Sau khi chi hơn 200 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022, chủ nhà Qatar lại không thể có một màn ra mắt thành công ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
- Trận đấu khai màn World Cup 2022 và câu chuyện "cái đầu tiên"
- Enner Valencia: Người ghi bàn đầu tiên ở World Cup 2022 sở hữu thống kê đáng nể
Cổ động viên Qatar bỏ về sớm, để lại nhiều khoảng trống trên khán đài trong hiệp 2.
Qatar không tiếc tiền "chơi" bóng đá theo đúng nghĩa đen, mang World Cup về nhà để quảng bá hình ảnh đất nước và khuếch trương thương hiệu bóng đá nước nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố ngoài bóng đá vốn làm nên nét văn hóa và tính giải trí không trộn lẫn của World Cup mà chủ nhà Qatar đang nỗ lực để làm tốt, yếu tố cốt lõi nhất để đất nước Tây Á khẳng định mình ở sân chơi thế giới vẫn phải là năng lực của đội tuyển quốc gia.
Khi ánh đèn rực rỡ màu sắc của lễ khai mạc hạ màn, người hâm mộ đã nhìn thấy một thực tế rất khác của đội tuyển Qatar.
Enner Valencia (áo vàng) tung hoành giữa hàng thủ Qatar.
Trên sân Al Bayt, Qatar đã không được chơi bóng đúng nghĩa. Ra sân với đội hình 5-3-2 thiên về phòng ngự, nhưng đội bóng của HLV Felix Sanchez không kiểm soát được khoảng trống ở phần sân nhà.
Ecuador áp sát ở cường độ cao, đẩy Qatar vào cuộc đua tốc độ, thể lực ở những tình huống leo biên và giành chiến thắng phần lớn trong số đó nhờ phẩm chất nhỉnh hơn của từng cầu thủ. Trước lối chơi gây áp lực chủ động ở khu vực giữa sân của Ecuador, các pha lên bóng của Qatar bị bẻ gãy.
3 tuyến của Qatar bị Ecuador chia cắt dễ dàng nhờ khả năng pressing ấn tượng của đại diện Nam Mỹ. Trong 45 phút đầu, bộ đôi Almoez Ali và Akram Afif hiếm khi tìm thấy nhau ở các pha phối hợp.
Khi không thể đẩy cao đội hình kiểm soát bóng, Qatar lộ điểm yếu tổ chức phòng ngự. Hàng thủ chủ nhà vỡ vụn trước những pha leo biên tốc độ của Romario Ibarra, Pervis Estupinan, Michael Estrada và Enner Valencia. Cả 2 bàn thua của Qatar ở phút 16 và 32 đều đến từ những bài đánh từ biên vào trung lộ nhuần nhuyễn của Ecuador.
Đội bóng Nam Mỹ không phối hợp phức tạp, mà chủ yếu dồn năng lượng để phá lối chơi kiểm soát đơn điệu của Qatar, rồi dùng chính sự bối rối của chủ nhà để làm bàn đạp cho các pha chuyển trạng thái.
Qatar là đương kim vô địch Asian Cup, nhưng khác với các đội châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Australia, Qatar thua kém ở 2 điểm.
Thứ nhất, dàn cầu thủ của HLV Sanchez chủ yếu chơi bóng ở trong nước. 2 niềm hy vọng hàng đầu của bóng đá Qatar là Akram Afif và Almoez Ali đã sang Bỉ và Tây Ban Nha thi đấu nhưng đều không thành công.
Qatar là một trong những đội chăm đá giao hữu nhất, nhưng số trận đấu quốc tế ít ỏi ở cấp ĐTQG không thể giúp cầu thủ lập tức chạm tới bóng đá ở trình độ cao nếu thiếu va chạm ở cấp CLB. So với Ecuador, đội sở hữu 9 cầu thủ đang chơi tại châu Âu, đội hình Qatar đã đóng băng trước áp lực World Cup, vốn khắc nghiệt và nặng nề hơn nhiều so với những giải mà đội bóng Tây Á từng góp mặt.
Ecuador có nhiều cầu thủ kinh nghiệm.
Thứ hai, Qatar thiếu sự đa dạng và tinh quái. World Cup là sân chơi của nhiều trường phái chiến thuật, lối chơi tập thể lẫn kỹ năng của từng cá nhân. Năng lực thích nghi đóng vai trò tiên quyết trong cơ hội thành công của các đội, song Qatar lại chơi "một màu".
Đội bóng có biệt danh "The Maroons" vô địch Asian Cup trên nền tảng kiểm soát bóng, nhưng ở World Cup, việc thích nghi với hoàn cảnh và đa dạng lối chơi mới là chìa khóa. Qatar thiếu hẳn yếu tố này, cũng bởi nền tảng kinh nghiệm non kém.
Nếu Qatar lúng túng và bị động, Ecuador lại già dặn và lão luyện hơn. Enner Valencia, cầu thủ ghi cú đúp, từng chơi cho West Ham và có kinh nghiệm chơi ở World Cup 2014. Moise Caicedo và Gonzalo Plata, 2 cầu thủ đã "thổi bay" tuyến giữa Qatar, lần lượt khoác áo Brighton (Anh) và Valladolid (Tây Ban Nha).
Ecuador hơn hẳn Qatar ở khả năng va chạm đỉnh cao. Đội bóng của HLV Gustavo Alfaro đã chống đỡ tốt áp lực từ 4 phía khán đài và khai thác khoảng trống của đối thủ. Nếu Ecuador là thợ săn lão luyện, Qatar chỉ như con mồi non nớt trong lần đầu bước tới đại ngàn World Cup.
Bài học đầu tiên ở World Cup
Thống kê cho thấy, Qatar là chủ nhà đầu tiên thua trận ra quân World Cup, nhưng nên nhớ, Qatar cũng chỉ là một đội tuyển tân binh ở sân chơi World Cup, với giá trị đội hình bằng 1 phần 10 Ecuador và nằm ngoài top 40 của FIFA.
Bỏ qua những tranh cãi liên quan đến quyền đăng cai, bóng đá Qatar đã rất nỗ lực để cải thiện chỗ đứng. Sau chức vô địch Asian Cup 2019, thầy trò Sanchez dự Copa America 2019, CONCACAF Gold Cup 2021 và vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu (dưới danh nghĩa giao hữu) với mục tiêu cọ xát với các đội tuyển ở nhiều châu lục.
Qatar cần lấy lại tinh thần trước 2 trận còn lại.
Qatar đào tạo một lứa cầu thủ tiềm năng nhờ Học viện Aspire, và để rút ngắn thời gian tiếp cận đẳng cấp thế giới, Liên đoàn bóng đá Qatar (QFA) liên tục cho đội tuyển đá giao hữu, tập huấn ở châu Âu.
Song, World Cup là câu chuyện rất khác. Hình ảnh HLV Felix Sanchez thất thần trên băng ghế chỉ đạo, hay hàng nghìn cổ động viên rời khỏi sân khi trận đấu mới trôi qua một nửa cho thấy khởi đầu buồn của Qatar ở sân chơi đất nước này đã dành hơn một thập kỷ để chuẩn bị trên mọi phương diện.
"Chúng tôi phải cải thiện rất nhiều", HLV Sanchez nói. Ông nhắc đến sự ổn định, chắc chắn, tốc độ trong lối chơi bên cạnh yếu tố tinh thần. Qatar thiếu những thành tố cơ bản nhất để làm nên chiến thắng. "World Cup là giải đấu ngắn ngày, nên Qatar phải hồi phục rất nhanh", nhà cầm quân người Tây Ban Nha đánh giá thêm.
Trước thực tế World Cup dường như khốc liệt hơn nhiều so với tưởng tượng của chủ nhà, Qatar phải gượng dậy ở 2 trận đấu còn lại và chơi với tinh thần "còn nước còn tát".
Almoez Ali cùng đồng đội không muốn dừng cuộc chơi chỉ sau 3 trận ngắn ngủi, nhưng viễn cảnh này có nguy cơ cao xảy ra bởi Qatar chưa cho thấy bản lĩnh và đẳng cấp đủ nhiều để so tài với những đội tuyển lão luyện nhất thế giới.
https://vtc.vn/hlv-that-than-cdv-bo-ve-som-qatar-vo-mong-trong-ngay-ra-mat-world-cup-ar715151.html