Trước phản ánh kiểm soát an ninh lỏng lẻo, "bóng cười" bán công khai, đơn vị tổ chức giải trình do khán giả "cố tình đưa chất kích thích vào".
Là một trong những khán giả yêu nhạc điện tử, anh Quang (Hà Nội) đặt mua vé dự lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng trước một tháng. Anh kỳ vọng có một buổi tối thú vị khi bỏ ra số tiền không nhỏ.
Đến lễ hội lúc 18h ngày 16/9, anh Quang quan sát thấy hai cửa soát vé theo tiêu chí "Có đồ" và "Không đồ". "Tôi chọn cửa Không đồ. Khi bảo vệ hỏi có thuốc hay bật lửa gì không? Tôi chỉ cần nói Không là qua được cửa".
Khán giả đi qua cổng soát vé để vào dự lễ hội. Ảnh: P.A. |
Tương tự, anh An ở quận Hoàn Kiếm và nhiều khán giả khác cũng khẳng định qua cửa soát vé rất dễ dàng nhờ sự sơ sài của bảo vệ, dù có mang theo thuốc và bật lửa.
Ngay sau cổng soát vé, tại lối đi giữa hai sân khấu phụ, nhiều nhân chứng nhìn thấy một số thanh niên ngồi bơm "bóng cười" (bóng bay bơm khí N2O, có tác dụng gây cười) và bán công khai cho khách. "Giá mỗi quả bóng là 200.000 đồng song họ thường bán theo từng cặp", một người phản ánh.
Theo nhiều khán giả, khi đêm nhạc lên cao trào thì trời đã tối, khó có thể quan sát xung quanh. Nhạc mạnh, cả nghìn người nhảy cuồng nhiệt, "lúc đó mọi người chỉ thấy vui và không để ý đến việc kiểm soát an ninh, trật tự".
"Sân khấu chính và hai sân khấu phụ được quây rèm kín mít, có mái che, hàng nghìn người chen chúc, chật chội nên cảm giác rất ngột ngạt", anh Quang mô tả, "phải đến khi có người bị ngất, ban tổ chức kéo rèm lên thì không khí mới dễ thở hơn".
Khu vực bán những quả bóng được khán giả gọi là "bóng cười" giá 200.000 đồng trên lối vào sân khấu. Ảnh: P.A. |
Đơn vị tổ chức sự kiện nói gì?
Chiều 18/9, trả lời về công tác an ninh lễ hội, ông Lê Thái Sơn - Giám đốc Công ty kết nối Á Châu, đơn vị tổ chức cho biết phía công ty và Ban quản lý công viên nước Hồ Tây đã xây dựng phương án, thuê công ty bảo vệ tham gia.
“Chúng tôi trình báo đầy đủ với cơ quan chức năng trước khi tổ chức. Quá trình diễn ra lễ hội, đơn vị cũng phối hợp với nhiều cấp để thực hiện các công việc cần thiết”, ông Sơn nói.
Công an khám nghiệm ở khu vực sân khấu lễ hội âm nhạc. Ảnh: Bá Đô |
Ông cũng cho rằng sự kiện được tổ chức theo giấy phép của Sở Văn hóa dành cho 5.000 người, do vậy các ý kiến phản ánh diện tích không đảm bảo, chật chội là "chưa chính xác".
Theo ông Sơn, Ban tổ chức bố trí hai nhà cứu thương, hai xe cứu thương cùng nhân viên y tế trực tại hai cổng của sự kiện. "Khi có người bị ngất, chúng tôi có nhân viên tuần tra, bảo vệ đưa các bạn ra ngoài", ông khẳng định.
Về phản ánh "an ninh lỏng lẻo", "bóng cười được bán công khai", ông Sơn nói "chưa thể trả lời câu hỏi này, cần đợi kết luận của cơ quan điều tra thì mới rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc".
Trước sự việc khán giả dùng chất kích thích và bị sốc thuốc ngay tại lễ hội, ông Sơn giải thích vì đông người nên nhân viên ban tổ chức phải xác định vị trí sự cố ở đâu rồi mới di chuyển đến được.
Nhận trách nhiệm của đơn vị tổ chức khi để xảy ra sự cố, ông Sơn trần tình: "Trách nhiệm bảo vệ, giữ an ninh trật tự đã được các đơn vị phối hợp với nhau làm đầy đủ, nhưng có một số người tham dự sự kiện cố tình mang chất kích thích vào đó sử dụng. Cụ thể trách nhiệm thế nào thì chờ kết luận của công an".
Ông cho biết thêm phía công ty đã đến thăm hỏi và chia buồn cùng các gia đình có người tử vong.
Cơ quan chức năng "làm đúng quy trình"?
Đại diện cơ quan ký cấp phép cho lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng, ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cho hay, Á Châu từng tổ chức nhiều nhạc hội trước đây. Chương trình lần này có sự tham gia của bốn nghệ sĩ nước ngoài, đã được thành phố cấp phép biểu diễn. Toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, cấp phép đảm bảo đúng pháp luật.
Theo ông Tiến, các sự kiện cấp thành phố đều có sự phối hợp của các lực lượng và có phương án bảo vệ riêng. "Sở rút kinh nghiệm và sẽ yêu cầu đơn vị tổ chức phải phối hợp với công an với những sự kiện khả năng thu hút đông khán giả", ông nói.
Về phía quận Tây Hồ, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND cho rằng việc đảm bảo an ninh, quản lý người tham dự để phòng chống sử dụng ma túy thuộc về Ban quản lý công viên nước Hồ Tây, quận Tây Hồ chỉ chịu trách nhiệm giám sát.
"Trước đêm nhạc một ngày, quận đã kiểm tra hợp đồng thuê địa điểm biểu diễn, các giấy tờ liên quan. Lực lượng chức năng quận có mặt từ khi "chạy thử" cho đến kết thúc chương trình. Như vậy là quận giám sát chặt chẽ, đúng trình tự", ông Tuấn khẳng định.
Hiện Ban quản lý công viên nước Hồ Tây chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc.
Trước đó vào đêm 16/9, nhiều người được đưa đi cấp cứu từ lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng với biểu hiện sốc thuốc. Sau đó không lâu, cơ quan chức năng xác định có 7 người chết, 5 người hôn mê. Tất cả dương tính với ma túy. Tại hiện trường, cảnh sát thu được “bóng cười”, một số viên nén nghi ma túy tổng hợp. Công an Hà Nội phối hợp với Công an quận Tây Hồ tiếp tục điều tra.
Tháng 6/2017, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu sở ngành siết chặt quản lý, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán "bóng cười" (bóng bay bơm khí N2O). Theo nhà chức trách, hiện một bộ phận thanh niên, học sinh dùng sản phẩm này làm thú vui trong khi ngành y tế không cấp phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành. Khí N2O tác dụng gây cười, có hại lớn đến sức khoẻ là loại khí thuộc danh mục hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp, được dùng chỉ định trong một số lĩnh vực y tế. |
Những điều ít biết về Công ty tổ chức lễ hội 7 người chết vì sốc thuốc Được đánh giá là đơn vị có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực tổ chức EDM Festival tại Việt Nam hiện nay, Công ty ... |
7 thanh niên chết trong lễ hội âm nhạc, ai lơ là? 1 lễ hội âm nhạc được tổ chức rầm rộ nhưng có đến 7 thanh niên chết vì sốc ma túy. |