Tuần đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại các tỉnh miền Trung, trong đó đặc biệt là Nghệ An và Hà Tĩnh, ghi nhận số lượng F0 tăng vọt với hàng nghìn trường hợp trong cộng đồng. Ngành Y tế có dấu hiệu quá tải khiến người dân nháo nhào mua các loại thuốc đặc trị, điều trị COVID -19 được bày bán tràn lan trên mạng xã hội, dù không rõ nguồn gốc xuất xứ.
F0 tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Ngày 12/2, tại một số phường, xã vùng đỏ là Vinh Tân, Hưng Bình, Lê Mao, Trường Thi… UBND thành phố Vinh (Nghệ An) đã cho dừng các hoạt động không thiết yếu để chống dịch đối với các cơ sở kinh doanh, các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: cắt tóc, gội đầu, làm đẹp, mát xa, vũ trường, kararaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, rạp chiếu phim, các hoạt động thể dục thể thao. Các nhà hàng quán ăn, chỉ được phép bán mang về trừ nhà hàng thuộc cơ sở lưu trú. Tại các địa phương này, các cơ quan, công sở chỉ làm việc với 50% quân số, tăng cường làm việc trực tuyến.
Trước đó, vào ngày 8/2, trước diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp trên địa bàn thành phố, nhiều ca F0 xuất hiện trong cộng đồng, UBND thành phố Vinh cũng đã cho tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, tập trung đông người những ngày đầu năm mới. Động thái này được đưa ra sau khi ghi nhận, trên địa bàn tỉnh này số lượng F0 tăng kỷ lục sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ tính riêng trong buổi sáng ngày 13/2, toàn tỉnh ghi nhận 1.166 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 286 ca cộng đồng. 1 tuần sau Tết, tính từ ngày 6/2 đến sáng ngày 13/2, trên địa bàn Nghệ An ghi nhận 15.380 trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 3.330 ca cộng đồng.
Theo đánh giá của CDC Nghệ An, hiện nay dịch COVID-19 đã lây lan hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh này. Trong đó, có nhiều ổ dịch phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, với số F0 lên đến hàng trăm chỉ trong thời gian ngắn. Hiện nay, tại Nghệ An mỗi ngày trung bình số F0 ghi nhận đã vượt 2.000 ca. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, số người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng vẫn còn rất lớn.
Trong khi đó, ở địa phương lân cận là tỉnh Hà Tĩnh trong những ngày sau Tết Nguyên đán đến nay cũng ghi nhận số lượng F0 tăng cao kỷ lục. Tính từ ngày 6/2 đến ngày 12/2, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1.782 người nhiễm COVID-19 mới, trong đó có tới 1.183 ca cộng đồng. Sau kỳ nghỉ Tết, tình hình dịch bệnh ở tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi có 8 xã, phường, thị trấn có mức độ nguy cơ cấp 3 và cấp 4.
Theo Bác sĩ Nguyễn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, thì nguyên nhân số ca bệnh tăng cao sau kỳ nghỉ có nhiều người hồi hương và nhiều hoạt động giao lưu, thăm hỏi, lễ lạt diễn ra, điều này đã nằm trong dự tính của ngành y tế từ trước. Hiện nay, Hà Tĩnh đang hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai để “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” theo Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/1/2022 của Bộ Y tế. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành thực hiện test nhanh kháng nguyên cho hơn 40.000 người để sàng lọc nguy cơ dịch trong cộng đồng.
Vấn đề này, đại diện Sở Y tế Nghệ An cho rằng, ngoài yếu tố lượng người về từ các vùng dịch lớn, thì một bộ phận không nhỏ người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch cũng là nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, tín hiệu mừng là dù ca nhiễm mới tăng cao nhưng tỉ lệ triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng chiếm số lượng lớn, số ca nhập viện ít, phần lớn bệnh nhân điều trị và theo dõi tại các cơ sở thu dung và tại nhà.
Ma trận thuốc điều trị, đặc trị COVID-19
Trước thực trạng số người nhiễm COVID-19 tăng cao sau kỳ nghỉ Tết, ngành Y tế có dấu hiệu quá tải và cho F0 điều trị tại nhà, không ít người đã rất hoang mang khi không được chăm sóc, tư vấn kịp thời. Trong bối cảnh đó, để tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, nhiều người đã nháo nhào tìm mua Kit xét nghiệm và thuốc điều trị COVID-19. Nắm bắt được nhu cầu này, không ít người đã lên mạng xã hội rao bán các sản phẩm nói trên, với các mệnh giá khác nhau. Điều đáng nói, những mặt hàng được tiếp thị qua mạng xã hội, được giới thiệu là “hàng xách tay”, có người từ nước ngoài mang về, nằm ngoài danh mục cho phép được lưu hành của Bộ Y tế, nhưng vẫn được mua bán công khai.
Cụ thể, tại nhiều facebook cá nhân, đã đăng bán công khai các loại thuốc điều trị COVID-19, hàng xác tay từ Nga, Ấn Độ hoặc Pháp với đầy đủ các dạng và dùng cho mọi lứa tuổi, có cả thuốc điều trị cho trẻ em. Trong đó, thuốc Molnupiravir 400mg được bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên, thuốc Molcovir có giá gần 5 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang, thuốc Arbidol 200mg của Nga được rao bán giá 350.000 đồng/hộp 10 viên, Molnupiravir 200mg giá 3 triệu đồng, Favipiravir và Remdesivir cũng được chào bán với giá từ 3-5 triệu đồng… Nhiều người bị F0, dù biết những loại thuốc này chưa được phép lưu hành, nhưng vì tin vào “sản phẩm xách tay từ châu Âu” nên đã bỏ tiền triệu ra để mua về uống. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn mua cả thuốc dành cho trẻ em (dạng viên nén, pha nước hoặc siro) để tự điều trị cho con cái của mình.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Bác sĩ Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, theo Quyết định 5666/QĐ-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của hướng dẫn và chuẩn đoán của điều trị COVID-19 thì hiện nay, Việt Nam chỉ mới đưa vào sử dụng 3 loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 là gồm Molnupiravir, Remdesivir và Favipiravir. Cái loại thuốc điều trị khác, được rao bán là bất hợp pháp, thậm chí có thể gây nguy hiểm, để lại di chứng khi chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Trước thực trạng rao bán thuốc điều trị tràn lan như hiện nay, ngày 11/2 Sở Y tế Nghệ An cũng đã có văn bản về việc không được kinh doanh thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19.
Theo Sở Y tế Nghệ An, Molnupiravir là thuốc đang thử nghiệm lâm sàng, chưa được cấp phép lưu hành, chỉ được dùng miễn phí cho các bệnh nhân COVID-19 tham gia chương trình nghiên cứu. Việc mua bán, sử dụng sai mục đích đối với thuốc Molnupiravir là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.
Để tránh hiện tượng sử dụng thuốc Molnupiravir sai mục đích tại Nghệ An, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An không được mua, bán thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir. Đối với các trường hợp vẫn cố tình vi phạm, sẽ xử lý nghiêm. Thông báo là vậy, nhưng khi phóng viên liên hệ với một số người rao bán trên facebook, sản phẩm này vẫn được chào mời với giá từ 2,5-3 triệu đồng cho loại vỉ 10 viên.
Thiên Thảo
Thái Lan, Indonesia phát triển thuốc viên điều trị COVID-19 |
Hà Nội không thiếu thuốc điều trị COVID-19 |
Mỹ cấp phép loại thuốc điều trị COVID-19 thứ 2 |