Trong xã hội Nhật Bản, từ “Yakuza” gợi nhớ lên hình ảnh những người đàn ông xăm trổ đầy mình nhưng lại mặc những bộ vest thật xịn, cặp kính mắt hàng hiệu thường dùng để che đi những vết sẹo, còn bàn tay tám, chín ngón đeo đến hàng chục nhẫn vàng, kim cương đủ kiểu. Thành viên các băng đảng Yakuza sống trong một thế giới khác với người thường, nơi mà tiền bạc và máu chảy như sông, sự hào hoa đi đôi với bạo tàn.

Vậy nhưng ít ai tự hỏi: Yakuza sẽ ra sao nếu họ chịu từ bỏ thế giới đấy để trở về với thực tại?

Những ông trùm đầu bạc

Chúng ta phải hiểu rằng Yakuza không chỉ đơn giản là côn đồ. Họ là những tổ chức tội phạm vô cùng chuyên nghiệp, có hệ thống tổ chức và cung cách làm ăn không khác gì các tập đoàn lớn. Các băng đảng, “gia đình” tội phạm rồi những công ty bình phong, tụ điểm kinh doanh bất hợp pháp đều nằm trong một mạng lưới có cơ cấu rõ ràng. Trong những thập niên nối tiếp Thế chiến II, nhiều người Nhật trẻ trở thành Yakuza không chỉ vì tính ngông nghênh của họ. Họ coi Yakuza như một con đường nghề nghiệp, và việc trở thành tay chân của các ông trùm cũng chẳng khác gì đi làm cho công ty tư nhân.

takashi nakamoto trong căn bếp quán mì của mình.jpg -0
Takashi Nakamoto trong căn bếp quán mì của mình.

Hiểu được điều này, từ nhiều năm nay chính phủ Nhật đã có động thái mạnh tay đánh trực tiếp vào ví tiền của Yakuza. Những ai bị cảnh sát đưa vào danh sách thành viên của băng đảng sẽ không được mở tài khoản ngân hàng, đăng ký sim điện thoại, ký hợp đồng bảo hiểm, hay nhận trợ cấp xã hội. Các công ty cũng chịu cảnh cáo khi làm ăn với thành viên Yakuza. Một cựu trùm giấu tên ở Osaka nói với phóng viên báo Asahi Shimbun: “Tôi làm Yakuza được hơn 50 năm, thậm chí từng có thời tôi đứng đầu băng đảng của riêng mình. Khi đó chúng tôi hay làm bảo vệ ở công trường để các băng nhóm khác không gây cản trở cho quá trình thi công. Mỗi lần như thế là chúng tôi lại nhận được từ 500.000 đến 1 triệu yên từ nhà thầu. Nhưng ngày nay họ có muốn cũng không đưa tiền cho Yakuza được, vì như thế là phạm luật”.

Sau hơn nửa thế kỷ trong băng đảng, ông trùm này quyết định “nghỉ hưu”. Nhưng khi đi đăng ký nhận trợ cấp người cao tuổi, chính quyền địa phương từ chối đơn của ông với lý do là Yakuza. Phải sau một thời gian chạy khắp các cấp chính quyền thì ông này mới được cảnh sát đưa ra khỏi danh sách đen. Hiện ông cựu trùm đang sống trong cảnh nghèo nàn tại một căn hộ thuê.

Còn Toshio Maruyama là thành viên của Kodo-kai, một băng đảng nằm dưới sự chỉ huy của Yamaguchi-gumi – tổ chức tội phạm lớn nhất Nhật Bản. Hiện nay Maruyama đang phải ngồi tù chung thân vì tội bắn chết hai thành viên Yamaken-gumi là băng đảng đối địch với Yamaguchi-gumi. Điều lạ là Maruyama giết người khi đã ở tuổi 68. Ông ta giải thích: “Tôi làm thế vì trong băng đảng không có người trẻ. Trước đây Yakuza cho người trẻ đi giết người, vì họ có đi tù 15, 20 năm thì khi ra ngoài  cũng mới chỉ 40 tuổi, mà lại còn được nhận chức vị cao trong băng đảng. Nhưng kể từ khi Tokyo cho phép kết án chung thân với tội giết người, trong đám thanh niên chẳng có ai muốn nhận việc ám sát cả”.

Maruyama cũng không coi việc chết già trong tù là cái gì đáng sợ cả: “Trong tù người ta cho tôi ăn ba bữa, cái giường để ngủ, và lúc ốm lại được đi khám nữa. Nếu mà tôi còn ở ngoài kia thì thể nào cũng trở thành người vô gia cư... Tôi coi nhà tù cũng như cái trại dưỡng lão”.

Nhà báo điều tra tội phạm Atsushi Mizoguchi viết trên tờ Shukan Post: “Trừ khi bạn là ông trùm lớn hay được giao chức “tay hòm chìa khóa” trong băng đảng thì cuộc sống sau Yakuza chắc chắn sẽ khiến bạn hoảng sợ. Tôi từng phỏng vấn nhiều cựu thành viên Yakuza ở tuổi 50, 60, 70. Họ nói rằng lý do lớn nhất khiến những người trẻ không muốn làm Yakuza nữa là vì không kiếm được nhiều tiền như trước, mà đến lúc về già lại chẳng có cái “dù” nào để “hạ cánh”. Nhà tù thậm chí có khi còn là sự lựa chọn tốt với những người đã quá già để làm Yakuza”.

ngay cả những hình xăm trên cơ thể các cựu yakuza cũng khiến họ gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập.jpg -0
Ngay cả những hình xăm trên cơ thể các cựu Yakuza cũng khiến họ gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập.

Nhọc nhằn cuộc sống sau giải nghệ

Càng ngày có nhiều người muốn từ bỏ cuộc sống Yakuza để trở lại cuộc sống lương thiện. Nhưng điều này không phải là dễ. Cùng với những hình phạt nặng nề của chính phủ, các thành viên Yakuza còn phải đối mặt với thái độ nghi kỵ của xã hội. Takashi Nakamoto từng là một thành viên chủ chốt của băng đảng Kudo-kai. Sau hơn 30 năm làm Yakuza, Nakamoto phải vào tù vị tội hành hung. Nhà tù đã thay đổi suy nghĩ của Nakamoto, và sau khi được tại ngoại anh ta quyết làm lại từ đầu.

Nakamoto chia sẻ về hành trình của mình: “Tôi xin việc ở đủ mọi nơi nhưng không được. Họ chỉ cần nhìn thấy hình xăm trên lưng tôi là đã mời tôi ra khỏi cửa rồi. Không bạn bè, không nhà cửa, tôi đi lang thang khắp nước Nhật, người ta thuê gì thì tôi làm đấy. Cuối cùng cũng có một ông chủ nhà hàng ramen nhận tôi vào làm. Tôi biết ơn ông ấy cả đời vì đã dậy tôi cách nấu mì”.

Học được nghề rồi, Nakamoto quyết định trở lại thành phố Kitakyushu quê hương để mở hàng mì tại khu phố ăn uống. Cách đó 20 năm đã từng có một thành viên Kudo-kai đâm xe vào nhà hàng trên khu phố này để trả thù ông chủ nhà hàng. Bởi vì Nakamoto cũng từng là người của Kudo-kai nên không ai muốn làm ăn với anh cả. Thật may mắn là vẫn còn một vài nhà hảo tâm trong ban quản lý khu phố và sự nhiệt tình của Nakamoto trong các việc tình nguyện xã hội mà anh đã xây dựng được uy tín cho mình. Ngày nay quán ramen của cựu thành viên Yakuza đang ăn nên làm ra và thậm chí còn được coi là điển hình cho việc hoàn lương tội phạm.

Vậy nhưng không phải ai cũng may mắn được như Nakamoto. Motohisa Nakamizo hiện là giám đốc một công ty bất động sản, nhưng cách đây hơn 10 năm ông ta làm trùm cấp giữa của Kudo-kai. Sau khi trùm tổng của tổ chức nghỉ hưu, Nakamizo cũng từ giã cuộc đời tội phạm. Hiện công ty nhà đất của Nakamizo có 10 nhân viên cũng từng phạm tội như Nakamizo. Vị giám đốc nói với tờ Hoa Nam buổi sáng: “Cứ năm người từng ở trong Yakuza làm cho tôi thì có ba người bỏ việc sau một năm. Áp lực và sự kỳ thị của xã hội đặt lên họ quá nặng. Họ cảm thấy mất hết sự tự tin, mà trong ngành bất động sản này thì tự tin và uy tín là điểm mấu chốt dẫn đến thành công. Tôi đã cố gắng hết sức để giúp họ những việc như yêu cầu cảnh sát đưa tên họ ra khỏi danh sách đen, nhưng tôi khó có thể buộc người khác thay đổi suy nghĩ về họ được”.

trụ sở cảnh sát quốc gia nhật tại tokyo.jpg -0
Trụ sở Cảnh sát quốc gia Nhật bản tại Tokyo.

Tác giả, nhà sản xuất phim Garyo Okita từng có nhiều năm “ăn nằm” trong một băng đảng Yakuza. Ông nhận xét về thái độ của xã hội Nhật đối với Yakuza: “Không ít người nghĩ rằng chỉ cần tăng hình phạt lên là đủ. Luật pháp nghiêm khắc mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là làm sao để những người từng làm Yakuza không muốn trở lại con đường cũ nữa. Chính quyền đã làm tốt việc đẩy người ta ra khỏi Yakuza, nhưng lại chưa làm được việc chỉ cho người ta nên đi đến đâu”.

Chuyên gia tội phạm học Noboru Hirosue, cố vấn của Bộ Tư pháp Nhật Bản, có cùng quan điểm trên: “Chúng ta đã chứng kiến sự nhảy vọt của tội phạm có tổ chức trong thời điểm diễn ra đại dịch. Thay vì những băng đảng Yakuza có cả một bộ máy cán bộ quản lý hàng trăm thành viên, nay tội phạm tụ tập thành từng nhóm nhỏ hoạt động trong chỉ một lĩnh vực như ăn cắp, lừa đảo người già, đánh cắp thông tin trên mạng hay mua bán ma túy”.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số vụ phạm tội diễn ra trên đường phố nước này trong năm 2022 đạt mức 601.389 vụ, tăng 5,9% so với 2021. Đây là năm thứ hai liên tiếp chỉ số này tăng sau sáu năm liên tục giảm. Một điểm đáng chú ý là có đến 68,2% vụ phạm pháp theo diện trên được gây ra bởi các đối tượng có tiền án. Tình hình kinh tế khó khăn được cho là nguyên nhân chính khiến số vụ phạm tội gia tăng. Chính phủ Nhật hồi cuối tháng 1/2023 vừa qua đã công bố ý định tăng cường đầu tư vào các chương trình tìm việc làm và tái hòa nhập cộng đồng cho người có tiền án tiền sự nhằm giải quyết vấn đề tội phạm ở nước này.

Danh tính mới

Theo ý kiến nhiều vị chuyên gia, “mấu chốt” trong vấn đề “giải quyết” những trường hợp cựu thành viên Yakuza là giúp họ cảm thấy được phép làm thành viên của xã hội lương thiện. Một trong những công cụ đắc lực trong việc này là các tổ chức đoàn thể. Ở Nhật Bản không khó để tìm thấy những tổ chức được lập ra bởi cựu Yakuza nhằm mục đích giúp đỡ các anh em hoàn lương. Một câu chuyện đang nhận được nhiều sự chú ý của dư luận Nhật Bản là đội bóng chày Ryuyukai gồm toàn các cụ già 60, 70 ngày trước là Yakuza.

yuji ryuzaki (giữa) cùng đội bóng chày ryuyukai.jpg -0
Yuji Ryuzaki (giữa) cùng đội bóng chày Ryuyukai.

Ryuyukai được lập ra bởi Yuji Ryuzaki, một ông trùm cấp cao của Yamaguchi-gumi. Vào thời “đỉnh cao” của mình, Ryuzaki nổi tiếng đến mức còn được mời đóng phim vào những vai Yakuza. Vậy nhưng Ryuzaki chịu mất tất cả để xuống tóc đi tu hơn 20 năm trước. Nhà sư sau đó tình cờ làm quen được với nghị sỹ Katsuei Hirasawa (nguyên Bộ trưởng Bộ Tái thiết Nhật bản). Vị nghị sỹ sinh ra trong một khu phố nghèo ở Tokyo nên hiểu được vì sao con người ta lại gia nhập Yakuza. Đấy là khởi điểm để hai người cùng nhau tổ chức giúp đỡ những cựu thành viên Yakuza.

Tổ chức của Yuji Ryuzaki lấy tiền quyên góp được và uy tín của mình để làm những việc như mua bảo hiểm, tìm chỗ ở giá rẻ hay xin việc cho các cựu thành viên Yakuza. Đội bóng chày cũng là cách để giúp họ tập thể dục và không để đầu óc nghĩ đến việc tái phạm tội. Ông Ryuzaki chia sẻ: “Những ngày đầu đội mới thành lập, chúng tôi còn khó mời nổi trọng tài, mà có mời được thì họ cũng sợ ngay cả việc thổi phạt chúng tôi. Nay thì ai ai cũng nhìn chúng tôi với con mắt khác. Đội còn có một số thành viên là người chưa từng phạm tội nhưng cũng xin vào”.

Đội Ryuyukai nhận được sự chú ý của công chúng sau khi thắng một giải bóng chày nghiệp dư. Ông Ryuzaki mong muốn tận dụng cơ hội này để vừa quảng bá được tổ chức, vừa nhằm lan tỏa được việc làm của mình. Nhà sư, nhà từ thiện cho biết: “Nhiều người nghĩ sai rằng đã trở thành người hoàn lương thì phải dứt bỏ hoàn toàn cuộc sống trước đây của mình. Trái lại điều đó hoàn toàn có thể gây cú sốc lớn đối với những ai muốn từ bỏ Yakuza. Tôi nghĩ rằng tốt nhất bạn vẫn nên để một chân bên kia bệ cửa... Tôi vẫn hay trò chuyện với những người còn ở trong Yakuza. Ông trùm cũ thậm chí gọi điện để nhờ tôi tư vấn cách hòa giải hiềm khích giữa các băng đảng... Bạn không phạm tội nữa không có nghĩa là bạn phải xóa bỏ ngay danh tính của mình. Hãy cứ từ từ mà đi tìm một môi trường mới mà bạn có thể hòa nhập”.

 https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/khi-yakuza-rua-tay-gac-kiem-i685536/

Lê Công Vũ / Công an nhân dân