Từ hộp xá lị tìm thấy trong phế tích tháp Nhạn, các nhà nghiên cứu khẳng định xá lị đã có mặt ở xứ Nghệ từ thế kỷ thứ 7.
Bảo tàng tỉnh Nghệ An đang bảo quản hộp đựng xá lị được phát hiện trong đợt khai quật di chỉ tháp Nhạn (xã Hồng Long, Nam Đàn, Nghệ An) do Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An) khai quật năm 1985-1986. Tháng 12/2017, hộp xá lị được công nhận là bảo vật quốc gia.
Tháp Nhạn - công trình kiến trúc Phật giáo to nhất xứ Nghệ
Theo tài liệu của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học, thời điểm 1985-1986 tháp Nhạn chỉ còn là phế tích bằng gạch. Bề ngoài tháp được trang trí bởi nhiều viên gạch có hình tam thế phật. Chân tháp hình vuông mỗi chiều khoảng 9,6x9m, dày 2m. Quanh chân tháp có một hành lang và một đường xây gạch rộng hơn 1m…
Từ thông số này, các nhà nghiên cứu phán đoán tháp Nhạn có thể cao 20,5m, có thể được chia thành nhiều tầng theo kiểu dưới to, trên thu nhỏ dần. Với chiều cao như vậy, tháp sẽ là công trình kiến trúc Phật giáo to nhất xứ Hoan Châu ngày đó (Xứ Nghệ là tên chung của vùng Hoan Châu từ thời nhà Hậu Lê, tức Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay).
Lòng tháp xây theo kiểu giật cấp và diễn biến hư hại khá phức tạp. Đầu tiên một lớp gạch tháp dày 60-70cm bị đổ lấp kín lòng tháp. Dưới lớp gạch vỡ là bệ thờ. Dưới bệ thờ là ụ đất màu nâu lẫn cuội sỏi to và gạch vụn.
Ở chính giữa lòng tháp, cách mặt đất hiện tại 1,8m là một cây gỗ rỗng lòng, chôn theo tư thế thẳng đứng. Cây gỗ được ghép từ hai nửa thân cây sau khi đẽo rỗng lòng, tạo thành trụ cao hơn một mét. Phần thân cây chôn chìm dưới đáy tháp.
Những viên gạch thu được lúc khai quật tháp Nhạn năm 1985-1986 đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Trong lòng cây gỗ chôn thẳng đứng có nhiều than tro. Đó là loại than củi đen, to và xốp. Lẫn trong đám than tro này là một hộp hình chữ nhật bằng đồng còn khá nguyên vẹn, tuy bên ngoài đã gỉ sét.
Lúc đầu các nhà khảo cổ định để nguyên trạng hộp đồng để phục vụ cho công tác trưng bày của Bảo tàng Tổng hợp Nghệ Tĩnh (nay là Bảo tàng Nghệ An). Song một góc hộp đồng bị vỡ, hé lộ một hộp kim loại bên trong có màu vàng.
"Mở hộp ra, một phần đáy hộp là than tro do bị nước thấm vào nên quánh lại thành lớp màu đen rất mềm. Trên bề mặt lớp màu đen ấy, có hai nửa hình tròn màu trắng đục, trong và mỏng như vỏ trứng. Lúc này các nhà khảo cổ khẳng định đã tìm thấy một hộp xá lị của Đức Phật”, tiến sĩ Cường viết.
Giá trị của hộp đựng xá lị
Hộp đồng đựng xá lị nặng 100 gram, dài 8cm, rộng 5cm, cao 5,5cm, được chia thành hai phần nắp và thân hộp. Nắp hộp ở bốn rìa cạnh hơi lõm xuống, nhìn tựa như rìa mái nhà. Đỉnh nắp trang trí hoa văn hoa cúc tròn có 6 cánh nhỏ. Phần thân hộp ở các mép cạnh được gò với kỹ thuật cao. Xung quanh thân hộp trang trí hoa sen cách điệu, tạo thành dải băng hoa văn hình chữ nhật.
Nối giữa nắp và thân hộp là một đường gờ mỏng được tán nhỏ, dài rồi uốn theo gờ trong thân hộp. Điều đặc biệt là người thợ kim hoàn đã chế tác hộp đựng xá lị từ phương pháp tán dập nguội.
“Có lẽ đây là lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam một dạng hộp như vậy. Hộp được người thợ kim hoàn chế tạo từ phương pháp tán dập nguội, rất gần gũi với hộp đựng xá lị bằng sơn mài tìm thấy ở Miến Điện có niên đại khoảng thế kỷ 8-9 sau Công Nguyên”, các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ học đánh giá.
Cho đến nay, nhiều ý kiến cho rằng hộp xá lị làm bằng đồng mạ vàng, cũng có ý người nói là vàng ròng. Song cơ quan chức năng khẳng định, hiện vật không được giám định nên chỉ có thể gọi là "Có chất liệu kim loại màu vàng".
Hộp xá lị được trang trí hoa văn tinh xảo. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Hé mở diện mạo Phật giáo buổi đầu ở xứ Nghệ
Căn cứ vào dòng chữ “Trinh Quán lục niên” khắc trên bề mặt một viên gạch được tìm thấy trong lúc khai quật tháp Nhạn, các nhà khảo cổ cho rằng nơi tìm thấy hộp xá lị được xây dựng vào đầu thế kỷ 7 sau Công Nguyên. Niên đại xây dựng tháp và niên đại chôn hộp xá lị là một.
Theo Viện Khảo cổ học, việc phát hiện hộp xá lị đã góp thêm tư liệu khẳng định xá lị đã có mặt ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng từ khá sớm, qua đó hé mở diện mạo Phật giáo buổi đầu đời ở xứ Nghệ. Thời đó, táng tục phổ biến của Phật giáo là hỏa táng. Sau khi hỏa táng, người ta lấy lại một phần than tro của hài cốt gọi là xá lị.
Tuy nhiên, cách thức táng tục cụ thể với nghi lễ như thế nào thì chưa rõ. Đã có nhiều ngôi tháp thời Lý - Trần được khai quật, nhưng hầu hết dấu tích trong lòng tháp đã bị phá hủy, do vậy chưa đủ cứ liệu để nghiên cứu táng thức Phật giáo Việt Nam. Phải tới khi khai quật tháp Nhạn, các nhà khoa học mới có đủ cứ liệu thực tế để xem xét táng thức Phật giáo.
Giáo sư Hà Văn Tấn, nhà sử học, khảo cổ học Việt Nam đã viết: “Việc đặt hộp xá lị trong thân cây khoét rỗng gợi cho chúng ta nhớ tới tục chôn người chết trong những quan tài thân cây khoét rỗng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Các tháp xá lị vẫn được coi là mộ tháp, khác với tháp kỷ niệm. Phải chăng đây là sự tiếp hợp giữa Phật giáo với những truyền thống bản địa lâu đời”.
Giám đốc Bảo tàng Nghệ An, ông Nguyễn Đức Kiếm cho rằng, hộp đựng xá lị hội tụ đủ những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật liên quan tới Phật giáo. Việc hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia sẽ tạo điều kiện trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau.
Theo từ điển Phật học, xá lị chỉ những gì còn sót lại sau khi thiêu thân Phật - Thích Ca, hoặc các bậc đắc đạo thường được thờ trong tháp hoặc chùa chiền. Căn cứ theo sách "Pháp uyển châu lâm", do pháp sư Đạo Thế tự Huyển Uẩn soạn vào đời Đường (Trung Quốc), xá lị chia thành các loại: xá lị xương có màu trắng, xá lị thịt có màu đỏ, xá lị tóc có màu đen. Nếu theo cách phân biệt này thì hai viên xá lị được phát hiện tại tháp Nhạn thuộc xá lị xương. |
Khánh thành ngôi chùa đặt xá lợi trái tim hòa thượng Thích Quảng Đức Chùa Việt Nam Quốc Tự hôm nay khánh thành, là trụ sở mới của Giáo hội Phật giáo TP HCM, sau ba năm xây dựng. |
Sắp khánh thành Việt Nam Quốc Tự - ngôi chùa Việt lớn nhất TPHCM Dự án Việt Nam Quốc Tự với kinh phí hơn 200 tỷ đồng sẽ được khánh thành vào ngày 7.11 tới đây, cũng là thời ... |