Ngày 9/2, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được thực hiện trực tuyến tại nhiều điểm cầu trên cả nước. Trong đó, vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông ở hai thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đáng chú ý hơn cả.
Tại Hội nghị tổng kết, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2022, các lực lượng chức năng của TP đã kiểm tra, xử lý hơn 341.500 trường hợp, phạt tiền 304 tỷ đồng, tạm giữ 24.133 phương tiện, tước giấy phép lái xe 25.191 trường hợp; tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 115 xe ôtô tải.
Về TNGT, ông Thường cho biết, năm 2022 trên địa bàn TP xảy ra 812 vụ TNGT, làm 410 người chết, 574 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2021, giảm 15 vụ (giảm 1,81%), tăng 60 người chết (tăng 17,14%), tăng 27 người bị thương (tăng 4,94%). Tuy nhiên, so với năm 2019 (thời kỳ trước khi dịch bệnh COVID-19), TNGT giảm sâu cả 03 tiêu chí, giảm 460 vụ (giảm 36,16%), giảm 97 người chết (giảm 19,13%), giảm 273 người bị thương (giảm 32,23%).
Theo ông Thường, năm 2023, Hà Nội sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% trên cả 3 tiêu chí; tập trung giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút, xử lý kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Cùng với đó, đề nghị các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, hình thành văn hóa, thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe” của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam sớm hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô làm cơ sở xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, góp phần đảm bảo TTATGT.
Sau khi nghe báo cáo từ Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhắc: "Tôi đi qua các ngã tư thấy hiện tượng xe máy đi ngược chiều nhiều, cùng đó là tình trạng vượt đèn đỏ. Làm thế nào để kiểm soát được việc này và xử lý nghiêm? Tôi mong Công an, Sở GTVT và TP Hà Nội có biện pháp giải quyết để ngăn ngừa tình trạng này, góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn”.
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh thông tin, trong năm 2022, tình trạng ùn tắc giao thông có chiều hướng tăng trở lại. Một số tuyến đường ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái có mức phục vụ rất cao như đường Cộng Hòa, nút giao Mỹ Thuỷ, cầu Phú Mỹ… Các tuyến đường cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh trở nên quá tải vào giờ cao điểm và vào các ngày cuối tuần như Quốc lộ 1, cao tốc Hồ Chí Minh-Trung Lương… khu vực trung tâm thành phố phát sinh thêm tình trạng ùn tắc trong khung giờ 9-10h30 (là khoảng giờ giao thoa giữa dòng phương tiện tham gia giao thông và dòng phương tiện ôtô vận tải hàng hoá từ các cửa ngõ đổ vào trung tâm thành phố).
Lưu lượng phương tiện trung bình trên một số tuyến đường trục chính tăng so với thời điểm đầu năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng; công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu; chưa có các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; chưa áp dụng thực tế các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn còn xảy ra nhiều nơi; ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao; công tác xử phạt vi phạm qua hình ảnh đã được sử dụng nhưng chưa được mở rộng áp dụng tự động nên chưa tạo được tính răn đe đối với người tham gia giao thông;...
Về giải pháp khắc phục, ông Lợi cho biết thời gian tới sẽ tập trung vào 2 nhóm chính: Tập trung triển khai Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030 (ưu tiên khép kín Vành đai 2, mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 50, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Tất Thành, cầu Thủ Thiêm 3, cầu đường Nguyễn Khoái, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường Nguyễn Duy Trinh, đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa kết nối với nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất,…); ưu tiên đầu tư các công trình vừa chống ngập vừa xây dựng mở rộng đường giao thông để kéo giảm ùn tắc giao thông và hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch. Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong đó, sớm triển khai dự án thu phí xe ôtô lưu thông vào khu vực nội đô thành phố, phân vùng kiểm soát xe máy...
Thông tin thêm tới Hội nghị về vấn đề xử lý vi phạm giao thông, Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, năm 2023, lực lượng CSGT xác định tiếp tục xử lý quyết liệt nồng độ cồn, hình thành thói quen đã uống rượu bia không lái xe, chấn chỉnh người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo thượng tôn pháp luật…
“Hiện nay, cơ quan Công an tập trung đẩy mạnh dịch vụ công, ứng dụng công nghệ thông tin để người dân có thể nộp phạt xử lý vi phạm hay đăng ký xe tại nhà tránh ùn tắc và TNGT; nghiên cứu phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng…”, Thượng tá Huy thông tin.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố dành nguồn lực quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm ATGT.
Tổ 171 góp phần kéo giảm tội phạm và tai nạn giao thông
Công an tỉnh Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả hoạt động Tổ tuần tra đặc biệt (Tổ 171) Công an tỉnh Bình Dương sau 3 tháng đi vào hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 23 Tổ 171, trong đó có 5 tổ cấp tỉnh và 18 tổ cấp huyện.
Qua 3 tháng đi vào hoạt động (từ 31/10/2022 đến 31/1/2023), Tổ 171 các cấp đã tổ chức hơn 1.400 ca tuần tra với gần 14.500 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, đã kiểm tra 16.545 phương tiện, lập biên bản xử lý hơn 7.000 trường hợp vi phạm; phát hiện 76 vụ vi phạm về trật tự xã hội với 245 đối tượng; 40 vụ (70 đối tượng) vi phạm về ma túy, 2 vụ vi phạm kinh tế… Các tổ 171 đã phát hiện và giải tán 56 nhóm với 295 đối tượng tụ tập ăn uống về đêm gây mất an ninh trật tự… Từ hiệu quả của Tổ 171 mà tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; toàn tỉnh xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông, giảm 21 vụ so với liền kề.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Bình Dương, tội phạm đường phố nổi lên ở Bình Dương hiện nay là các hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ và mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Địa bàn hoạt động tập trung tại các khu công nghiệp, khu vực có nhiều dân nhập cư và tại các vùng giáp ranh, cửa ngõ trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên thông qua các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, DDT741… Từ khi triển khai hoạt động lực lượng 171, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bình Dương chuyển biến rõ rệt, tội phạm có xu hướng giảm. Cụ thể trong 3 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 125 vụ phạm pháp hình sự, giảm hơn 54% so với 3 tháng liền kề. Các loại tội phạm giảm sâu gồm trộm cắp tài sản giảm 90 vụ, cướp giật tài sản giảm 15 vụ, cố ý gây thương tích giảm 20 vụ… “Các Tổ 171 đã chủ động nắm bắt các tuyến, địa bàn phức tạp, thu thập thông tin về tội phạm, vi phạm pháp luật, để tổ chức tuần tra kiểm soát, tuần tra vũ trang có trọng tâm, trọng điểm nên đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm”- Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đề nghị các Tổ 171 tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát phòng, chống các loại tội phạm, tập trung xử lý kịp thời các loại tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm ma túy, tội phạm về lĩnh vực kinh tế, môi trường, tội phạm tàng trữ vũ khí quân dụng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… và khắc phục khó khăn, hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
https://cand.com.vn/Giao-thong/giai-quyet-un-tac-va-tai-nan-giao-thong-o-hai-thanh-pho-lon-i683069/