Trong một tuyên bố gây bất ngờ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm 7/4 thông báo, các lực lượng Israel đã rời Khan Yunis ở phía Nam Dải Gaza “và đang chuẩn bị cho các nhiệm vụ trong tương lai” tới Rafah. Quyết định này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/4.
- Iran cáo buộc Mỹ "bật đèn xanh" cho Israel tấn công Đại sứ quán
- Liên hợp quốc kêu gọi giảm căng thẳng biên giới Israel và Lebanon
- Israel tuyên bố tiêu diệt đáng kể Hamas, chỉ cách chiến thắng một bước
Cần một chiến lược mới hoặc nhượng bộ lớn hơn
Trong hai tháng qua, việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) duy trì các đơn vị của họ ở Khan Yunis là nhằm “bóp nghẹt” Hamas và gia tăng áp lực đến mức phải đồng ý một thỏa thuận thả con tin. Nhưng việc rút lực lượng khỏi Khan Yunis sẽ là sự kết thúc chiến lược này và là một sự thừa nhận nhượng bộ. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là các con tin sẽ không được giải phóng. IDF đã đánh bại Hamas ở cả phía Bắc và phía Nam Gaza, phá hủy phần lớn mạng lưới đường hầm của tổ chức này và tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp cao của nhóm.
Việc rút khỏi Khan Yunis lúc này không phủ nhận những thành tựu to lớn đó, vốn khiến Hamas suy giảm lớn về năng lực quân sự. Nhưng giờ đây, Israel sẽ cần một chiến lược mới hoặc có những nhượng bộ lớn hơn với Hamas để giải thoát nhiều con tin hơn, bao gồm cả việc mở cửa cho phía bắc khu vực này. Hơn nữa, nếu IDF không có sự hiện diện ở Khan Yunis, một lượng lớn dân thường Palestine có thể tự nguyện rời Rafah và quay trở lại đó mà không cần phải sơ tán chính thức. Điều này có thể làm giảm bớt những lo ngại của Mỹ về việc liệu Israel có thể sơ tán thành công 1,4 triệu thường dân Palestine hay không.
Hành động mới nhất của IDF diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Chỉ vài giờ sau đó, ông Benjamin Netanyahu đã cho phép mở cửa khẩu Erez Crossing giữa Israel và Gaza để chuyển viện trợ nhân đạo, nơi chưa từng được mở lại sau khi Hamas tấn công vào miền Nam Israel ngày 7/10 năm ngoái. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đã mở cảng Ashdod để chuyển hàng viện trợ nhân đạo, một hành động khác mà nhà lãnh đạo Israel từng tuyên bố sẽ không bao giờ thực hiện.
Đến ngày 5/4, IDF đã sa thải hoặc cách chức một số sĩ quan cấp cao dưới áp lực của Mỹ và cộng đồng quốc tế vì đã giết chết 7 nhân viên cứu trợ. Và hôm 7/4, quân đội Israel bất ngờ rút khỏi phía Nam Gaza. Có thể lập luận rằng nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thay đổi căn bản trên là do áp lực từ Mỹ và sự thay đổi đó là thừa nhận rằng, chiến lược cũ trong nhiều tháng đã thất bại.
Câu hỏi lớn hiện nay là liệu sự thay đổi này có đủ để duy trì sự ủng hộ của Mỹ đối với việc tấn công Rafah hay liệu Mỹ có thể đã buộc Israel phải đạt được thỏa thuận con tin hay không, ngay cả khi điều đó có khả năng làm suy yếu việc đánh bại Hamas. Theo logic này, Mỹ đã ủng hộ Israel trong gần 6 tháng bất chấp việc 33.000 người Palestine đã thiệt mạng, nhưng cuối cùng đã đạt đến điểm đột phá.
Trong khi tìm câu trả lời cho các vấn đề trên, Hamas ít nhất sẽ có thể khôi phục một số quyền quản lý của mình ở phía Nam Gaza đơn giản vì Israel chưa bao giờ quyết định cho phép bất kỳ ai khác vào tiếp quản. Đồng quan điểm trên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng, Hamas và các lực lượng dân quân Palestine khác có thể sẽ tận dụng việc Israel rút quân để khẳng định lại quyền cai trị của Hamas xung quanh Khan Younis.
Trong khi đó, các nguồn tin giấu tên của Israel tuyên bố rằng, việc IDF rút khỏi phía Nam Dải Gaza sẽ cho phép những người Palestine di dời ở Rafah di cư đến các khu vực của Khan Yunis và trung tâm Dải Gaza. Việc người Palestine di cư từ Rafah đến các khu vực khác của Dải Gaza sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch “làm sạch” của Israel ở Rafah.
Sự kiên nhẫn giảm sút
Theo nhận định của Giáo sư Chuck Freilich và chuyên gia phân tích cấp cao Eldad Shavit thuộc Viện Nghiên cứu AN ninh Israel (INSS), sự kiên nhẫn của Mỹ với Israel đang ngày càng suy giảm. Chiến dịch đã được lên kế hoạch ở Rafah, tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Dải Gaza và câu hỏi chưa được giải quyết về “Gaza sẽ thế nào hậu xung đột” đang khiến căng thẳng giữa Israel và Mỹ lên đến đỉnh điểm mới. Kế hoạch của Israel tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Rafah là trung tâm của sự bất đồng ngày càng tăng giữa Mỹ và Israel.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang gây áp lực buộc Israel phải tránh một hoạt động như vậy, đồng thời tuyên bố rằng, Israel có thể đạt được các mục tiêu của mình thông qua các phương tiện khác. Điều này làm tăng thêm những khác biệt hiện có giữa hai nước, bao gồm cả việc Mỹ yêu cầu Israel thiết lập một chiến lược rõ ràng sau chiến tranh và giải quyết tình hình nhân đạo ở Gaza.
Sau hơn một tháng không liên lạc, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Benjamin Netanyahu mới đây đã có 2 cuộc điện đàm. Và nội dung của các cuộc điện đàm này đã nêu bật những bất đồng chính giữa Mỹ và Israel liên quan đến việc tiến hành cuộc chiến ở Gaza. Những khác biệt này là trọng tâm của các cuộc thảo luận toàn diện do chính quyền Mỹ khởi xướng, được tổ chức trong các chuyến thăm của những quan chức cấp cao Israel tới Washington. Đầu tiên là về kế hoạch chiến lược dài hạn. Chính quyền Mỹ đã nhắc lại với Israel tầm quan trọng của việc có một chiến lược toàn diện với các mục tiêu rõ ràng cho chiến dịch quân sự.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Joe Biden bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Israel có chiến lược như vậy hay không và nhấn mạnh sự cần thiết của một “chiến lược mạch lạc và bền vững” để đạt được “mục tiêu chung là đánh bại Hamas”. Chính quyền Mỹ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân đạo và tình trạng vô chính phủ lan rộng ở những khu vực mà Israel đã hoạt động nhưng vẫn chưa thể ổn định được tình hình.
Chính quyền Mỹ gần đây đã cùng với những nước khác trong cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nạn đói ngày càng trầm trọng ở Gaza. Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh rằng “theo thước đo được tôn trọng nhất về những điều này, 100% dân số ở Gaza đang ở trong tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính nghiêm trọng”. Ông nói thêm rằng, trách nhiệm của Israel là ưu tiên phân phối viện trợ cho những người cần nhất.
Tại Quốc hội Mỹ, ngay cả các nghị sĩ thân Israel cũng ngày càng chỉ trích hành động của chính phủ Israel. Lãnh đạo đa số Thượng viện đảng Dân chủ Chuck Schumer đã đi xa hơn khi tuyên bố rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu là một trở ngại cho hòa bình và đã kêu gọi bầu cử ở Israel.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dong-thai-bat-ngo-cua-israel-tai-gaza-i727769/