Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cục CSGT (Bộ Công an) đề nghị kết nối, chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của xe ô tô.
- Hơn 1 triệu phương tiện lắp giám sát hành trình nhưng “xe dù” vẫn nhan nhản
- Dữ liệu thiết bị giám sát hành trình vẫn để “lưu kho” trong khi “xe dù” tung hoành
Đơn vị này cho hay, theo quy định tại Nghị định 10/2022 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đang tiếp nhận dữ liệu từ thiết bị GSHT trên xe ô tô kinh doanh vận tải truyền về.
Đây là dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và phối hợp quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, quản lý thuế, phòng chống buôn lậu của ngành Công an, Hải quan và Thuế.
"Cục Đường bộ Việt Nam đã cung cấp tài khoản để Cục CSGT, Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra phòng, chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Thuế một số địa phương truy cập, khai thác dữ liệu trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT phục vụ công tác quản lý của đơn vị", Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Dữ liệu giám sát hành trình trên ô tô kinh doanh vận tải vẫn chưa được sử dụng hiệu quả |
Để thực hiện quy định tại Nghị định 10, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị GSHT, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục CSGT, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế nghiên cứu phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Việc giám sát hoạt động của xe ô tô khi tham gia kinh doanh vận tải được quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị GSHT của xe theo quy định của Chính phủ. Đến thời điểm hiện nay có hơn 1 triệu phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp thiết bị GSHT và truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam.
Thiết bị GSHT lưu trữ các thông tin về hành trình xe chạy như thời gian, tọa độ, tốc độ. Bên cạnh đó, thiết bị này cũng lưu trữ thông tin về tốc độ tức thời trong suốt hành trình xe chạy, thông tin về lái xe, thông tin về số lần và thời gian dừng, đỗ xe...
Dù vậy đến nay, nguồn dữ liệu khổng lồ từ khoảng 1 triệu thiết bị GSHT truyền về vẫn chỉ là tư liệu “chết”, chưa được sử dụng hữu dụng trong công tác quản lý trong hoạt động kinh doanh vận tải cũng như ATGT.