Đề xuất của một đại biểu Quốc hội về việc đổi giờ làm việc, cụ thể là giờ buổi sáng sẽ bắt đầu muộn hơn, tuy chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều đáng nói ở đây, từ câu chuyện đổi giờ làm lại được xới lên, là vấn đề chất lượng làm việc, quan trọng là 8 giờ “vàng ngọc” diễn ra thế nào, chứ không phải ở việc nó được bắt đầu khi nào.

Ảnh minh họa.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh không phải là người đầu tiên đề xuất thay đổi giờ làm việc, cụ thể, là khung giờ làm việc bắt đầu từ 8h30 và kết thúc vào lúc 17h đối với khối dịch vụ công, các đơn vị giáo dục công lập. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải khi đó đã có đề xuất bố trí lệch giờ làm việc và học tập, trong đó đề nghị giờ làm việc của các cơ quan trung ương sẽ bắt đầu từ 9h sáng và chỉ nghỉ trưa nửa tiếng hoặc một tiếng. Thậm chí, vào thời điểm đó Bộ Giao thông-Vận tải còn “gương mẫu” đi đầu, qui định giờ làm việc buổi chiều của cơ quan bộ bắt đầu lúc 13h, chỉ nghỉ trưa một tiếng. Người viết bài này vẫn còn nhớ hồi ấy, đã được hẹn lịch phỏng vấn một thứ trưởng của Bộ này vào lúc 13h, vị thứ trưởng giữ đúng giờ hẹn, không sai một phút.

Chỉ nghỉ trưa một tiếng đối với nhiều nước trên thế giới là chuyện bình thường, đã thực hiện từ lâu. Và như vậy thì tất nhiên, giờ làm việc buổi sáng được bắt đầu lúc 8h30 hoặc 9h sáng (ví dụ ở Thủ đô Washington của nước Mỹ giờ làm việc buổi sáng bắt đầu lúc 9h, chỉ nghỉ trưa nửa tiếng) cũng là chuyện bình thường. Cho nên, ở các nước như vậy buổi trưa thường được nghỉ tại chỗ, ăn nhẹ và không có chuyện tràn ngập người ở quán bia hơi vào giờ buổi trưa.

Khi nói đến giờ giấc làm việc, như đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, là chúng ta chỉ bàn đến khối dịch vụ công (cùng với khối giáo dục công lập). Chứ còn đối với khối doanh nghiệp, hoặc các cơ quan đơn vị ngoài công lập, thậm chí với cả các đơn vị sự nghiệp có thu, mỗi cơ quan đều có qui định và cách quản lý riêng, trên cơ sở của hiệu quả công việc, không phụ thuộc vào qui định về giờ làm. Ngay cả với y tế công lập, có thể thấy cho đến thời điểm này hầu hết các bệnh viện công tuyến trung ương đều đã bắt đầu giờ khám bệnh từ 6h sáng.

Như vậy, câu chuyện đáng bàn ở đây là khối dịch vụ công – bộ máy các cơ quan nhà nước. Nơi đây nhiều năm trước từng có một số liệu công bố là 33% công chức ngồi chơi xơi nước mỗi ngày - nghĩa là không có việc gì để làm hoặc họ làm bằng năng suất mà nếu giảm đi hơn 30% số nhân sự thì việc vẫn chạy như thế. Cho nên vấn đề bây giờ cần phải nhìn một cách thật sự thẳng thắn là hiện nay công chức nước ta đi làm từ 7h hay 8h sáng, kết thúc vào lúc 4 hay 5h chiều thì giờ làm việc thực sự là bao nhiêu? Tỉ lệ công chức góp mặt vào buổi trưa trong các quán nhậu rất đông vui tấp nập ở các thành phố lớn là bao nhiêu?

Cần có những khảo sát xem nếu là một người dân cần đến dịch vụ hành chính công ở Việt Nam hiện nay họ được tiếp vào lúc mấy giờ buổi sáng và mấy giờ buổi chiều? Chắc chắn sẽ có những nơi người dân mà đến vào lúc 11h trưa là sẽ không còn ai tiếp và phải 14h chiều mới có người giải quyết việc. Giờ nghỉ trưa vẫn được công chức đổ ra đường tìm quán nhậu và vô vàn những việc khác… Không khó khăn để thử làm một khảo sát xem vào buổi trưa, có bao nhiêu công chức ở các thành phố, thị xã kéo dài giờ nghỉ trưa tới vài tiếng đồng hồ.

Từ đó có thể thấy đề xuất thay đổi giờ làm, qui định thời gian nghỉ trưa ngắn lại nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng… cũng không phải là không có lý.

Nhưng mấu chốt của vấn đề, như chúng tôi nói từ đầu, là 8 giờ làm việc (bắt đầu từ 7h, 8h hay 9h) diễn ra như thế nào. Cứ thử hình dung nếu bây giờ đổi giờ làm như đề xuất, giờ làm việc buổi sáng bắt đầu từ 8h30, rồi được ề à trà lá 9h mới bắt đầu, rồi 11h30 đã nghỉ, rồi 14h mới lại bắt đầu, thì người thiệt thòi lại vẫn là người dân, khi cần đến dịch vụ công.

Cho nên, thay đổi giờ làm cần được đặt trong tổng thể của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tăng năng suất lao động… Nếu xét trong tổng thể ấy, thấy việc đổi giờ làm muộn hơn, rút ngắn thời gian nghỉ trưa sẽ tạo ra hiệu quả tốt hơn trên nhiều phương diện xã hội (với điều kiện quản lý và thực hiện nghiêm ngặt qui định giờ giấc) thì thay đổi là việc nên làm. Một xã hội muốn thực sự phát triển không thể kéo dài mãi tình trạng làm việc thiếu hiệu quả, thiếu nghiêm túc trong bộ máy hành chính công. Càng không thể để cảnh tràn ngập công chức ở các quán nhậu trong giờ nghỉ trưa. Nếu giờ làm việc bắt đầu từ lúc 8h30 hay 9h sáng và chỉ nghỉ trưa một tiếng đồng hồ được thực hiện nghiêm túc, làm cho ra làm có khi hiệu quả còn cao hơn một ngày làm việc kéo dài lê thê mà thừa thời gian để làm trăm ngàn thứ việc riêng khác.

Đề xuất thay đổi giờ làm việc: Bộ trưởng Bộ Lao động lên tiếng

Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã lên tiếng trước đề xuất của đại biểu Quốc hội về ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/doi-gio-lam-384582

/ Thành Vĩnh/daidoanket.vn