Nhận định về phương án tài chính của dự án sân bay Phan Thiết, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng. Trong khi phương án tài chính không đảm bảo trả nợ, sẽ rất khó có khả năng huy động được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Hội đồng thẩm định liên ngành Nhà nước vừa có kết quả thẩm định về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cảng hàng không Phan Thiết (Bình Thuận) hạng mục hàng không dân dụng đầu tư theo hình thức BOT.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, vốn nhà đầu tư được huy động cho các hạng mục sân bay Phan Thiết là hơn 5.057 tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư là 759 tỷ đồng, vốn vay là 4.300 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn chủ sở hữu chiếm 15% trong tổng phần vốn của nhà đầu tư (phù hợp với khoản 1, điều 77, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP).

Tuy nhiên, theo ý kiến của Ngân hàng nhà nước thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia như vậy là còn thấp. Để tăng tính khả thi, Ngân hàng Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận nghiên cứu cho tăng nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BOT trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá kỹ khả năng đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án.

 
Phối cảnh sân bay Phan Thiết được dự kiến đầu tư với hơn 5.000 tỷ đồng

Phối cảnh sân bay Phan Thiết được dự kiến đầu tư với hơn 5.000 tỷ đồng

Về khả năng huy động vốn vay tổ chức tín dụng, tại văn bản của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng nhu cầu vốn vay gần 4.300 tỷ đồng, chiếm tới 85% nguồn vốn của nhà đầu tư.

Dự án có thời gian hoàn vốn rất dài (45 năm). Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, mức đầu tư tăng quá 5% (hoặc sản lượng khai thác sụt giảm quá 5%) thì thời gian hoàn vốn sẽ trên 50 năm. Điều này cho thấy dự án có rủi ro cao, đặc biệt là số liệu dự báo các yếu tố cấu thành phương án tài chính của dự án.

Bên cạnh đó, trong 31 năm đầu khai thác, dự án không có khả năng hoàn trả nợ gốc vay. Như vậy, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng. Trong khi phương án tài chính không đảm bảo trả nợ, sẽ rất khó có khả năng huy động được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Mặt khác, tính thực tiễn của việc vay vốn tín dụng ở dự án này là không khả thi. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận làm rõ khả năng huy động vốn cho dự án, nghiên cứu đa dạng các nguồn vốn huy động để giảm lệ thuộc vào một nguồn vốn cụ thể, nhất là nguồn vốn từ ngân hàng, tránh tình trạng dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng không đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư, không huy động được đủ vốn đầu tư dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận tiếp thu ý kiến trên của Ngân hàng Nhà nước và giải trình, làm rõ.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư mới xây dựng sân bay Phan Thiết, tại tờ trình ngày 20/11/2023, tỉnh Bình Thuận đề nghị cho đấu thầu rộng rãi trong nước. Sau khi tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, ngày 11/3/2024, tỉnh Bình Thuận tiếp tục có tờ trình đề xuất cho đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định pháp luật.

Về phân tích các rủi ro trong quá trình thực hiện dự án, Hội đồng thẩm định liên ngành cho rằng, trong phần thuyết minh, UBND tỉnh Bình Thuận mới chỉ đưa ra các rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phải phân tích, làm rõ các biện pháp bảo đảm các hạn chế, rủi ro, nhằm đảm bảo thực hiện dự án hiệu quả.

Sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng, cho cả mục đích quân sự và dân sự. Hiện nay các hạng mục quân sự, do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu bay máy bay quân sự từ đầu tháng 8/2024. Tuy nhiên, các hạng mục dân sự (do UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư) vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư và chưa tìm được nhà đầu tư BOT mới.

https://www.anninhthudo.vn/du-an-san-bay-phan-thiet-rui-ro-cao-de-nghi-lam-ro-kha-nang-huy-dong-von-post586114.antd

N.T / anninhthudo.vn