Ở Phú Hài, Phan Thiết có một khu mộ cổ ghi tên “Mộ thần thái giám - di tích cổ truyền”. Vị thái giám này là ai và tại sao được gọi là thần? Câu hỏi này đã thôi thúc chúng tôi đi tìm hiểu về khu mộ
Khu Mộ thần thái giám nằm bên cạnh khu dân cư mới thuộc phường Phú Hài, TP Phan Thiết. Khác với các khu mộ cổ ở Bình Thuận, khu mộ này được xây dựng bề thế bằng đá ong, có tường rào bao quanh và chia thành hai gian.
Khu vực đầu tiên, khi bước vào từ cổng chính là một ngôi mộ có ghi dòng chữ “ông Đội Cửa” nằm ở bên trái và bên phải là tượng con ngựa trắng mang yên cương, dáng phủ phục, đắp bằng xi măng rất tinh xảo.
Đầu tượng ngựa quay vào ngôi mộ chính nằm ở phía sau được ngăn cách bởi cổng tam quan.
| |
Mộ Thần Thái giám. |
Khu mộ này được một người dân gần đấy tự nguyện hằng ngày đến thắp nhang, đốt đèn và quét dọn nên nhìn rất sạch sẽ, tươm tất.
Truyền thuyết về khu mộ
Có nhiều truyền thuyết khác nhau về khu mộ cổ này. Theo nhiều bậc cao niên, đây là khu mộ của một vị thái giám họ Phạm. Quan thái giám cùng đoàn tùy tùng hộ giá chúa Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy sát của quân Tây Sơn.
Khi đến khu vực Phú Long bất ngờ bị quân Tây Sơn phục kích. Chúa Nguyễn Ánh chạy thoát nhưng quan thái giám hộ giá bị chém rơi đầu.
Một người đàn ông tên gọi là ông Đội Cửa (có thể là người mang chức đội, tên Cửa) đã dẫn con ngựa trắng chở thi hài quan thái giám phá vòng vây chạy đến làng Sơn Thủy này thì quỵ ngã vì kiệt sức. Ông Đội Cửa sau đó đã tuẫn tiết theo quan thái giám. Dân làng đã an táng quan thái giám và ông Đội Cửa chu đáo.
Về phần con ngựa trắng, cứ quanh quẩn quanh mộ chủ nhân chứ không chịu bỏ đi. Một thời gian sau con ngựa nhịn ăn đến chết. Trọng người quyền quý và thương người thuộc cấp cùng con chiến mã chí tình, người làng đã lập mộ chôn vị thái giám cùng ông Đội Cửa và đắp tượng thờ con bạch mã trong cùng một thuộc đất.
Cũng câu chuyện giống như trên nhưng cũng có người khẳng định khác rằng, vị thái giám không phải hộ giá chúa Nguyễn Ánh trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn mà ngược lại, vị thái giám này đang hộ giá vua Quang Trung chạy trốn sự trả thù tàn khốc của vua Gia Long, đến đây thì bị nạn.
Tuy nhiên, căn cứ vào chi tiết chùa Bửu Sơn (còn gọi là chùa Tháp) ở cách khu mộ chỉ hơn 1km được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18, đến đầu thế kỷ 19 chùa được vua Gia Long ban tặng năm chữ “Ngự Tứ Bửu Sơn Tự” để ghi nhớ công lao của nhà chùa đã từng cho nhà vua tá túc bốn ngày khi chạy trốn truy đuổi của Tây Sơn. Xem ra truyền thuyết về vị thái giám hộ giá chúa Nguyễn Ánh có phần liên quan và thuyết phục hơn.
Phong “thần”
Tương truyền sau khi được an táng, vị thái giám thường xuyên hiển linh báo mộng cho dân làng những điềm xui vận gở, bảo vệ mọi người khỏi tai ương, bệnh tật, phù hộ cho dân làng luôn gặp điều may mắn, làm ăn khấm khá, cuộc sống an bình.
Bởi vậy, người làng xem vị thái giám như thần hộ mệnh. Đến năm 1924, khi trùng tu khu mộ, dân làng đã lập biển đề tên "Mộ thần thái giám".
Dân làng cũng đã tôn vị thái giám này là Thành hoàng, tức người có công tạo lập làng và lấy ngày cúng giỗ thần thái giám là ngày cúng làng.
| |
Bên trong mộ thần thái giám. |
Đi tìm danh tính của thần thái giám
Từ những bí ẩn về danh tính của vị thần thái giám, qua tìm hiểu từ nhiều nguồn tin, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Phạm Dự (76 tuổi, ở đường Lê Hồng Phong, TP Phan Thiết).
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về vị thần thái giám ở Phú Hài, ông Phạm Dự đã không ngần ngại kể với chúng tôi về câu chuyện đi tìm mộ người thân là quan thái giám của một thành viên trong gia tộc mình. Đó như một niềm tự hào về tộc họ Phạm của ông ở Bình Thuận.
| |
Ông Phạm Dự, người đại diện gia tộc họ Phạm quản lý khu mộ. |
Theo ông Phạm Dự, gia tộc ông có nguồn gốc từ làng Tân Tô, xã Thủy Tân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 1935, cha ông Dự đã rời làng Tân Tô vào Phan Thiết sinh sống, lập nghiệp.
Hơn 20 năm trước, vào một ngày cuối năm, gia đình ông Dự bất ngờ tiếp người cậu ruột của mẹ ông tên Phạm Văn Quê từ Huế tìm vào Phan Thiết. Nhìn dáng vẻ bụi đường cùng hành trang cũ rách của người cậu như vừa qua một chuyến đi dài ngày, mọi người vội giục ông Quê tắm rửa, nghỉ ngơi.
Nhưng người này chẳng mấy quan tâm đến việc ăn nghỉ mà vội lôi từ trong túi xách ra một cuốn gia phả. Ông Quê chỉ vào cuốn gia phả và nói, theo như nội dung cuốn gia phả này ghi lại thì ông nội của ông Quê là ông Phạm Văn Giáp người làng Tô Đà, xã Thủy Tân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế “làm quan thái giám và chết tại Bình Thuận”.
Nội dung cuốn gia phải chỉ ghi ngắn gọn mấy chữ như vậy nhưng ông Quê vẫn quyết tâm đi tìm bằng được mộ người thân của mình. Từ Huế vào Bình Thuận, ông Quê xuống xe ở Cà Ná và bắt đầu từ đó đi lang thang khắp nơi để tìm mộ, sau nhiều ngày tìm kiếm không được ông Quê quay về Phan Thiết nhờ cậy người quen giúp tìm kiếm.
“Khi đó tôi chợt nhớ ra ở Phú Hài cũng có một ngôi mộ thái giám nên báo cho ông Quê biết. Ngay chiều hôm đó, tôi đã dẫn ông Quê ra khu mộ và thật bất ngờ trên tấm bia có ghi dòng chữ Phạm Thái Giám”, ông Phạm Dự kể.
Quá đỗi vui mừng vì cho rằng đây là mộ của người thân mình, ông Phạm Văn Quê đã nằm lại suốt đêm ở khu mộ và sáng hôm sau cho biết đã được người dưới mộ báo mộng đúng là cụ Phạm thái giám của gia tộc mình và ngỏ ý xin người làng cho nhận mộ để thờ phụng tổ tiên.
Trước những thông tin và nội dung ghi trên cuốn gia phả của gia đình ông Phạm Dự, những người dân làng Sơn Hải đã đồng ý giao lại khu mộ cho gia đình ông Dự quản lý, thờ cúng.
Họ ra điều kiện không được dời ngôi mộ đi nơi khác vì nó đã gắn bó với đất và làng này hàng trăm năm nay và điều quan trọng hơn người dân đã xem vị quan thái giám là Thành hoàng, là thần mang lại may mắn, no ấm cho người dân nơi đây.
Như vậy, đến thời điểm này có thể tạm xác định danh tánh vị thái giám ở khu mộ thần thái giám ở Phú Hài là ông Phạm Văn Giáp người làng Tô Đà, xã Thủy Tân, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Phạm Dự là người đại diện cho người thân của vị thái giám nhận quyền quản lý khu mộ từ dân làng nơi đây.
Ngày 12/2 âm lịch hằng năm, gia đình ông Phạm Dự và người dân tại làng Sơn Thủy (khu phố 2, phường Phú Hài, TP Phan Thiết ) đều tổ chức cúng giổ cho vị thái giám này và đây cũng là dịp làng tổ chức lễ tế xuân của làng theo thông lệ từ xưa đến nay.
Lê Huân
Thái giám dâm loạn và những bí ẩn đời sống tình dục chốn hậu cung Thái giám mặc nhiên được hiểu là đã \'tịnh thân" (thiến), nhưng trong cung vua, có không ít vị thái giám dâm loạn, thiết lập ... |
Trường học thái giám và những hình phạt tàn khốc Những thái giám được đào tạo trong trường này có thể bị những hình phạt tàn khốc. |
Tò mò thú vui tiêu khiển của thái giám trong cấm cung xưa Thái giám nhà Thanh thường làm việc nửa ngày còn sẽ nghỉ nửa ngày. Vậy, trong thời gian rảnh rỗi, thái giám thường làm gì ... |