuy nhiên, theo bình luận của nhiều du khách, trước sự phá hoại của những kẻ quá khích trong vụ biểu tình hôm 1/12, công trình này sẽ sớm được sửa sang lại.
Khải Hoàn Môn tan hoang sau biểu tình lớn nhất thập niên ở Paris Khải Hoàn Môn, "chứng nhân" lịch sử của nước Pháp, không chỉ chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất thập kỷ ở Paris mà, tệ ... |