Sân bay Điện Biên vừa chính thức được khai thác trở lại. Hàng loạt chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines, VietJet, BamBoo Airway đã được phục hồi. Thế nhưng, sự mới mẻ này dường như chưa thể lấp đầy được bài toán lợi nhuận của thị trường hàng không Việt vào dịp cuối năm.

Bức tranh nhiều gam màu xám

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, sau những "di chứng" từ đại COVID-19, doanh thu của các hãng hàng không có khởi sắc nhưng các chi phí đầu vào tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận tăng không tương xứng và đến nay chưa thể bù lỗ lũy kế để sớm phục hồi tài chính.

Trong cơ cấu đầu vào của vé máy bay, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng rất lớn và mỗi một lần tăng giảm giá sẽ đều tác động đến doanh thu của các hãng hàng không. Đặc biệt, trong thời gian qua, xung đột chính trị Nga-Ukraine, khu vực Trung Đông cũng khiến giá nhiên liệu liên tục biến động và kéo theo những ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có ngành Hàng không.

Hàng không Việt và bài toán lợi nhuận cuối năm -0
Những hành khách trên chuyến bay đầu tiên đến sân bay Điện Biên ngày 2/12/2023.

Trải qua 3 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hãng hàng không vẫn đang đương đầu với những khó khăn về sản lượng và doanh thu chưa phục hồi như trước dịch (thời điểm 2019). Vừa qua, các hãng hàng không cũng đã công bố báo cáo tài chính, dù doanh thu có khởi sắc nhưng lợi nhuận chưa tương xứng và những khoản lỗ vẫn còn nặng nề mà hậu quả từ đại dịch COVID-19. Trong điều kiện đó, giá nhiên liệu tiếp tục "nhảy múa" và vượt ngoài dự báo của theo kế hoạch đề ra của năm nay thì những kế hoạch về doanh thu tài chính sẽ kéo theo sự biến động và điều này làm cho kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh của các hãng bay bị ảnh hưởng rất lớn.

Như vậy, đến thời điểm này có thể nói rằng, dù sản lượng hành khách du lịch theo công bố của Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê có tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, mức tăng này còn thấp xa so với dự kiến. Bởi vậy, bức tranh hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không vẫn khó khăn ở thời điểm hiện tại, thậm chí là nhiều thách thức.

Lý do là giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí khi các biến động đầu vào như giá nhiên liệu, giá dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay, chi phí không lưu không giảm, khung giá trần vé bay vẫn chưa được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh và điều này dẫn đến việc các hãng bay chưa thể đạt được kết quả doanh thu tốt nhất. Ngoài ra, do kinh tế thế giới và trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức, người dân cũng tiết giảm chi phí tiêu dùng dẫn đến việc sản lượng hành khách chưa đạt được như kỳ vọng.

Cùng với đó, thị trường ngoại tệ những năm gần đây cũng biến động không ngừng. Số liệu cho thấy, tỷ giá đã tăng 9% từ 21.900 VND/USD bình quân năm 2015 lên 23.900 VND/USD bình quân năm 2023. Với đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới, biên độ chênh lệch tỷ giá USD/VND trong nước tính ra con số không đáng kể nhưng lại gây áp lực lớn lên giá vé máy bay, đặc biệt đối với giá vé máy bay nội địa được định vị bằng VND và không có phụ thu nhiên liệu. Các hãng hàng không nội địa Việt Nam đã cố gắng tối ưu chi phí trong hoạt động kinh doanh.

Sẽ theo dõi sát sao việc tăng chuyến, tăng giá

Nhắc đến giá vé, ông Bùi Doãn Nề nói, giá vé máy bay phụ thuộc nhiều vào khung giá trần Nhà nước quy định và không được vượt qua "vòng kim cô" này. Giá vé hiện được các hãng bay đưa ra với nhiều dải vé khác nhau và đa dạng nên hành khách có thể lựa chọn phù hợp với túi tiền của mình. Ở thời điểm hiện tại, nước ta đã có 6 hãng hàng không đang khai thác với đủ các mô hình kinh doanh hàng không (dịch vụ đầy đủ và chi phí thấp) và các thành phần kinh tế khác nhau.

Trên thị trường hoàn toàn không có đường bay nào khai thác độc quyền, khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều lựa chọn hãng hàng không. Các nước trên thế giới đều đang đi theo hướng nới lỏng và bỏ các quy định khung giá vé vận tải hàng không. Việc nới nhẹ khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ là cần thiết, nhưng về lâu dài, biện pháp này chưa đủ.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã từng kiến nghị Nhà nước nên thực hiện cơ chế thị trường một cách triệt để hơn, không quy định giá trần cho các dịch vụ vận chuyển hàng không. Trong đại dịch COVID-19, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp các hãng hàng không giảm bớt khó khăn và duy trì hoạt động để sớm phục hồi. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, năm 2023 và dự báo 2024 ngành Hàng không vẫn còn đương đầu với những thách thức rất lớn về giá xăng dầu, tỉ giá, mức độ mở cửa của các thị trường quốc tế trọng điểm.

Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị Nhà nước tiếp tục xem xét các chính sách hỗ trợ ngành hàng không, du lịch trong năm 2024, nhất là các hãng hàng không Việt Nam như điều chỉnh phí, lệ phí, áp dụng thuế môi trường đối với nhiên liệu bay với mức thấp nhất của khung thuế hiện hành là 1.000 đồng/lít, nới lỏng khung giá trần vé máy bay...

Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 87,29% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí của các hãng bay đã tác động đến giá vận tải hàng không.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho thấy, doanh thu đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 67.627 tỷ đồng, tăng trưởng tới 32,3%. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), ước tính VNA có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm nay các hãng mở bán vé Tết từ khá sớm. Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không phải báo cáo về nhu cầu thị trường, kế hoạch khai thác, nhu cầu sử dụng slot (giờ cất, hạ cánh) tại các cảng hàng không sân bay trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Vị này cũng cho biết thêm, nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao, dồn vào ngày bay và khung giờ đẹp, dẫn đến khan vé và giá vé cũng cao hơn. Song giá vé các hãng đưa ra hiện vẫn nằm trong khung giá trần quy định.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, sẽ theo dõi sát sao và yêu cầu các hãng bay cung cấp số liệu khách hàng booking. Khi lượng khách đạt 70% thì Cục yêu cầu các hãng nghiên cứu đề xuất tăng chuyến để khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Khi chuyến tăng thêm, nguồn cung tăng thì giá vé cũng sẽ phải điều chỉnh theo thị trường.  

https://cand.com.vn/doanh-nghiep/hang-khong-viet-va-bai-toan-loi-nhuan-cuoi-nam-i715967/

Đặng Nhật / CAND