Từ Tết Nguyên đán ra đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng vọt, đỉnh điểm trong 2 ngày gần đây, mỗi ngày có gần 4.000 F0 mới. Có thể số ca nhiễm còn cao hơn nữa vì nhiều F0 không triệu chứng hoặc khỏi bệnh nhanh không báo với y tế địa phương. Hiện nay, Hà Nội có 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi, trong đó có 96% điều trị tại nhà. Với số ca mắc tăng cao như hiện nay, Thủ đô có thay đổi chiến lược chống dịch để tránh quá tải hệ thống y tế hay không?
Trạm y tế nhiều phường, xã quá tải
Nếu như một tuần trước, tại Trạm Y tế lưu động của phường Bưởi, quận Tây Hồ tại 462 Thụy Khuê chỉ xét nghiệm COVID-19 cho khoảng vài chục F1, F0/ngày thì nay lên đến hàng trăm trường hợp. Các cán bộ y tế làm việc xuyên ngày đêm để xét nghiệm, tư vấn cho F0 tại nhà, cũng như lên danh sách để chuyển sang UBND phường ra quyết định cách ly. Theo lãnh đạo UBND phường Bưởi, tại địa phương ghi nhận khá nhiều trẻ em là F0, trong đó có cháu nhỏ chỉ vài tháng tuổi.
Phường Xuân La, quận Tây Hồ có ngày lên tới hơn 100 F0 mới, Trạm Y tế quá tải, nhiều lúc đường dây nóng báo bận liên tục vì quá nhiều người gọi. Tại quận Hai Bà Trưng, trung bình mỗi ngày có khoảng 300-400 ca mắc mới, khiến các trạm y tế trên địa bàn liên tục có người điện thoại đến thông báo dương tính, có người còn ra tận nơi để xin thuốc, tư vấn.
Ở nhiều quận, huyện khác của Thủ đô, nhiều F0 sau khi không gọi được y tế địa phương đã tự lên mạng tìm hiểu và tự mua thuốc điều trị. Một phụ huynh ở quận Đống Đa cho biết: “Thấy con đi học về có biểu hiện sốt, ho, tôi test nhanh cho con thì phát hiện dương tính. Trong lúc chưa gọi được điện cho y tế phường, tôi đã mua theo đơn thuốc trên mạng về điều trị cho con”. Theo phụ huynh này, chị đặt mua thuốc kháng virus của Nga về để cho con gái đang học lớp 8 uống mà không hề hay biết thuống kháng virus chống chỉ định cho trẻ dưới 18 tuổi. Rất may, vị phụ huynh này đã kịp thời hỏi được một chuyên gia tư vấn nên đã ngừng cho con uống thuốc kháng virus này.
Với số ca mắc mới tiếp tục tăng cao ở Thủ đô như hiện nay, nhiều người lo ngại quá tải hệ thống y tế. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng của Thủ đô khoảng 94%, việc bao phủ vaccine cao, trong đó người từ 12 tuổi trở lên tiêm 2 mũi đạt 99,5%, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 55%. Chính vì vậy mà tỷ lệ bệnh nhân nặng phải chuyển tầng chỉ chiếm 0,57%.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tới hết ngày 16/2, Hà Nội có hơn 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có gần 121.400 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Hà Nội gần 4.000 ca phải nhập viện điều trị gồm hơn 3.500 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3) và hơn 300 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Trong số các bệnh nhân nhập viện, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO...,
Quản lý người có nguy cơ cao từ xã, phường
Theo ghi nhận, tuy số ca mắc của Thủ đô tăng cao, song số ca tử vong lại giảm hơn so với thời gian trước. Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống điều trị giám sát tại F0 tại nhà của Hà Nội vận hành tốt; công tác chuyển tầng được thực hiện uyển chuyển, bệnh nhân nặng được chuyển viện kịp thời; sự phối hợp giữa các bệnh viện của Hà Nội, bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện của Hà Nội thực hiện tốt, dù số ca mắc tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp.
Sở Y tế Hà Nội cho biết số bệnh nhân chuyển tầng được hạn chế tối đa trong nhiều tuần qua. Nhiều ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày, thậm chí xuống 11 ca. Các F0 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vaccine COVID-19.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mục tiêu là đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, cần phải có kế hoạch và thay đổi chiến lược chống dịch của Thủ đô, đó là bảo vệ người có nguy cơ cao. Hà Nội đã yêu cầu tất cả các quận, huyện, phường, xã rà soát, lập danh sách người nguy cơ cao trên địa bàn để tiêm mũi tăng cường; tổ chức tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn. Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm ngu cơ. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc này rất quan trọng nhằm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nặng, giảm tỷ lệ chuyển tầng.
Chiến lược mới của Thủ đô là dự phòng tốt, tập trung vào quản lý đối tượng người cao tuổi, có bệnh nền; điều trị hiệu quả cho người có nguy cơ cao từ xã, phường để giảm bệnh nặng và tử vong. Để làm điều này, hiện tại nhiều phường, xã của Hà Nội đã rà soát, lập danh sách đối tượng nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai… để quản lý. BS Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết: Mỗi tuần 1 lần chúng tôi đến khám và test COVID-19 cho người cao tuổi, già yếu trên địa bàn một lần. Nhiều cụ già và phụ nữ có thai chưa tiêm vaccine chúng tôi phải vận động tiêm. Qua thăm khám, những cụ nào mắc bệnh thông thường, hoặc bệnh nền được tư vấn điều trị ngay.
Được biết, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, trung bình mỗi phường có từ 300-500 người cao tuổi đã đưa vào danh sách quản lý, có tổ quản lý sức khỏe để can thiệp kịp thời nếu mắc COVID. Ngoài việc xét nghiệm, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà, nhân viên y tế còn phải quản lý theo dõi các đối tượng cao tuổi nên công việc luôn quá tải. Tuy nhiên, không phải địa bàn phường nào cũng làm được việc quản lý sức khỏe người cao tuổi, mà nhiều nơi do quá tải đã không quan tâm được. Có nhiều người cao tuổi chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều cũng không được “nhắc nhở” đi tiêm.
Hà Nội dự kiến cho trẻ mầm non đi học từ 1-3 Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất lộ trình cho trẻ mầm non trở lại trường từ ngày 1/3; giao các đơn vị ... |
F0 nặng ở Hà Nội tăng Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số F0 nặng ở Hà Nội tăng gần 700 ca (gần 15%) so với trung bình 7 ... |