Hà Nội dành 960,87 tỷ cho 13 dự án xây dựng khu tái định cư ở 5 huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín phục vụ thu hồi đất cho dự án đường Vành đai 4.

doa-n-qua-ha-no-i-jpg-8180-1676881833-2428-3607
Hà Nội chi hơn 960 tỷ xây 13 khu tái định cư ở 5 huyện phục vụ công tác thu hồi đất dự án đường Vành đai 4

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia địa phận thành phố Hà Nội) thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Mục tiêu và nhiệm vụ của dự án là thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để có mặt bằng “sạch” trên địa phận thành phố phục vụ triển khai thi công đầu tư tuyến đường Vành đai 4 theo đúng tiến độ và ổn định cuộc sống người dân trong phạm vi giải phóng mặt bằng; giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện dự án.

Phạm vi thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín) của thành phố.

Trong đó, diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 4 và đất hành lang dự trữ đường sắt quốc gia là khoảng 812,07 ha (diện tích trong chỉ giới: khoảng 796,77 ha; diện tích ngoài chỉ giới phục vụ hoàn trả kênh mương nội đồng, hoàn trả hệ thống điện cao thế, vuốt nối đường giao thông hiện hữu... khoảng 15,30 ha).

Diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng các khu tái định cư là khoảng 39,28 ha (tương ứng với 13 khu tái định cư trên địa bàn 5 huyện: Mê Linh; Đan Phượng; Hoài Đức; Thanh Oai; Thường Tín).

Giá trị tổng mức đầu tư: 13.362 tỷ đồng – là vốn đầu tư công, nguồn từ ngân sách Trung ương và địa phương. Trong đó, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 11.252,58 tỷ đồng; di chuyển điện cao thế từ 110kV đến 500kV: 530,02 tỷ đồng; chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư tổng thể: 7,58 tỷ đồng; các chi phí khác liên quan: 611,19 tỷ đồng.

Hà Nội cũng dành 960,87 tỷ đồng cho 13 dự án xây dựng khu tái định cư ở 5 huyện gồm: 3 dự án ở xã Vân Khê, Đại Thịnh và Chu Phan, huyện Mê Linh; 2 dự án ở xã Hạ Mỗ, Hồng Hà, huyện Đan Phượng; 2 dự án tại xã Đức Thượng và Đông La, huyện Hoài Đức; 2 dự án tại xã Cự Khê và Tam Hưng, huyện Thanh Oai; 4 dự án tại xã Khánh Hà, Văn Bình; Hồng Vân và Vân Tảo huyện Thường Tín.

Thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư: từ năm 2022 đến năm 2024. Trong đó, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, thực hiện xong toàn bộ Dự án thành phần 1.1 trong năm 2024.

Quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND các quận, huyện liên quan phải rà soát các số liệu điều tra, khảo sát, chính sách áp dụng, chi phí thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, minh bạch và công bằng giữa tổ chức với các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định hiện hành.

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo công khai, minh bạch; ổn định cuộc sống của người dân, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đất bị thu hồi.

Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quá, không để xảy ra việc tái lấn chiếm quỹ đất đã được thu hồi.

Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân khi triển khai thực hiện dự án; kịp thời xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và những vấn đề phát sinh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...

 

Phú Khánh / An ninh Thủ đô