Tưởng Giới Thạch là một nhân vật lịch sử khét tiếng ở Trung Quốc thế kỷ 20 và từng điều 18 vạn quân sang Việt Nam giải giáp quân Nhật kèm theo âm mưu "diệt Cộng cầm Hồ". Tuy nhiên ít người biết là họ Tưởng từng chịu ơn cứu mạng của một người Việt Nam. Người đó là Hồ Học Lãm, một người đã sang Nhật học theo phong trào Đông Du và đã quen biết với Tưởng từ thời đó.
Theo cuốn sách Bác Hồ ở Quảng Tây do Nxb Công an nhân dân ấn hành, ông Hồ Học Lãm (1884-1943) người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An. Bác ruột ông – cụ Hồ Bá Ôn và cha ông – cụ Hồ Bá Trị là những tướng lĩnh của Phan Đình Phùng đều đã hi sinh anh dũng trước mũi súng giặc Pháp xâm lược.
Theo tiếng gọi Đông Du, cụ bà Trần Thị Trâm – mẹ ông, đã tiễn con đến Hải Ninh, biên giới Việt Trung để đi Quảng Châu. Trước khi chia tay con, bà xé chiếc khăn tang đang đội trên đầu làm hai mảnh, một mảnh đội trên đầu con và dặn: "Bao giờ đất nước không còn giặc thì hãy về trông mẹ! Ý cụ nói với con trai: 'Hãy ghi nhớ mối thù nhà, đền nợ nước' ".
Hồ Học Lãm từng có ơn cứu mạng đối với Tưởng Giới Thạch.
Trong cuốn hồi ký Hồi tưởng về cha tôi – Hồ Học Lãm, bà Hồ Mộ La kể rằng khoảng năm 1906 - 1907, ông Hồ Học Lãm cùng một số người được cụ Phan Bội Châu đưa sang Nhật học theo phong trào Đông Du. Ở Nhật Bản, được hoàng thân nhà Nguyễn là ông Nguyễn Cường Để giúp đỡ, đoàn lưu học sinh được sắp xếp vào học trường võ bị Chấn Vũ.
Đầu năm 1907, đoàn lưu học sinh Việt Nam bắt đầu học cấp tốc tiếng Nhật 3 tháng, sau đó vừa học tiếng vừa học lý thuyết quân sự cũng như cách sử dụng súng các loại.
Khoảng đầu năm 1908, Tưởng Giới Thạch cũng vào học trường Chấn Vũ và làm quen với một số lưu học sinh Việt Nam, trong đó chơi thân với ông Hồ Học Lãm.
Bà Hồ Mộ La viết trong hồi ký rằng ông Hồ Học Lãm từng kể về người bạn Trung Quốc này và vụ anh ta nhờ mình viết hộ luận văn như sau: “Tưởng Giới Thạch khôi ngô, tuấn tú, thông minh. Thực ra anh ta là thân tín của Trần Kỳ Mỹ, một trong những lãnh tụ trong Đồng Minh Hội của Tôn Trung Sơn… Có lần, anh ta nhờ mình viết luận văn trả bài thi. Không hiểu hắn bận chơi hay bận hoạt động chính trị, thường xuyên vắng mặt ở lớp. Mình học có giỏi giang gì đâu, chẳng qua dân xứ Nghệ quen học gạo, cho nên có kết quả học tập trội hơn một tý…”.
Năm 1908, do thực dân Pháp gây áp lực, Chính phủ Nhật trục xuất lưu học sinh Việt Nam. Ông Hồ Học Lãm theo cụ Phan Bội Châu sang Trung Quốc . Nhờ Tưởng Giới Thạch giới thiệu, ông tiếp tục vào học trường quân sự “Thông quốc lục quân tốc thành học đường” – tiền thân của trường sĩ quan lục quân Bảo Định sau này.
Trong thời gian học tại Bảo Định, ông Hồ Học Lãm chơi thân thiết với một số người như Bạch Sùng Hy, Lý Tế Thâm. Những người này sau đó đều là tướng tá nổi tiếng của Quốc Dân Đảng Trung Quốc.
Tháng 11/1911, khởi nghĩa Vũ Xương rồi cách mạng Tân Hợi thắng lợi, Tưởng Giới Thạch từ Nhật về Trung Quốc hoạt động ở tỉnh Chiết Giang. Tưởng đã viết thư cho Hồ Học Lãm rủ về Chiết Giang tham gia hoạt động cùng. Nhận thư Tưởng, ông Hồ Học Lãm có viết thư hỏi cụ Phan Bội Châu thì được cụ ủng hộ với đại ý: “Cách mạng của ông Tôn Trung Sơn không thành công thì công cuộc cứu nước của mình sẽ khó khăn. Trong lúc chờ thời cơ và rèn luyện qua thực tiễn, cứ tham gia Trung Hoa cách mạng quân”.
Chính trong thời gian này, ông Hồ Học Lãm đã có ân tình với Tưởng Giới Thạch. Theo Hồi ký “Hồi tưởng về cha tôi Hồ Học Lãm” của bà Hồ Mộ La: “Sau khi giải phóng Hàng Châu và Thượng Hải, Tưởng và cha tôi tiếp tục cầm quân chiến đấu. Trong một trận đánh bọn quân phiệt Mãn Thanh, Tưởng bị vây hãm nguy khốn, song cha tôi đã kịp thời đem quân đến giải vây, do đó Tưởng càng tỏ ra quý mến cha tôi hơn”.
Cuốn sách Bác Hồ ở Quảng Tây cũng nói chi tiết này: “Trong chiến tranh Bắc phạt, ông có lần chỉ huy một trung đoàn giải vây cho trung đoàn của Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch thoát chết và chịu ơn cứu mạng của Hồ Học Lãm. Sau này khi Tưởng Giới Thạch đã nắm quyền bèn điều Hồ Học Lãm về Tổng hành dinh của quân đội Quốc Dân Đảng Trung Quốc ở Nam Kinh”.
Ông Hồ Học Lãm đã công tác ở trong Bộ Tổng tham mưu của Tưởng Giới Thạch cho đến khi nghỉ hưu. Ông là một trong số ít các sĩ quan người nước ngoài trong quân đội Tưởng. Năm 1943 ông mất tại Quế Lâm vì ốm bệnh.
Mặc dù chỉ mang quân hàm Trung tá, ông được đồng nghiệp trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Tưởng kính trọng vì lối sống hòa nhã, đôn hậu và một phần là vì ông là ân nhân của Tưởng Giới Thạch và là bạn học với các sĩ quan cấp cao như Bạch Sùng Hy, Lý Tế Thâm.
Gia đình ông Hồ Học Lãm là một cơ sở tin cậy của những thanh niên yêu nước Việt Nam sang Trung Quốc hoạt động cách mạng. Với đồng lương ít ỏi, ông bà Hồ Học Lãm vẫn cố gắng nuôi các thanh niên yêu nước Việt Nam đồng thời cũng rất tích cực tham gia các hoạt động cách mạng khi có yêu cầu.
Ông Hồ Học Lãm có vợ là bà Ngô Khôn Duy và 2 người con gái là Hồ Diệc Lan và Hồ Mộ La. Bà Hồ Diệc Lan lấy Thiếu tướng Lê Thiết Hùng nhưng vì bệnh hiểm nghèo nên cũng mất từ năm 1947 khi mới 27 tuổi. Bà Hồ Mộ La có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ nên khi về nước sau Cách mạng tháng Tám được cho đi học nhạc, sau này bà là giảng viên của trường nhạc ở Hà Nội.
Tưởng Giới Thạch đã dụng binh “cưa đổ” người đẹp như thế nào? Ít ai biết rằng, để cưới được Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch đã phải kiên trì suốt 5 năm với nhiều "độc chiêu" mới chinh ... |
Vì sao Tưởng Giới Thạch 3 lần tìm cách phá mộ tổ Mao Trạch Đông? Sau 3 lần tay chân của Tưởng Giới Thạch tìm cách phá hoại mộ tổ của Mao Trạch Đông, Quốc Dân Đảng liên tiếp thất ... |