Anh Định mở cổng vào nhà, thấy vợ, cười tươi nói: "nay đi đám cưới chẳng động được vào thứ gì, chỉ toàn là thịt lợn!"
"Asalaam!", từ sau vườn, chị Vũ Thị Vui (41 tuổi, thôn 3, xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội) chào vọng ra cổng bằng ngôn ngữ Hồi giáo. Trong khuôn viên sạch sẽ và thoáng đãng, khó mà nhận ra nhà chị Vui nuôi gia súc để bán. Hai vợ chồng sống cùng hai cậu con trai trong ngôi nhà nhỏ bên triền đê. Nhà nhỏ, nhưng vườn rộng, đủ để chị Vui nuôi hơn 40 con cừu và có một vườn rau sum suê. Xung quanh cũng có nhiều người làm nghề nông, nhưng hầu như không có ai theo đạo.
Người chồng đi đám cưới về, kêu đói bụng vì mâm cỗ toàn là thịt lợn (thứ người Hồi giáo không được phép ăn), rồi ngồi xuống bên nồi lẩu nghi ngút khói cùng vợ.
Chị Vui anh Định bên mâm cơm gia đình, không có bóng dáng thịt lợn, mèo, chó. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Bữa cơm gia đình cũng đơn giản như mọi nhà, có rau củ, thịt gà, và một ít thịt cừu - món ăn phổ biến nhất trong cộng đồng người Hồi giáo. Thế nhưng, gà phải được chính tay người trong đạo cắt tiết khi còn sống, tuyệt đối không còn vương lại chút máu nào để đảm bảo sự sạch sẽ tuyệt đối theo lời của kinh thánh. Đó được gọi là thực phẩm hallah (hợp pháp) - mặt hàng chị Vui đang phân phối cho nhiều nhà hàng Hồi giáo tại Hà Nội.
Để có được những khoảnh khắc giản đơn như vậy, chị Vui từng có khoảng thời gian buồn bã đến tột cùng vì bị xem là một người dị giáo.
Năm 2009, chị Vui sang Arab Saudi để làm việc. Ở đây, không khí và nhịp sống vẫn yên bình như Việt Nam, nhưng có một điều làm chị luôn thắc mắc. "Đến giờ hành lễ của người Hồi giáo, người dân cứ thế bỏ hàng quán mà đi. Kể cả tiệm vàng cũng khép cửa hờ, không hề khóa chốt kỹ càng, không sợ trộm cắp. Điều này làm tôi tò mò và bắt đầu tìm hiểu tôn giáo nước bạn".
Qua những lần đọc kinh sách đạo Hồi, chị thấy hiểu biết của mình được mở rộng. "Tôi biết trên trời có gì, biết nguồn gốc của vạn vật, biết tại sao biển và sông gần nhau nhưng không hòa làm một. Và cái lớn nhất tôi lĩnh hội được, đó là cách để trở thành một người có ích". Từ đó, chị theo đạo này và được ban tên Khadija.
Năm 2012, chị trở về quê nhà. Như một người bị hắt hủi, chị chỉ biết lặng im nghe những lời cay độc từ gia đình và người xung quanh. Vì ở quê chị, thậm chí không ai theo đạo nào, nên định nghĩa đạo Hồi hoàn toàn không xuất hiện trong đầu. Bạn bè cũng không dám đến gần nói chuyện vì sợ lây... bùa ngải. Có lần, chị còn bị người quen giật khăn trùm hijab - vật bất ly thân của phụ nữ đạo Hồi. Một thời gian dài chị Vui tuyệt thực, tưởng chừng không thể vượt qua được định kiến.
"Báo chí đưa tin nhiều về những phần tử cực đoan hay dị giáo. Khi về quê tôi như bị khủng hoảng, bên tai là những lời lẽ khó nghe như bị điên, bị bệnh, bị bỏ bùa. Họ còn bảo tôi là phản động", chị Vui thoáng buồn.
Từ khi gia đình có cuộc sống sung túc, chồng và con chị Vui cũng cải đạo theo mẹ. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Theo tôn giáo này, tín đồ không được thắp hương cho ông bà tổ tiên, cha mẹ. Vì người sống hay người chết cũng không thể có vị trí cao hơn Đấng tạo hóa. Điều đó khiến cha chị từng phải thốt lên: "Bố chết đi, đứa nào cúng bố đây?".
Một thời gian sau, cha mẹ chị Vui cũng thôi không nói nhiều về đời sống tôn giáo của con nữa, khi thấy chị có thể kiếm thêm thu nhập được trong chính cộng đồng tôn giáo của mình, sống một cuộc sống thoải mái, no đủ.
Ngày về nước chị Vui còn nhận được cái nhìn lạnh nhạt của chồng, dù trước đó chị đã xin ý kiến anh để được theo đạo. Mọi thứ trong gia đình trở nên ngột ngạt, có những đêm nằm ngủ chung giường nhưng như hai người xa lạ, chị ấm ức khóc một mình.
Một thời gian sau, vì thương vợ, anh Phạm Văn Định (48 tuổi) đã thử nghiên cứu về kinh Koran và cùng chị Vui đến thánh đường để cảm nhận nét văn hóa của đạo Hồi.
"Ấn tượng lớn nhất của tôi về người Hồi giáo đó là sự đoàn kết. Người già cũng như trẻ nhỏ, khi vào thánh đường, đều có vị trí quan trọng như nhau, không phân tầng, không giai cấp. Những cái ôm và bắt tay tràn ngập khắp không gian, và đặc biệt là không bao giờ nói xấu nhau, không bao giờ nói dối", anh Định chia sẻ. Trong đạo Hồi cũng cấm bia rượu, vì vậy, anh Định nghĩ đó là một cuộc sống thanh tịnh, đáng để theo. Khi trở thành tín đồ, anh được mang tên Iman.
Từ ngày vào đạo, anh Định mới được làm thực phẩm Hallah đỡ đần cho vợ. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Anh cho biết thêm, trong một gia đình đạo Hồi, vợ chồng phân bậc rõ ràng. Chồng ra ngoài làm ăn và lo cho cả gia đình, còn vợ chỉ ở nhà tập trung vào công việc nội trợ. Vợ không được có địa vị xã hội lớn hơn chồng hay làm lụng nhiều hơn chồng. Bên cạnh đó, người đàn ông trong gia đình không được phép hà hiếp phụ nữ. Nếu vợ hư hỏng, chồng vẫn có quyền dùng vũ lực, nhưng tuyệt nhiên không được quá tay, không được chạm vào mặt vợ.
Anh em, đồng đạo, gia đình, và đặc biệt là vợ chồng không được giận nhau quá 3 ngày. Nếu như quá 3 ngày không gặp nhau giải hòa, thì cũng phải cầu bình an cho nhau. Người đàn ông luôn phải rộng lượng hơn, mở lời trước với phụ nữ.
"Người đạo Hồi tin rằng, kiếp sống hiện tại chỉ là tạm thời, còn kiếp sau mới là vĩnh viễn. Do vậy, họ luôn cố gắng làm nhiều việc tốt và tránh xa cái xấu, để có một cuộc sống an yên nhất ở thế giới bên kia", chị nói.
Hiện tại, vợ chồng chị và hai con trai đều đã theo đạo Hồi. Bạn bè hàng xóm cũng dần hiểu được, nên đã cởi mở hơn nhiều. "Chị Vui ở đây sống ai cũng quý mến. Đấy, mới mùng một tết Tây mà cả xóm đến nhờ chị ấy mở hàng lấy may", chị Vân, hàng xóm, cười nói.
Thánh đường Hồi giáo duy nhất tại phố Hàng Lược, Hà Nội là nơi chị Vui và gia đình thường lui tới hành lễ tuần một lần, trọn ngày thứ sáu. Theo anh Tuệ, ban quản lý thánh đường, "dù ở đây có tới hàng trăm tín đồ thường xuyên, nhưng người Việt khá ít, mà những người ngoan đạo như chị Vui lại càng ít".
Bước vào thánh đường, những tiếng cầu nguyện vang vọng trong không gian ngát hương. Chị Vui cùng chồng và hai con rửa tay, rửa mặt, chải lại tóc để cầm cuốn kinh Koran nguyện cầu. Abdanlah - cậu con trai 7 tuổi của chị Vui - nhẹ nhàng hành lễ mà không cần người hướng dẫn. Có ai đó thì thào, "Hồi giáo chúng ta cũng trong sáng như ánh mắt của Abdanlah vậy".
Sau 9 năm lầm lũi, chị Vui nay đã có một gia đình êm ấm như những người chị, người em khác."Tôi chỉ mong một cuộc sống vừa đủ, và được người xung quanh xem mình cũng như một người bình thường như bao người".
Trọng Nghĩa
Kinh dị lễ hội hành xác, tự chém mình của người Hồi giáo Hàng triệu người Hồi giáo dòng Shiite trên thế giới hôm nay ăn mừng ngày lễ Ashura bằng nhiều cách thức “hành xác“. |
Iran cấm dạy tiếng Anh trong trường tiểu học Động thái được thực hiện sau khi các lãnh đạo Hồi giáo cảnh báo về việc "xâm lăng văn hóa" phương Tây khi học tiếng ... |