Sau trận chung kết môn bóng đá SEA Games 2003, tôi và đồng nghiệp ngồi lì tại sân Mỹ Đình đến nửa khuya mới về. Đường vàng, vắng tanh không một bóng người, sương lạnh đẫm ướt như mưa. 

 

Buổi tối ngày 12/12/2003 ấy, đường phố chỉ còn người bán hàng rong đi nhặt nhạnh những lá cờ giấy vứt bên đường trong nỗi thất vọng về một trận chung kết mà ta đã gỡ hòa phút cuối để rồi thua ở hiệp phụ.

Ngồi sau lưng ông anh trên xe máy, tôi nói như thể răn mình: "Không thể thắng Thái Lan bằng một đội tuyển, cần phải thắng bằng một nền bóng đá". "Hay quá, nhưng sao em nghĩ được vậy?", anh ngoái lại. Tôi đáp: "Nuối tiếc từ năm 1995 đến nay, chắc ai cũng nghĩ như em thôi, còn cách nào đâu anh".

Hơn 15 năm trước, khi nói câu ấy, tôi tin rằng các nhà quản trị của bóng đá Việt Nam, từ cấp Tổng cục cho đến VFF, hẳn đều biết đến nguyên lý đơn giản ấy. Chúng ta đã quá đủ đắng cay để nhận ra kia mà. Trước 2003, lứa cầu thủ thế hệ vàng của SEA Games 1995 đá đến ba trận chung kết, toàn thua. Ở SEA Games 2001, đến lượt lứa U23 không qua nổi vòng đấu bảng. SEA Games 2003 là cơ hội lớn nhất khi chúng ta được chơi bóng ngay trên sân nhà, có một thế hệ cực kỳ tài năng vốn được tạo dựng từ thành tích hạng tư ở giải vô địch U16 châu Á năm 2000. Nhưng, ta vẫn thua Thái Lan.

Thứ tư duy phát triển bóng đá - mà sau này được huấn luyện viên Alfred Riedl đúc kết là "xây nhà từ nóc" ấy - đã làm những nhà điều hành môn này rơi vào trạng thái cùng quẫn. Năm 2001, họ "ném" đội U23 cho một ông thầy người Brazil trẻ tuổi tên Dido. Năm 2002, họ sa thải huấn luyện viên người Pháp Letard, rồi "khoán" đội tuyển cho Henrique Calisto, người khi đó chẳng ai biết tới, đang làm đội hạng nhất Long An. Đến năm 2003, họ mừng như bắt được vàng khi người cũ Alfred Riedl nhận lời trở lại dẫn dắt U23.

Có mấy năm, họ thấp thỏm như kẻ lỡ chợ chiều, vội vội vàng vàng kiếm đồ tươi xanh về cho bữa cơm nhà. "Chiến lược" của họ là tìm cho ra một chuyên gia nước ngoài có "duyên" để cố gắng hoặc là có chiến thắng ở Đông Nam Á, hoặc là thắng Thái Lan cũng được. Cú đấm trời giáng ở Mỹ Đình năm 2003 chưa đủ để công phá căn bệnh thành tích của những người làm bóng đá Việt Nam.

Hôm rồi, sau trận bán kết, bạn tôi - vốn ít quan tâm đến bóng đá nội, thắc mắc: "Sao có chuyện lao ra đường đi bão khi thắng Campuchia?". Tôi giải thích ngắn gọn, đại ý người ta vui không phải vì thắng Campuchia, mà bởi chúng ta vào trận chung kết SEA Games. CĐV ăn mừng vì ta có cơ hội lần nữa để đoạt huy chương vàng, bất kể giá trị của chiếc huy chương ấy hiện nay còn nhiều hay ít. Nhất định phải có "vàng". Huấn luyện viên Park Hang-seo cũng nói: "Người Việt Nam rất đam mê bóng đá, nhưng đó là thứ bóng đá chiến thắng".

Tôi không thấy buồn cười khi người hâm mộ đi bão vì thắng Campuchia. Đấy là câu chuyện của cảm xúc được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể. Các cổ động viên hiện vẫn đang định lượng "thành công" của nền bóng đá trên từng chiến thắng của đội tuyển dưới thời thầy Park. Đơn giản vì chúng ta chẳng có một nền tảng cụ thể nào để đánh giá thắng đội nào thì xứng đáng "đi bão", đội nào không. Chúng ta chưa chắc chắn về trình độ, đẳng cấp thực sự của mình.

Thật tuyệt vời khi chúng ta có Park Hang-seo, một bếp trưởng đại tài, người có thừa tâm huyết và sự khôn ngoan để chiêu đãi công chúng những món ngon hết lần này sang lần khác. Cổ động viên bóng đá Việt Nam, vì thế đặt niềm tin mãnh liệt vào các đội bóng của ông, sẵn sàng bỏ qua kể cả khi người thầy mắc sai lầm về chiến thuật, cầu thủ của ông có sơ suất cá nhân. Thầy Park như người kể chuyện quyến rũ, khiến công chúng say sưa thưởng thức các thiên cổ tích, ngày này sang ngày khác. Và ông hứa hẹn đang còn vô số câu chuyện hấp dẫn ở vòng loại World Cup, ở U23 châu Á.

Nhưng con đường thành công của bóng đá Việt Nam trong hai năm qua dường như chỉ là câu chuyện riêng của ông Park Hang-seo và những người yêu bóng đá Việt, còn thiếu bóng dáng của nhà quản lý hay những thành tố quan trọng khác của nền bóng đá.

Chiếc huy chương vàng SEA Games thêm một lần khẳng định chất lượng của thế hệ tuyển thủ này và tài năng của cá nhân huấn luyện viên Park Hang-seo. Nhưng những niềm vui đong theo từng chiến thắng cho thấy dường như cổ động viên chưa có cách cảm nhận chính xác vị thế hiện tại của nền bóng đá. Hay nói cách khác, chẳng mấy ai có thể xác định được tầm vóc hiện tại của nền bóng đá Việt Nam đang ở đâu, đã vượt qua trình độ Đông nam Á chưa, đã tiếp cận được với đẳng cấp châu Á ở mức nào. Liệu hôm nay, ta quá vui khi thắng các trận đấu tại SEA Games ở lứa tuổi U22 thì một ngày tới đây, ta có đủ bình tĩnh để chia sẻ với ông Park và các học trò nếu để thua trước những đội bóng hàng đầu châu Á?

Thế nên, khi niềm vui sướng của chiến thắng hôm nay vơi đi, sẽ tới phần việc của những nhà quản lý. Chúng ta không đươc lặp lại sai lầm quá khứ, dồn hết sức để tìm một chiến thắng trước Thái Lan, đoạt huy chương vàng mà bỏ qua cơ hội xây dựng phẩm chất chiến thắng từ nội tại nền bóng đá đã được tưới đẫm đam mê bằng các câu chuyện của thầy Park.

Việt Tâm

Đỗ Hùng Dũng và bàn thắng dành tặng tình yêu ngọt ngào
Xúc động hình ảnh U22 Việt Nam giành HCV lịch sử
Huấn luyện viên Park Hang-seo nhận thẻ đỏ vì lỗi gì?
Đầu gối đầy máu, Văn Hậu vẫn chơi tận hiến, ghi 2 bàn hạ U22 Indonesia
Khắp Việt Nam rợp bóng cờ mừng chiến thắng
Đè bẹp U22 Indonesia, U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30
Loay hoay với bom nợ tỷ USD, bầu Đức vẫn nuôi giấc mơ vàng cho bóng đá Việt

 

/ vnexpress.net