Kết cục của trận chiến Quan Độ thì ai cũng biết. Nhưng nguyên nhân của nó thì chưa từng được giải mã rõ ràng.
Hứa Du đầu Tào
Nghe theo Tuân Úc và Giả Hủ, Tào Tháo quyết định dùng chước hiểm để truy cầu một thắng lợi mang tính quyết định. Cơ hội đã đến khi Hứa Du phản Viên đầu Tào, cho biết đoàn xe vận lương của Viên quân đang trú tại Ô Sào, cách phía bắc doanh trại Viên Thiệu bốn mươi dặm (khoảng 20km). Thiêu hủy được đoàn xe này đồng nghĩa với việc triệt bỏ lương thực của mười vạn Viên quân, một trăm ngàn người không có gì ăn chắc chắn sẽ tự rối loạn, tan vỡ mà chẳng cần tốn sức. Quả là một cơ hội rất có sức hấp dẫn!
Nhưng, cơ hội lớn thì hiểm nguy cũng lớn. Nếu nhỡ Hứa Du là một con bài phản gián của Viên Thiệu, thông tin là bịa đặt, vậy thì hành động xuất quân cướp lương của Tào Tháo sẽ là tự đưa đầu vào ổ mai phục. Vì vậy mà “tả hữu đều ngờ vực”. Chỉ có Tuân Du và Giả Hủ là khuyên Tào Tháo xuất quân.
“Nghe Hứa Du đến, Tào Tháo mừng quá không kịp đi giày, thụp xuống bái lạy”
Thắng thì thắng cả bàn mà thua thì cũng thua hết vốn. Dẫu sao thì Tào Tháo cũng đã quyết định, và quyết định đúng. Trước trận Quan Độ, Tào Tháo đã từng rất tự tin mà nói về Viên Thiệu: “hay đố kỵ người mà thiếu uy, quân đông mà tổ chức chỉ huy chẳng rõ ràng, tướng kiêu căng mà chính lệnh bất nhất”. Khả năng mất đoàn kết trong nội bộ Viên Thiệulà rất lớn, vậy thì có thể tin tưởng Hứa Du. Cho nên, xuất binh Ô Sào tuy có phần mạo hiểm, nhưng cũng là kết quả của việc Tào Tháo và bộ tham mưu đã tìm hiểu kỹ tính cách, nhân sự, quy luật của đối phương.
Lửa thiêu Ô Sào
Người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa(TQDN) khi đọc đến đoạn lửa thiêu Ô Sào thường có mấy thắc mắc: Tại sao Ô Sào thất thủ dễ dàng thế?
Theo TQDN, mấu chốt nằm ở chỗ Thuần Vu Quỳnh say rượu lơi lỏng, bị quân Tào giả dạng quân Tưởng Kỳ trà trộn vào doanh tập kích bất ngờ.
Tuy nhiên theo Tam Quốc Chí (TQC), Thuần Vu Quỳnh đã phát hiện ra quân Tào từ xa và bày trận ứng chiến. Quân số thật sự của Quỳnh là “hơn vạn binh” [1], đấu với “năm ngàn bộ kỵ” của Tào Tháo. Lại thêm quân kỵ của Viên Thiệu đến cứu viện nữa, vậy mà vẫn bị Tào Tháo đánh bại.
Không có yếu tố bất ngờ, thì lấy năm ngàn quân tấn công một cứ điểm phòng thủ (doanh trại) đông hơn gấp đôi, quả là chuyện hiếm có. Huống hồ lại hoàn thành được trong thời gian ngắn, trong bối cảnh đại doanh Viên Thiệu chỉ cách Ô Sào có 20km (kỵ binh hoàn toàn có thể đến trong vòng một giờ). Nghe rất vô lý.
Chỉ có một cách giải thích, đó là quân số của Tào Tháo đông hơn rất nhiều con số năm ngàn. Như đã nói ở kỳ trước, chủ lực Tào quân không thể dưới bốn vạn, nếu như Tào Tháo mạo hiểm, có thể dốc hết ba vạn ra đánh, chỉ để lại gần một vạn giữ trại. Mấu chốt ở chỗ là kịp đốt hết lương thảo ở Ô Sào trước khi Viên quân đánh sập trại Tào. Và Tào Tháo đã làm được điều này.
Ô Sào có lẽ là nơi chứa lương thảo cuối cùng, mà nếu mất đi đồng nghĩa với việc Viên quân diệt vong.
Vậy tại sao Ô Sào cháy lương thì Viên quân cũng tan vỡ? Không lẽ họ không còn lương thực dự trữ? Có lẽ đúng là như vậy. Vì Ô Sào chỉ là đòn tấn công sau cùng. Trước đó, TQC – Tuân Du truyện cho hay, lương thực của Viên Thiệu cũng đã từng bị cướp phá nhiều lần. Toàn bộ đoàn xe lương của tướng Hàn Tuân Thái đã bị Từ Hoảng cùng Sử Hoán thiêu hủy ở Cố Thị. TQC – Tào Nhân truyện cũng kể rằng Tào Nhân nhiều lần đánh phá thiêu hủy lương thảo Viên quân. Ô Sào có lẽ là nơi chứa lương thảo cuối cùng, mà nếu mất đi đồng nghĩa với việc Viên quân diệt vong.
Tào Tháo mạo hiểm tấn công Ô Sào
“Thập bại luận” của Viên Thiệu
Mất lương Ô Sào, Viên quân tan vỡ, Viên Thiệu bỏ chạy về phương bắc, bại vong. Chiến dịch Quan Độ với vô số những khúc mắc cũng dần được giải mã. Câu hỏi lớn cuối cùng, là vì sao Viên Thiệu - với rất nhiều lợi thế vượt trội - lại thất bại?
Có nhiều người đã dự đoán được thất bại này thông qua đánh giá tính cách và con người Viên Thiệu. Quách Gia có “thập thắng luận” để nói cái lẽ tất thắng của Tào Tháo: ấy là thắng về đạo, nghĩa, trị, độ, mưu, đức, nhân, minh, văn, võ. Giả Hủ có “tứ thắng luận”: thắng về minh, dũng, dụng nhân và quyết cơ. Tuân Úc cũng có “tứ thắng luận” của mình: thắng về độ, mưu, võ, đức. Mấy lời ấy đều hết sức chính xác, tuy nhiên đều lấy Tào Tháo để làm chuẩn so sánh với Viên Thiệu. Ở đây, người viết mạo muội đưa ra “thập bại luận”, mười nguyên nhân dẫn đến thất bại của Viên Thiệu theo trình tự thời gian:
1 – Ban đầu: từ chối đề nghị đón thiên tử của Quách Đồ, để mất ưu thế về chính trị, ấy là bại về phương lược định thiên hạ.
2 – Khi chiếm cứ bốn châu: cho con và cháu cai quản lãnh thổ thay vì những thuộc hạ tài năng. Cao Cán không thể phối hợp tác chiến ở chiến tuyến phía tây; Viên Đàm bị Tang Bá uy hiếp ở chiến trường phía đông là hai ví dụ điển hình.Đó là bại về sách lược dùng người.
3 –Trước chiến dịch: bỏ qua nhiều cơ hội khi Tào Tháo đang bận bịu đánh nhau với Trương Tú, Lưu Bị… Đó là bại về tận dụng cơ hội.
4 – Hoạt động tiền chiến dịch: Không phát huy ưu thế về quân số để tạo chiến tuyến dài đông – tây nhằm tiêu hao Tào quân, mà lại tụ ở một điểm giằng co. Đó là bại về đường lối tác chiến.
5 – Đầu chiến dịch: để cho Nhan Lương, Văn Xú đơn độc bị diệt, sau này lại không kịp cứu viện Thuần Vu Quỳnh. Đó là bại về phối hợp tác chiến.
6 - Đầu chiến dịch: Văn Xú thua ở Diên Tân là do quân kỷ không nghiêm, binh sĩ thấy lợi mờ mắt, kỷ luật thấp kém. Đó là bại về huấn luyện quân đội.
7 - Đầu chiến dịch: Điền Phong bị nghi kỵ,Thư Thụ bị hạn chế quyền lực, phải chia quyền cho Quách Đồ, Thuần Vu Quỳnh, dẫn đến chính lệnh không thống nhất. Đến nỗi mưu sĩ hàng đầu là Hứa Du cũng phản bội. Đó là bại về quản lý nhân sự.
8 – Giữa chiến dịch: không nghe lời của Thư Thụ để tận dụng ưu thế (“Quân bắc dẫu đông nhưng không khỏe mạnh bằng quân nam; nhưng quân nam lương thiếu ít mà đồ dùng lại không bằng quân bắc; quân nam lợi ở đánh nhanh, quân bắc lợi ở đánh lâu. Nên thong thả chờ đợi để ngày tháng dây dưa”). Trái lại còn dốc vốn đánh mạnh. Đó là bại về phân tích tình thế.
9 –Giữa chiến dịch: lôi kéo Trương Tú, Lý Thông thất bại, đều là do danh tiếng Viên Thiệu quá tệ, dù mạnh nhưng ai cũng đánh giá thấp. Đó là bại về thu mua lòng người.
10 – Cuối chiến dịch: Ô Sào rất gần đại doanh nhưng cũng không kịp cứu viện. Không nghe lời của Thư Thụ là sai thêm Tưởng Kỳ đi theo để bảo vệ xe lương. Đó là bại về khả năng quân sự cơ bản.
Có mười điều bại như thế, Viên Thiệu có thể nào không thua trước Tào Tháo đây?
Giải mã Tam quốc: Những biến cố ngoài chiến trường Quan Độ Quan Độ là trận đại chiến mang tính chất quyết định vận mệnh thiên hạ, cho nên chiến trường không chỉ nằm ở mỗi Quan ... |
Tam quốc diễn nghĩa: Bát trận đồ của Khổng Minh lợi hại tới đâu? Bát trận đồ vốn không phải là sáng chế của riêng Gia Cát Lượng. Từ thời cổ đại, người ta đã biết bày binh bố ... |