Anh bạn ghé tai tôi nói với vẻ rất quan trọng, ông biết gì không, doanh nghiệp A bị nghi bán hàng gia dụng Trung Quốc "đội lốt hàng Việt" đấy. -

Anh bạn ghé tai tôi nói với vẻ rất quan trọng, ông biết gì không, doanh nghiệp A bị nghi bán hàng gia dụng Trung Quốc "đội lốt hàng Việt" đấy.

Tôi giật mình vì doanh nghiệp nọ cùng sinh hoạt trong một câu lạc bộ marketing của chúng tôi và tôi biết khá rõ. Thậm chí chúng tôi còn tổ chức cả một tua tham quan nhà máy và xem phòng thiết kế, khu vực nghiên cứu và phát triển cũng như xưởng sản xuất đồ gia dụng của họ.

Trong thời gian gần đây chủ đề các doanh nghiệp bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam đang là chủ đề nóng. Nhưng thế nào là "đội lốt hàng Việt Nam" lại là một cách hiểu khá mù mờ, dù nó đang được dùng tràn lan.

Trong việc này có một số điều chúng ta cần hiểu rõ: thứ nhất là có một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng sản xuất tại Trung Quốc nguyên đai nguyên kiện về Việt Nam cắt mác sản xuất tại Trung Quốc và gắn nhãn mác sản xuất tại Việt Nam, đây là sự gian dối về nguồn gốc xuất xứ cần phải lên án và cần phải nghiêm trị.

Thứ hai là những hàng có ghi là sản xuất tại Trung Quốc hay Thái Lan hay Đài Loan hoặc những quốc gia lân cận, bán tại Việt Nam nhưng vẫn mang thương hiệu Việt Nam.

Thứ ba là hàng thương hiệu Việt Nam nhưng các chi tiết nguyên vật liệu phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và các nước lân cận.

Vậy thì thế nào mới gọi là hàng được sản xuất tại Việt Nam, Made in Việt Nam? Đương nhiên các sản phẩm có xuất xứ thuần tuý tại Việt Nam sẽ được công nhận là sản phẩm Made in Vietnam.

Đối với sản phẩm không thuần tuý, theo nghị định số 43 thì các sản phẩm có khâu sản xuất cuối cùng tại Việt Nam và chuyển đổi được mã HS thì được công nhận là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Thế nào là việc chuyển đổi mã HS? Như ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công thương, lấy ví dụ: doanh nghiệp nhập bột mì vào Việt Nam thì bột mì có mã khác sau đó doanh nghiệp dùng bột mì để sản xuất ra bánh quy thì lúc này bánh quy có tính chất thay đổi hoàn toàn so với bột mì và mang mã khác vì thế nên bánh quy được xác nhận là sản xuất tại Việt Nam mặc dù bột mì có thể nhập từ châu Âu và các nước khác. Việc này cũng tương tự như socola được sản xuất tại Thụy Sĩ nhưng ca cao thì được nhập khẩu từ châu Phi.

Chiểu theo các quy định trên thì hàng hoá của thương hiệu Việt sản xuất 100% tại nước ngoài không thể gọi là Made in Vietnam được nhưng nó có phải sản phẩm của Việt Nam không? Câu trả lời là có. Một chiếc điện thoại Samsung được ghi là sản xuất tại Việt Nam nhưng ai cũng biết đó là sản phẩm của Hàn Quốc, cũng như chiếc ôtô BMW được ghi là sản xuất tại Mỹ nhưng đó là sản phầm của nước Đức. Tương tự như vậy khi người ta thấy các hàng gia dụng của thương hiệu Việt sản xuất tại Trung Quốc hay Hàn Quốc thì đó vẫn là sản phẩm của Việt Nam.

Có một điều chúng ta ít biết là để có được sản phẩm cuối cùng, mặc dù là sản xuất tại nước ngoài thì doanh nghiệp Việt phải có phần nghiên cứu, phát triển, làm chủ quy trình sản xuất, quy chuẩn sản xuất để đảm bảo chất lượng. Do công đoạn nghiên cứu và phát triển của Việt Nam còn yếu nên các doanh nghiệp Việt thường đi thuê ngoài phần này. Quy trình và quy chuẩn sản xuất cũng hết sức quan trọng, nếu đem quy chuẩn của Nhật Bản ra để áp dụng sản xuất sản phẩm Việt Nam thì quá tốt nhưng chi phí cao dẫn tới giá thành quá cao không phù hợp thị trường, nếu đem quy trình Nhật Bản ra áp dụng có khi không cần thiết vì nhiều công đoạn sẽ thừa do điều kiện sử dụng sản phẩm và điều kiện thời tiết ở Việt Nam hoàn toàn khác.

Vì vậy nếu chỉ nhìn vào xuất xứ hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc hay các nước khác để lên án doanh nghiệp thì thật là sai lầm, hãy nhìn vào khâu thiết kế, chế tạo, nghiên cứu, phát triển, quy trình và quy chuẩn sản xuất của họ.

Câu hỏi tiếp theo là tại sao thương hiệu không sản xuất tại Việt Nam mà lại đi nhập khẩu từ nước ngoài? Câu trả lời là do giá thành và quy mô thị trường. Nếu quy mô thị trường quá nhỏ, thương hiệu không thể đầu tư vào dây truyền sản xuất mà nhập khẩu nguyên chiếc để giảm giá thành.

Gia đình tôi vẫn mua các hàng gia dụng, điện tử và hàng tiêu dùng thương hiệu Việt dù nó được sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan hay Việt Nam vì chính thương hiệu là sự đảm bảo cho hàng hoá của họ. Nếu hàng hoá chất lượng của doanh nghiệp không tốt, giá cả không hợp lý thì các doanh nghiệp đó sẽ lao dốc, bất kể hàng hoá sản xuất ở đâu.

Trong thời kỳ phát triển vượt bậc của chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta sẽ ít có cơ hội nhìn thấy các sản phẩm có xuất xứ thuần túy tại một quốc gia nào đó mà có xu hướng nhìn thấy các sản phẩm với những thành phần từ nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy chúng ta không nên đặt vấn đề nguồn nguyên liệu đến từ đâu mà hãy xem công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện ở đâu, có thay đổi mã HS không, tỷ lệ gia tăng giá trị nội địa trên sản phẩm thế nào.

Chúng ta không thể đòi hỏi một sản phẩm quần áo của thương hiệu Việt phải có xuất xứ thuần tuý Việt Nam. Chúng ta chưa có công nghệ dệt hiện đại nên việc nhập khẩu vải là bình thường, chỉ miễn là phần gia công cuối cùng tại Việt Nam, có tỷ lệ gia tăng giá trị nội địa thì sản phẩm quần áo đó được công nhận là sản xuất tại Việt Nam.

Tóm lại, cách nói "đội lốt hàng Việt Nam" hiện nay đang được dùng cảm tính - không có một cơ sở pháp lý chung hay cảm quan xã hội chung về việc thế nào là hàng "Made in Vietnam". Nhưng việc ra đời một khái niệm như vậy và được dùng ở quy mô xã hội có thể gây nguy hiểm cho nền sản xuất trong nước.

Một điều nguy hiểm là trong khi các nhà chức trách chưa có kết luận nào cụ thể về việc thương hiệu có vi phạm hay không việc ghi nhãn hàng hoá sản xuất tại Việt Nam thì chỉ bằng những thông tin rất mơ hồ, thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, người ta có thể quy kết ngay là hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt và tấn công, thậm chí tẩy chay hàng Việt. Điều này dẫn đến những thiệt hại to lớn không chỉ cho một doanh nghiệp mà còn cho nhiều doanh nghiệp khác có mô hình sản xuất tương tự cũng như các nhà cung ứng.

Việt Nam mong mỏi có một ngành công nghiệp hàng tiêu dùng mạnh mẽ nhưng chúng ta lại thiếu thông tin trong việc đưa ra quyền của người tiêu dùng dẫn đến thiệt hại. Còn truyền thông nếu chỉ khơi gợi lòng tin về chủ nghĩa dân tộc thì rất dễ dẫn tới cực đoan.

Về phía nhà chức trách, do các quy định về hàng lưu thông nội địa sản xuất tại Việt Nam không rõ ràng, không có quy định về việc vượt qua quy trình sản xuất đơn giản và không có quy định về tỷ lệ gia tăng giá trị nội địa, nên đối với cả doanh nghiệp và người dân đều hết sức khó khăn khi phân định thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam.

Với những quy định hiện hành rất có thể là chúng ta sẽ có một chiếc xe, điện thoại hay đồ gia dụng sản xuất tại Việt Nam nhưng có 100% các chi tiết được các nhà cung ứng nước ngoài cung cấp, và doanh nghiệp không sai khi đề sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa. Điều cần làm là có ngay một quy định rõ ràng về sản phẩm lưu thông nội địa thế nào thì được coi là sản xuất tại Việt Nam để cho doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng trong việc phân định.

Phạm Vũ Tùng

doi lot hang viet nam Tóm lô hàng quần áo vài tỷ đồng giả xuất xứ Việt Nam
doi lot hang viet nam Hàng Made in Vietnam: Đo hàm lượng giá trị gia tăng thế nào?
doi lot hang viet nam Hàng Việt Nam và hàng sản xuất tại Việt Nam, tranh cãi vì quá rối
doi lot hang viet nam Nghi vấn "đội lốt" hàng Việt Nam: Ông chủ Asanzo nói gì?

/ vnexpress.net