Đảng ủy, Ban chủ nhiệm khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) đồng ý chấm dứt hợp đồng với ông Nguyễn Hùng Cường do không hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 3/10, Phó chủ nhiệm khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) Trịnh Tiến Việt thông tin khoa đã ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Nguyễn Hùng Cường, giảng viên Bộ môn Luật Quốc tế, với lý do thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
Thông báo dựa theo Bộ luật lao động năm 2012 và kết quả tại cuộc họp Đảng ủy, Ban chủ nhiệm khoa Luật mở rộng ngày 14/9. Theo biểu quyết, 100% số phiếu tán thành việc chấm dứt hợp đồng với ông Nguyễn Hùng Cường.
Ảnh: FB/Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Trước đó từ cuối tháng 5, thông qua trang mạng xã hội, nhiều sinh viên khoa Luật phản ánh việc ông Nguyễn Hùng Cường thường xuyên mời gặp riêng sinh viên, rủ đi ăn, xem phim với những tin nhắn khiến nữ sinh cảm thấy bị quấy rối.
Ông Cường bị tố cáo không công bằng trong chấm thi, trù dập người học. Các sinh viên và cựu sinh viên khoa Luật đã gửi đơn kiến nghị với hơn 5.300 chữ ký lên khoa Luật yêu cầu xác minh thông tin về hành vi của ông Cường và khoa Luật đã lập tổ công tác xác minh.
Theo kết quả được công bố vào hồi giữa tháng 8, khoa Luật xác định có cơ sở cho thấy ông Cường chủ động nhắn tin với các nữ sinh trong khoa với nội dung thể hiện cách ứng xử chưa đúng mực trong quan hệ giữa nhà giáo và người học. Những trao đổi trên mạng xã hội của ông Cường và người học gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới hình ảnh, uy tín, lợi ích của khoa.
Khoa cũng chỉ ra ông Cường không công bằng trong việc chấm điểm, một số lần lên lớp muộn từ 15 đến 120 phút làm ảnh ảnh giờ học, vi phạm quy định về vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong quy chế đào tạo đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội, vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động. 1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây: a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động; c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này. |
Sinh viên chụp lén cô giáo dạy Triết học trên lớp vì xinh đẹp Nữ giảng viên dạy môn Triết học tại ĐH Công nghiệp Hà Nội được nhiều người tìm kiếm sau khi các bức ảnh chụp cô ... |
Chấm dứt hợp đồng với giảng viên khoa Luật bị tố quấy rối nữ sinh Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đơn phương chấm dứt hợp đồng với giảng viên Nguyễn Hùng Cường vì lý do thường xuyên ... |