Hàng loạt đề xuất, giải pháp các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp lữ hành đưa ra mấy ngày qua, tựu trung lại cũng là nhằm hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV), giúp ngành Du lịch Việt Nam khắc phục  những thách thức... 

Nếu đóng cửa toàn bộ các điểm du lịch hay di tích sẽ tác động tiêu cực đến việc thu hút du khách - Tổng GĐ Cty HanoiRedtour nhận định. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Thiệt hại lớn và khó chồng khó

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra làm thiệt hại lớn đến ngành Kinh tế, trong đó tác động trực tiếp, suy giảm mạnh là ngành Du lịch, khi nhiều tour tuyến bị ngừng trệ và hủy, hoạt động vận chuyển giảm từ 30 - 50%...

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trung bình đón khoảng 12.000 lượt khách/ngày, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, chỉ đón khoảng 3.000 khách/ngày, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Huế cũng chịu sự ảnh hưởng nặng nề khi lượng khách sụt giảm đến 70%. Nhiều ý kiến đánh giá rằng, từ kinh nghiệm dịch bệnh SARS 17 năm trước, ngành Du lịch sẽ phải đối mặt với những khó khăn hơn bao giờ hết và chưa có cách khắc phục trong một vài tháng tới.

Bên cạnh đó, việc một loạt các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh buộc phải đóng cửa theo công điện của Bộ VHTTDL lại không nhận được sự đồng thuận từ hầu hết các doanh nghiệp lữ hành. Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Cty HanoiRedtour - nhìn nhận, thực tế cho thấy, nếu đóng cửa toàn bộ các điểm du lịch hay di tích sẽ tác động tiêu cực đến việc thu hút du khách.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Đạt - GĐ AZA Travel cho rằng, việc dừng đón khách tại các khu di tích sẽ khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Ông Đạt cũng chỉ ra rằng, Thái Lan có số người nhiễm nCoV cao nhưng các hoạt động đón du khách tại các điểm du lịch vẫn diễn ra bình thường, không thay đổi khi đã có những biện pháp đối phó, đề phòng.

Ngoài việc Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng đại diện các công ty du lịch lữ hành có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại các điểm di tích, một số đề nghị khác đối với các hãng hàng không là sớm có những hỗ trợ cụ thể trong việc hoàn, hủy vé hoặc lùi thời hạn khởi hành, cũng như cơ quan chức năng có chính sách visa thông thoáng, miễn giảm thuế VAT, giãn nợ ngân hàng…

Khai thác thị trường mới

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam liên tục đề xuất, định hướng cho các doanh nghiệp lữ hành cập nhật tình hình kịp thời, không tuyên truyền phổ biến thông tin không chính thống, tuân thủ hướng dẫn của ngành Y tế trong phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng sẽ triển khai chương trình kích cầu mạnh mẽ trước, trong và sau khi kết thúc dịch.

Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Việt Nam đang mất đi thị trường lớn là Trung Quốc. Vì vậy, ngành Du lịch cần có hướng đi mới, xác định thị trường nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu. Đồng thời có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Australia… Đặc biệt, ông Vũ Thế Bình cũng đưa ra giải pháp, doanh nghiệp lữ hành nhân cơ hội này nên tranh thủ đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng chuyên môn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú sửa sang, hoàn thiện cơ sở vật chất để khi đợt dịch chấm dứt là có thể toàn lực đón và phục vụ du khách.

Thông tin mới nhất từ Tổ chức Du lịch thế giới Liên Hợp Quốc UNWTO, Việt Nam vừa chính thức lọt vào Top 20 quốc gia có sự phát triển du lịch nhanh nhất thế giới trong năm 2019. UNWTO cũng đánh giá, du lịch Việt đang dần khẳng định là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách quốc tế. Lợi thế là một đất nước có đường bờ biển dài và nhiều vòng khí hậu, có nền văn hoá đặc sắc, di sản phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã giúp Việt Nam thu hút nhiều triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng bằng đường hàng không (tăng 15,2%), đường bộ (tăng 20,4%) và đường biển (tăng 22,7%). Đó có lẽ cũng là một phần lý do khiến ông Vũ Thế Bình bày tỏ sự tin tưởng rằng, ngành Du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi, ổn định thị trường sau khi gặp khó bởi dịch cúm.

Và từ cái khó khiến du lịch đang “đóng băng”, Việt Nam cũng có thể coi là cơ hội để nhìn lại chính mình và chuẩn bị cho tương lai, trong việc giới thiệu nhiều sản phẩm mới và đa dạng, xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh trực tiếp và sâu rộng ra ngoài quốc tế cũng như ngày một khẳng định, Việt Nam là một trong những nước tiềm năng, giàu bản sắc của khu vực Châu Á.  

Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam: Tìm hướng đi mới cho ngành du lịch

Chiều 9.12, phiên toàn thể của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2 mang chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực ...

Sân bay Hong Kong ‘thất thủ’, ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?

Đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng, tình hình biểu tình tại Hong Kong không làm ảnh hưởng đáng kể đến lượng khách du ...

Ngành du lịch: Cần 40.000 lao động, chỉ cung cấp được 15.000

Tổng cục Du lịch cho biết mỗi năm, toàn ngành cần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000, ...

MAI CHÂU

/ laodong.vn