Đội tuyển Việt Nam đã kết thúc hành trình tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á sau trận đấu với Nhật Bản. Để bóng đá Việt Nam vươn tầm châu lục, cần có một chiến lược đầu tư dài hạn.

Đội tuyển Việt Nam có những trải nghiệm khác nhau trong hành trình 10 trận đấu tại vòng loại World Cup 2022. Việc được cọ xát với các đối thủ hàng đầu châu Á đã giúp cho đội tuyển Việt Nam kiểm chứng được thực lực của mình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tích luỹ thêm những kinh nghiệm khi ra sân chơi lớn.

Khi đối đầu với các đối thủ mạnh đến từ châu Á, điều có thể dễ nhận ra, tuyển Việt Nam thua thiệt về thể hình, thể trạng. Đây vẫn là vấn đề muôn thuở của bóng đá Việt Nam. Việc rèn thể lực thôi là chưa đủ. Vấn đề nâng cao thể chất, tầm vóc cho cầu thủ Việt Nam bắt nguồn từ các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Đây cũng là vấn đề mà huấn luyện viên Park Hang-seo từng nhiều lần đề cập đến. Ông Park là người trong cuộc và rõ ràng đã nhìn ra những hạn chế của đội tuyển Việt Nam hiện tại.

2.jpg -0

Tối 29/3, đội tuyển Việt Nam hòa Nhật Bản với tỷ số 1-1 như một lời chào tạm biệt vòng loại cuối World Cup 2022. Ảnh: Nhật Đoàn.

Trước trận đấu cuối cùng với Nhật Bản, huấn luyện viên Park Hang-seo nói rằng: “Đội Việt Nam mới có lần đầu tiên vào vòng loại cuối World Cup. Chúng tôi đá 9 trận thua 8, chỉ thắng được Trung Quốc 3-1. Khi gặp các đội hàng đầu châu Á, rõ ràng giữa tuyển Việt Nam và họ có khoảng cách. Nhưng các cầu thủ của chúng tôi rất khát khao khi tham dự giải đấu hàng đầu như thế này, khát khao thoát khỏi tầm khu vực Đông Nam Á để trưởng thành hơn nữa”.

Ngoài ra, chúng ta cũng nhận thấy rằng, tuyển Việt Nam trong hành trình vừa qua cũng đã nhiều lần gặp khó khăn vì thiếu vắng lực lượng do chấn thương. Trong khi đó, lực lượng dự bị lại không thực sự chất lượng, đặc biệt là các cầu thủ thuộc thế hệ U23. Điều này đã được VFF nhận thấy rõ và chủ trương tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu nhiều hơn trong thời gian tới. Vừa rồi, lứa cầu thủ U21 đã tham gia đội hình của U23 Việt Nam dự giải vô địch U23 Đông Nam Á 2022. Sắp tới, lứa cầu thủ này cũng sẽ dự ASIAD 2022 vào tháng 9.

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: “Tại vòng loại World Cup 2022, việc lọt vào đến vòng loại cuối cùng đã giúp đội tuyển Việt Nam có cơ hội thi đấu với những đội tuyển tinh anh của bóng đá châu Á - điều mà không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội. Do vậy, bóng đá Việt Nam cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ để phát triển. Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, sự ủng hộ của các câu lạc bộ thì phải tận dụng nguồn lực tài trợ, quan hệ quốc tế... để góp phần đảm bảo tốt nguồn lực phục vụ các đội tuyển.

Ví dụ, thông qua chương trình hợp tác giữa VFF và Nhật Bản, VFF và Hàn Quốc, từ năm 2017 đến nay các đội tuyển trẻ U16, U19 nam và nữ thường xuyên có các chuyến tập huấn tại 2 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu Châu Á. Qua đó, các cầu thủ đã thể hiện những tiến bộ rõ nét về chuyên môn. Hiện tại, VFF cũng đang tiếp tục mở rộng mối quan hệ với những nền bóng đá mạnh của châu Á như Saudi Arabia, UAE... với những chương trình hợp tác rất cụ thể và hiệu quả dành cho phát triển các đội tuyển”.

Bóng đá Việt Nam mới chỉ một lần tham dự vòng loại thứ 3 một kỳ World Cup. Những trải nghiệm này rất cần thiết để chúng ta hướng đến mục tiêu World Cup 2026, giải đấu mà số đội tham dự sẽ tăng từ 32 lên 48. Khi đó, cơ hội dành cho tuyển Việt Nam sẽ tăng lên. Cũng vì vậy mà ngay từ bây giờ, VFF đã phải hoạch định một chiến lược. Trong đó, vấn đề đầu tư cho tuyển trẻ là rất cần thiết. Bởi đào tạo trẻ là cái gốc của sự phát triển cho cả nền bóng đá.

Sắp tới, huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ thôi dẫn dắt U23 và tập trung cho đội tuyển quốc gia. Đây cũng là kế hoạch nhằm giúp cho ban huấn luyện của đội tuyển Việt Nam có những tính toán về một lộ trình dài hơi với những kế hoạch tương lai. Bóng đá Việt Nam đã có cơ hội vươn tầm. Tuy nhiên, đây là lúc mà những nhà quản lý bóng đá cần thức thời để nắm bắt cơ hội.

Trợ lý Lê Huy Khoa ở lại Nhật Bản

Sau trận đấu với đội tuyển Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam sẽ chính thức về nước và khép lại hành trình tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Theo lịch, những "Chiến binh sao vàng" sẽ đáp chuyến bay lúc 10h00 ngày 30/3 từ sân bay Narita (Nhật Bản) và dự kiến có mặt ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào lúc 14h00 cùng ngày.

Do vẫn chưa được thực hiện xét nghiệm RT-PCR nên trợ lý Lê Huy Khoa phải tiếp tục ở lại Nhật Bản và không thể về nước cùng chuyến bay với đội tuyển. Theo quy định, sau 7 ngày kể từ lúc có kết quả dương tính, trợ lý ngôn ngữ của tuyển Việt Nam mới được xét nghiệm lại. Như vậy, đến ngày 2/4 nếu có kết quả âm tính, ông Khoa mới có thể về nước.

Cũng theo chia sẻ của trợ lý Lê Huy Khoa, ông đã tự xét nghiệm tại khách sạn và có kết quả âm tính. Tuy nhiên, ông vẫn phải thực hiện xét nghiệm theo phương pháp RT-PCR.

Về vấn đề của trợ lý Lê Huy Khoa, huấn luyện viên Park Hang-seo không giấu được bức xúc khi đến hiện tại, nước chủ nhà Nhật Bản vẫn chưa tiến hành xét nghiệm PCR cho phiên dịch của mình.

"Ở sân bay, phiên dịch của chúng tôi có test dương tính, không vấn đề gì. Khi phiên dịch đưa về cách ly, 2 ngày hôm nay tôi yêu cầu test PCR để chính xác hơn. Phiên dịch không được test PCR nên tự test thì có kết quả âm tính. Xét nghiệm PCR để tăng tính chính xác.

Hôm nay, phiên dịch của tôi vẫn chưa được test PCR. Tôi chỉ có 1 phiên dịch. Không có phiên dịch thì sao chỉ đạo. Tất cả người tiếp xúc phiên dịch phải ăn cơm riêng. Tôi cần được quan tâm hơn từ phía Nhật Bản. Tôi cảm thấy cần được tôn trọng hơn", ông Park chia sẻ.

H.H

Hưng Hà

Tuyển Việt Nam khủng hoảng lực lượng, HLV Park Hang Seo hãy thử quân U23 Tuyển Việt Nam khủng hoảng lực lượng, HLV Park Hang Seo hãy thử quân U23
Tân binh Việt Kiều của đội tuyển Việt Nam là ai? Tân binh Việt Kiều của đội tuyển Việt Nam là ai?

/ cand.com.vn