Giá xăng, dầu tăng cao tác động tới giá cả nguyên vật liệu, gây rất nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công cao tốc Bắc- Nam.

Những ngày qua, theo ghi nhận của nhóm PV Báo Giao thông trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa phận các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế, đa số các nhà thầu thi công dự án đang chật vật xoay xở trước việc giá nhiên, vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến khả năng cân đối tài chính.

Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn nỗ lực đảm bảo tiến độ thi công, đồng thời mong muốn Nhà nước sớm có các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời.

Khó khăn bủa vây, nhà thầu cao tốc Bắc - Nam vẫn quyết đua tiến độ 1

Không khí thi công đoạn tuyến cao tốc QL45- Nghi Sơn trong những ngày qua bị ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng cao, các đơn vị vận tải cung cấp vật liệu giảm số lượng vận chuyển

Giá nhiên, vật liệu tăng cao, biết lỗ vẫn phải làm

Tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên- Huế, ở gói thầu XL05, XL06 - những vị trí vốn là đường găng tiến độ trước đây do thiếu nguồn vật liệu đất đắp, hiện đã bắt đầu vào cao điểm hoàn thiện nền đường. Nhiều mũi thi công làm việc xuyên trưa để đẩy nhanh tiến độ.

Trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng, nhất là xăng dầu tăng cao như hiện nay, chi phí của các nhà thầu ảnh hưởng khá lớn, khi đơn giá vận chuyển, giá vật liệu đã tăng lên nhiều so với trước đây.

Chẳng hạn, giá cước vận chuyển vật liệu đã đội lên gần gấp 3 lần trước đây, khi định mức nhà nước tính 3.200 đồng/1m3/1km, hiện nhà thầu phải thuê tới 8.000 đồng.

Hay định mức của nhà nước như công nhân bậc 4 lương 230.000 đồng/ngày công (lương cơ bản), nhưng hiện nhà thầu đi thuê công nhân làm bê tông, không bao giờ có mức lương dưới 450 nghìn/ngày công

"Trong khi đó, dự án đang vào giai đoạn nước rút, nhà thầu không còn cách nào khác là phải chấp nhận bỏ thêm tiền để làm. Nhưng tài chính các đơn vị có hạn, nên ai cũng thấp thỏm chờ được bù giá”, đại diện nhà thầu thi công gói thầu XL06 nói.

Đại diện Công ty 122 Vĩnh Thịnh (gói thầu XL05) cũng cho biết: "Hai năm nay không có mỏ đất, bây giờ có được mỏ đất thì giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu lại tăng chóng mặt khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Nhưng bây giờ chẳng có cách nào, giá cao thì vẫn phải làm, làm vì tiến độ chung của dự án, vì thương hiệu của doanh nghiệp".

Khó khăn bủa vây, nhà thầu cao tốc Bắc - Nam vẫn quyết đua tiến độ 2

Đoạn tuyến thuộc gói thầu XL05 - XL06, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế đang được đẩy nhanh tiến độ

Tương tự tại Nghệ An, những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, tất cả các nhà thầu thi công 2 dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt đều đang đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là hạng mục đắp đất nền đường.

Tuy nhiên, do giá xăng dầu liên tục tăng cao, cùng với việc lực lượng chức năng đồng loạt ra quân kiểm soát tải trọng nên đã xảy ra hiện tượng thiếu vật liệu thi công vì lượng phương tiện hoạt động giảm.

Ông Nguyễn Bá Sỹ, Giám đốc điều hành dự án của Vinaconex, cho biết: "Hiện nay chúng tôi đang lập kế hoạch để đắp 13.000- 14.000m3 đất/ngày. Nhưng vì xe vận chuyển ít nên bị hụt khoảng 1.000 - 2.000 m3/ngày.

Cách đây 1 tuần đơn vị vận chuyển đã yêu cầu thương thảo lại hợp đồng và tăng giá cước vận tải lên thêm từ 3 - 5% so với hợp đồng đã ký, khiến nhà thầu tiếp tục gặp khó khăn".

Theo ghi nhận của PV, không chỉ kiểm soát tải trọng xe, một số địa phương còn giới hạn cả loại xe. Như ở khu vực huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, Nghệ An, có những đoạn đường chính quyền và người dân chỉ cho xe lợi 5 tấn - 7 tấn hoạt động.

Một nhà thầu gói XL02 dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt cho biết: "Để hoàn thành dự án, chúng tôi dự kiến phải đắp 400.000m3 đất, 100.000 m3 cát. Với số lượng vật liệu khổng lồ mà chở bằng loại xe nhỏ như vậy thì không biết đến khi nào dự án mới hoàn thành".

Tại đoạn tuyến QL45- Nghi Sơn, ghi nhận thực tế dọc tuyến việc thi công có vẻ như ảm đạm hơn so với trước kia. Bình thường trên công trường nhộn nhịp xe tải chở đất, đá, cát ra vào; tiếng máy lu nền đất giờ cũng yên ắng chỉ còn lại một số tốp thợ gia công sắt, đổ bê tông mố cầu.

Tìm hiểu được biết, thời gian gần đây do giá xăng, dầu tăng cao cộng thêm việc siết chặt tải trọng nên các đơn vị vận tải cung ứng vật liệu cho cao tốc cũng bị ảnh hưởng.

Khó khăn bủa vây, nhà thầu cao tốc Bắc - Nam vẫn quyết đua tiến độ 3

Sau khi thương thảo, "chốt" được giá bê tông, phía nhà thầu Định An đang tiến hành đổ mố cầu

Có mặt tại gói thầu số gói thầu XL2, ông Cao Văn Hoa, Chỉ huy trưởng công trường (thuộc Công ty TNHH Định An) cho biết: "Từ ngày 13/6 tời nay chúng tôi chỉ làm cầm chừng do giá nhiên liệu tăng, giá vật tư cũng tăng theo. Hiện tại tiến độ của dự án nói chung và gói thầu nói riêng đảm bảo, nhưng nếu kéo dài thì sẽ không nói trước được điều gì".

Theo ông Hoa, trước ngày 13/6 thì trên công trường có hơn 80 đầu xe hoạt động nhưng đến thời điểm này không còn xe nào. Về khối lượng đất đắp K95, nhà thầu cần là 450.000m3, hiện mới đắp được 60%, trong khi cam kết với chủ đầu tư sẽ đắp xong trước ngày 30/7.

"Lúc đầu ký hợp đồng giá dầu là 14.000 đồng/lít nhưng bây giờ đã lên hơn 30.000 đồng/lít. Bình quân một ngày chúng tôi dùng 15.000 lít dầu vì còn khai thác mỏ đất.

Vật tư như bê tông, cát, đá bây giờ cũng tăng theo giá dầu. Chúng tôi cũng mới thương thảo xong với đơn vị cung ứng bê tông đồng ý tăng thêm 150.000 đồng/1m3, như vậy đã tăng gần 20% so với ban đầu để đổ cầu. Các nhà thầu giờ đây gần như đã kiệt sức, khó khăn chồng chất.

Trước mắt chúng tôi làm những phần việc quan trọng để giữ tiến độ và chờ xem có được điều chỉnh giá trực tiếp, điều chỉnh hợp đồng hay không", ông Hoa cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc QLDA cao tốc QL45 - Nghi Sơn (Ban QLDA2 - đại diện chủ đầu tư) cũng cho biết: "Thời gian qua giá xăng dầu tăng cao dẫn đến giá các nguyên vật liệu phục vụ dự án đều tăng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tài chính của các nhà thầu thi công, làm thay đổi kế hoạch cân đối thu chi, tài chính bố trí cho gói thầu của dự án".

Tại dự án Mai Sơn - QL45, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long) cho biết: Hiện nay ở khu vực Ninh Bình vẫn triển khai bình thường, còn trên địa bàn Thanh Hoá có gói XL12 và XL14 bị ảnh hưởng do khối lượng đất, cát lớn trong khi giá nhiên liệu, vật tư tăng cao.

Khó khăn bủa vây, nhà thầu cao tốc Bắc - Nam vẫn quyết đua tiến độ 4

Giá xăng dầu tăng cao dẫn đến giá các nguyên vật liệu phục vụ dự án đều tăng, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của các nhà thầu.

Chạy đua để đảm bảo tiến độ

Tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ghi nhận của PV Báo Giao thông, dọc tuyến các gói thầu, hàng loạt máy móc thiết bị được triển khai nhiều mũi để chạy đua tiến độ.

Ông Trần Văn Thành, Chỉ huy trưởng gói thầu XL09 đoạn qua tỉnh Thừa Thiên- Huế cho hay, hiện đoạn tuyến thuộc gói thầu trên đạt giá trị sản lượng trên 80%, các nhà thầu cũng đang vào cao điểm đẩy nhanh tiến độ để tháng 9 tới hoàn thành.

Theo đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và phòng điều hành dự án tại hiện trường, hiện dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt tiến độ khoảng trên 90%.

Để đảm bảo tiến độ yêu cầu hoàn thành dự án trong tháng 9 tới, đơn vị thường xuyên kiểm tra đôn đốc, động viên các nhà thầu tập trung nỗ lực vượt qua khó khăn, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng ca tăng kíp.

Ông Nguyễn Bá Sỹ, Giám đốc điều hành dự án của Vinaconex, thi công dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu Bãi Vọt cho biết, dù khó khăn nhưng nhà thầu vẫn quyết tâm chấp hành nghiêm các quy định, tự khắc phục bằng việc thuê thêm các phương tiện, chở đúng tải trọng.

"Hiện đã chuẩn bị bước sang tháng 7. Tính ra, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết mùa khô. Nếu không tranh thủ thời gian này thì sẽ rất khó đạt được tiến độ đề ra", ông Sỹ nói.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc QLDA cao tốc QL45 - Nghi Sơn cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét có các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu nhằm giảm giá bán đầu ra cho các nhà thầu thi công.

Đối với một số vật liệu ảnh hưởng lớn đến giá trị của gói thầu như dầu diesel, cần có các chính sách bình ổn giá. Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất phương án địa phương xây dựng chỉ số giá riêng cho dự án, để giá vật liệu thực tế tại thời điểm thi công được cập nhật một cách chính xác nhất.

Ngày 29/6, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng ngành xây dựng Việt Nam.

Trong báo cáo này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội đã nêu rõ biến động giá cả vật liệu quá lớn. Ví dụ như giá thép, nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng hơn 20% (có thời điểm tắng 60%); giá xi măng từ 1.400 đồng/kg (thời điểm quý 4/2020) đến nay tăng 1.980 đồng/kg (chưa kể VAT); giá nhựa đường 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối năm 2020 đến nay tăng 15.000 đồng/kg...

Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao và nếu tính theo tỉ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm tăng giá thành các gói thầu tăng từ 18%-30%.

Ông Hiệp cũng nêu ví dụ: Tổng công ty Vinaconex - nhà thầu đang thi công gói thầu đường cao tốc Mai Sơn - QL45 ngay khi bắt đầu triển khai thi công tính toán lại tất cả cơ cấu giá ở thời điểm ký hợp đồng đã thấy lỗ 46%.

"Chính vì tình trạng giá cả vật liệu biến động mạnh nhưng Nhà nước chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu nên hiện nay hàng loạt nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, đặc biệt các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc Bắc - Nam đang lâm vào cảnh khó khăn; nhiều nhà thầu hiện nay không dám nhận các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật được thị trường", báo cáo nêu.

https://www.baogiaothong.vn/kho-khan-bua-vay-nha-thau-cao-toc-bac-nam-van-quyet-dua-tien-do-d557595.html

Nhóm PV / www.baogiaothong.vn