Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy.
- Bùng nổ nạn giả mạo thương mại điện tử để lừa đảo tuyển dụng
- Ma trận lừa đảo việc làm qua mạng
- Vạch trần thủ đoạn lợi dụng đề nghị tiếp nhận vốn nước ngoài để lừa đảo
Vay không được lại còn mất tiền
Vụ việc mới nhất được Công an TP Hà Nội ghi nhận xảy ra tại địa bàn quận Cầu Giấy. Bị hại là anh Nguyễn Văn Hiếu (SN 1997, quê ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Ngày 26/4, anh Nguyễn Văn Hiếu hốt hoảng đến Công an phường Dịch Vọng trình báo bị lừa đảo mất 35 triệu đồng. Được sự động viên của cán bộ tiếp nhận hồ sơ, anh Hiếu dần bình tĩnh, trình bày sự việc. Du có nhu cầu giải quyết công việc với số tiền 70 triệu đồng, anh đã tải ứng dụng vay tiền VPS CASH trên mạng. Làm theo những yêu cầu từ ứng dụng này, anh Hiếu vẫn không rút được tiền.
Đang loay hoay không biết làm thế nào thì bỗng nhiên có một người gọi điện vào số máy điện thoại của anh Hiếu tự giới thiệu là nhân viên công ty cho vay tiền. Người này nói đã nhận được yêu cầu vay 70 triệu đồng của anh Hiếu và yêu cầu anh Hiếu phải chuyển 35 triệu đồng để kích hoạt gói vay tiền. Đối tượng viện dẫn nhiều lý do như đây là tiền "ký quỹ", "bảo lãnh" cho số tiền 70 triệu đồng khách hàng đang muốn vay. Khi nào không có nhu cầu vay, cần trả sẽ khấu trừ hoặc nếu muốn, kích hoạt xong tài khoản phía công ty sẽ gửi trả lại số tiền trên. Tin tưởng vào lời giới thiệu, hướng dẫn của đối tượng, anh Hiếu đã chuyển 35 triệu đồng nhưng sau đó vẫn không rút được khoản tiền đăng ký vay. Lúc này, anh Hiếu mới biết mình đã bị kẻ gian lừa đảo, vội vàng đến Công an phường Dịch Vọng trình báo.
Cũng có nhu cầu về tiền bạc để giải quyết công việc, anh Nguyễn Thanh Thắng (SN 1993, họ tên bị hại đã được thay đổi) ở quận Hà Đông đã đăng ký vay online 30 triệu đồng. Sau khi ký kết hợp đồng trên môi trường online, bên cho vay yêu cầu anh Thắng phải chuyển số tiền 65 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp để đóng phí bảo lãnh ngân hàng trước khi giải ngân số tiền vay. Tin tưởng, anh Thắng đã chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản này và kết cục tiền vay không rút được. Lúc này, đối tượng tiếp tục gọi lại cho anh Thắng nói khách hàng đã nhập sai tài khoản vay, yêu cầu chuyển tiếp 50 triệu đồng để mở lại tài khoản. Lúc này, anh Thắng mới biết bản thân bị lừa. Số tiền 65 triệu đồng chuyển trước đó theo yêu cầu của đối tượng để "bảo lãnh" đã "bốc hơi".
Chị Nguyễn Thị Thanh (họ tên bị hại đã được thay đổi) ở phường Phúc Đồng, quận Long Biên cũng là một trong những bị hại của thủ đoạn trên. Do có nhu cầu vay tiền, chị Thanh cũng đăng nhập vào app của đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng để làm thủ tục vay. Đối tượng yêu cầu chị Thanh chuyển gần 30 triệu đồng để "đóng phí" cho khoản vay. Ngay sau khi số tiền này được chị Thanh chuyển khoản, "nhân viên" ngân hàng kia biến mất.
Thận trọng trước những lời mời cho vay tiền trên mạng
Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội nhấn mạnh khuyến cáo như trên khi thông tin với PV về những thủ đoạn gây án của loại tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Hiện nay, hệ thống các cơ sở tín dụng rất đa dạng. Ngoài ngân hàng còn có những công ty hoạt động trên lĩnh vực tài chính, sẵn sàng tổ chức cho khách hàng vay với các gói vay đa dạng.
Lợi dụng uy tín của những ngân hàng, công ty tài chính đó, nhiều đối tượng tội phạm đã lập ra các app, website mạo danh với tên gọi, nội dung "na ná" nhau để dễ bề lập lờ "đánh lận con đen", lừa đảo người thiếu thông tin. Chỉ cần tải app hoặc lên những website này, người dân sẽ dễ bị sa vào "ma trận" những thông tin vay mượn. Với thủ đoạn yêu cầu người vay phải chuyển một số tiền gần bằng số tiền vay để đối ứng, hoặc kích hoạt tài sản sau đó hoàn lại, người vay dễ dàng bị chiếm đoạt tiền.
Thông tin về những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, chỉ huy Đội phòng ngừa đấu tranh, hướng dẫn, điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Người dân cần đặc biệt chú ý cảnh giác trước những loại hình cho vay tiền ở trên mạng. Những lời quảng cáo ngọt ngào như "cần tiền là có, vay tiền dễ dàng" hay như "giải ngân trong ngày"… xuất hiện rất nhiều trên các trang, nhóm mạng xã hội. Trong trùng điệp những lời mời mọc ấy có không ít cái bẫy tinh vi mà bất cứ người dân nào nếu không tỉnh táo sẽ là "con mồi" cho tội phạm công nghệ cao.
Cũng theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, để chủ động phòng ngừa tội phạm, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Trong thời gian qua, Công an TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các quận, huyện, thị xã, nhất là lực lượng Công an cơ sở tăng cường tuyên truyền đến người dân nắm được các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao như trên. Tuy nhiên, vẫn có không ít người mắc bẫy.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân rất có thể là "bẫy" của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.
"Việc truy và thu hồi tài sản cho người dân trong những trường hợp này sẽ mất rất nhiều thời gian, khó khăn. Lý do bởi các tài khoản ngân hàng mà những đối tượng lừa đảo sử dụng thường là "chắp vá" thông tin của nhiều người khác nhau. Khi nhận được tiền, ngay lập tức chúng sẽ chuyển khoản qua nhiều tài khoản khác nhau trước khi "biến mất" không để lại dấu vết"- Phòng Cảnh sát hình sự cảnh báo.
https://cand.com.vn/phap-luat/gia-tang-cam-bay-lua-dao-vay-tien-viec-lam-online-i653360/