Sau nhiều “điều tiếng”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang từng bước “đi vào khuôn khổ”, đặc biệt là khi Dự án 1 luật sửa 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán, đang được trình Quốc hội để thông qua trong kỳ họp thứ 8.

Doanh nghiệp “tấp nập” đàm phán giãn nợ

Bên cạnh việc phát hành chậm, câu chuyện chậm trả nợ TPDN đến hạn vẫn đang là điểm nóng trên thị trường TPDN. Báo cáo thị trường trái phiếu của VNDirect vừa công bố cho thấy, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong quý III/2024. Tính đến ngày 15/10, có hơn 100 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX.

Gỡ điểm nghẽn, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp -0
Ảnh minh họa.

Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 156.000 tỷ đồng. Trong đó tổng giá trị trái phiếu có thời gian đáo hạn trong năm 2024 đã được gia hạn là hơn 58.700 tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng giá trị TPDN đã được gia hạn kỳ hạn. Phần lớn lượng trái phiếu có thời gian đáo hạn trong năm 2024 đã được gia hạn này là của các DN thuộc nhóm bất động sản. Những tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn với lượng trái phiếu có giá trị lớn trong quý III bao gồm: Công ty TNHH Điện gió Hòa Đông 2, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI, CTCP Đầu tư và Xây dựng Đại Thịnh Phát…

Danh sách các công ty chậm thanh toán nợ TPDN vẫn gia tăng. Tính đến ngày 15/10/2024, có hơn 80 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN, theo thông báo của HNX. Số tiền nợ gốc đến hạn trong quý III/2024 của các tổ chức phát hành chậm thanh toán là khoảng hơn 8.600 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng giá trị đáo hạn trong quý III/2024, và chiếm 30,6% tổng giá trị đáo hạn quý III (đã loại trừ nhóm ngân hàng).

Tổng số tiền nợ gốc đến hạn trong quý III/2024 của các tổ chức phát hành chậm thanh toán và giá trị trái phiếu có thời gian đáo hạn trong quý III đã được gia hạn kỳ hạn là khoảng hơn 21.700 tỷ đồng, chiếm 42,1% tổng giá trị đáo hạn trong quý III và chiếm 52,5% tổng giá trị đáo hạn trong quý III khi loại trừ nhóm ngân hàng. Theo ước tính của VNDirect, tổng dư nợ TPDN riêng lẻ của hơn 80 DN này là 190.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,6% dư nợ TPDN lẻ toàn thị trường, phần lớn là các DN thuộc nhóm bất động sản.

Tuy nhiên, một tín hiệu sáng đó là phát hành TPDN quý III/2024 đã tăng gần 30% so với quý II/2024, trong đó nhóm ngân hàng chiếm 81% tổng giá trị TPDN riêng lẻ. Nhóm bất động sản chỉ chiếm 14,2% tổng giá trị TPDN riêng lẻ phát hành. Nếu loại trừ nhóm ngân hàng, giá trị TPDN riêng lẻ phát hành quý III giảm 14% so với quý II và giảm 44,4% so với cùng kỳ.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ chất lượng, minh bạch hơn

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường đang mong chờ những thay đổi từ Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó đã bổ sung nhiều quy định theo hướng nâng cao chất lượng của thị trường TPDN.

Đáng chú ý đó là quy định về nhà đầu tư được mua TPDN riêng lẻ: Bên cạnh việc quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ, cũng đã bổ sung thêm một số trường hợp nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia. Tuy nhiên, cá nhân chỉ được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ khi DN phát hành TPDN riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm; và DN phát hành TPDN riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.

Lý giải cho việc bổ sung này, Ban soạn thảo cho biết bản chất TPDN là sản phẩm tài chính mang tính chất trung và dài hạn, có độ rủi ro cao do kỳ hạn trái phiếu tương đối dài, trong khi đó hoạt động kinh doanh của DN có thể gặp các yếu tố không thuận lợi, khó có thể dự đoán được trong tương lai. Do đó, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong tương lai. Chính vì thế, theo thông lệ chung tại các nước, chỉ có số lượng nhỏ “nhà đầu tư đáp ứng điều kiện” hay “nhà đầu tư chuyên nghiệp” mới được tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ. Những nhà đầu tư này có năng lực đánh giá, phân tích tình hình DN và chấp nhận rủi ro đối với các khoản đầu tư.

Về thực tiễn, mặc dù cơ quan quản lý đã thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhưng thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc vi phạm quy định về phát hành TPDN riêng lẻ, chẳng hạn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, số lượng nhà đầu tư cá nhân mua, nắm giữ trái phiếu tương đối lớn, trong khi đây là đối tượng nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư, chưa đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu.

“Đối với các nhà đầu tư cá nhân, việc bổ sung quy định này không hạn chế khả năng huy động vốn của các DN trên thị trường này. Các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ thông qua việc đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu, được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có đủ trình độ, kỹ năng đầu tư và được cấp phép, giám sát bởi các cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành. Về phía DN phát hành, phương án này đảm bảo khả năng huy động vốn của các DN trong nền kinh tế, kể cả DN đang trong quá trình tái cơ cấu, năng lực tài chính hạn chế vẫn có thể phát hành TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức để huy động vốn”, Ban soạn thảo lý giải.

Trao đổi về Dự án 1 luật sửa 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, chúng ta giải quyết được "điểm nghẽn của điểm nghẽn". “Đối với nhà đầu tư cá nhân, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán hiện đang quy định theo hướng tôn trọng quyền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi trong hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường TPDN riêng lẻ, khắc phục những hạn chế của thị trường TPDN riêng lẻ trong thời gian qua, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng nâng chất lượng của trái phiếu. Chúng tôi đề xuất các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của DN, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững”, Thứ trưởng Chi phân tích.

 https://cand.com.vn/Thi-truong/go-diem-nghen-minh-bach-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-i748818/

Hà An / CAND