Ngoài tăng cường tàu, xe, máy bay phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại tăng cao dịp Tết còn có biện pháp bảo đảm cho người dân đón năm mới an vui

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, vừa có Công điện số 1793 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019.

Mở đợt cao điểm bảo đảm ATGT

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ, các sở GTVT lập kế hoạch cụ thể và huy động tối đa phương tiện vận chuyển hành khách bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, không để hành khách về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định; vi phạm, tiêu cực trong hoạt động bán vé tàu, xe, máy bay các ngày cao điểm Tết.

Công điện cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT; không để phát sinh ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP HCM và các tuyến quốc lộ trọng điểm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, Cục CSGT cho biết đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc mở cao điểm bảo đảm ATGT, trật tự xã hội từ ngày 16-12-2018 đến 20-2-2019. Riêng Quốc lộ 1 (đoạn từ Lạng Sơn đến TP HCM), Cục CSGT thành lập 5 cụm công tác, tăng cường cán bộ và trực tiếp chỉ huy CSGT các địa phương để thực hiện đợt cao điểm.

Phạt nặng hãng hàng không để chậm chuyến

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các đơn chuẩn bị phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân ở tất cả loại hình vận tải. Riêng đối với hàng không, phải chuẩn bị thật tốt để tránh tình trạng ùn ứ hành khách tại các sân bay như Tết nguyên đán năm 2018.

khong de nguoi dan lo tet

Hành khách tại Bến xe Miền Đông dịp Tết nguyên đán 2018 Ảnh: GIA MINH

"Phải có giải pháp chống chậm, hủy chuyến theo hướng chuyến nào chậm phải xử phạt nặng các hãng để bảo đảm tính răn đe, tránh tình trạng có hàng triệu hành khách bị chậm chuyến. Bên cạnh đó, có thể tăng cường một số chuyến bay đến sân bay Cần Thơ, Cam Ranh để người dân lân cận không phải qua TP HCM, giảm ùn tắc" - Bộ trưởng GTVT yêu cầu.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết từ nay đến Tết nguyên đán sẽ đưa thêm 32 máy bay, nâng từ 158 lên hơn 180 máy bay để phục vụ nhu cần đi lại. "Các hãng hàng không đã đăng ký tăng chuyến. Dự kiến sẽ tăng thêm 5.800 chuyến với trên 1,1 triệu ghế trong dịp cao điểm" - ông Thắng thông tin.

Hà Nội: Chặn cò mồi, rê dắt khách

Theo ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, dự kiến lượng khách đi lại vào dịp Tết dương lịch tại thủ đô sẽ tăng khoảng 20%-40%; còn dịp Tết nguyên đán sẽ tăng khoảng 50% so với ngày thường. Tuy nhiên, hiện các bến xe chỉ sử dụng khoảng hơn 50% hệ số trọng tải phương tiện nên lượng xe về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Cụ thể, trong các ngày cao điểm, Bến xe Giáp Bát dự kiến tăng 1.120 lượt xe/ngày, Bến xe Mỹ Đình tăng hơn 1.200 lượt xe/ngày.

Công ty CP Bến xe Hà Nội đã yêu cầu các bến xe phối hợp chặt chẽ với công an, thanh tra giao thông bảo đảm trật tự an ninh trên bến; kiểm tra và ngăn chặn việc cò mồi, rê dắt khách...; xử lý nghiêm hiện tượng xe vòng vo đón khách trước cửa bến… "Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị nếu có tăng giá vé một chiều phải gửi đăng ký trước ngày 15-1-2019. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc tăng giá vé, cước lệch chiều của các đơn vị vận tải, ngăn chặn việc thu cao hơn giá vé đã đăng ký" - ông Toàn nói.

Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết sở đã yêu cầu các bến xe niêm yết số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo bến xe, mức cước vận tải; bố trí thêm quầy bán vé, tăng cường nhân viên, không để hành khách xếp hàng dài mua vé. Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đề nghị hỗ trợ phương tiện đưa công nhân (CN)có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo về quê đón Tết nguyên đán miễn phí.

TP HCM: Tết dương lịch không tăng giá vé

Theo Sở GTVT TP HCM, dịp Tết dương lịch 2019, lượng khách đi lại trên các tuyến xe liên tỉnh tăng từ 5%-10% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các tuyến đi đến các khu du lịch, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Còn dịp Tết nguyên đán, sở này dự báo lượng khách sẽ tăng từ 2%-7% so với năm ngoái. Ngày cao điểm, lượt khách xuất bến tại các bến xe có thể đạt gần 130.000 lượt khách/ngày (tăng gần 100% so với ngày thường).

Trước tình hình trên, Sở GTVT cho biết đã lên kế hoạch tăng cường xe khách cũng như lên các phương án điều động nhanh phương tiện tham gia giải tỏa, không để xảy ra ùn ứ. Dịp Tết dương lịch, Sở GTVT TP yêu cầu các doanh nghiệp vận tải và các bến xe không tăng giá vé. Đến Tết nguyên đán, khách tăng cao, cần thiết phải huy động số lượng lớn phương tiện để phục vụ nên giá thành có thể thay đổi nhưng phải thực hiện theo đúng quy định.

Đối với các bến xe liên tỉnh trên địa bàn, Sở GTVT cho biết đã yêu cầu xây dựng, triển khai phương án phục vụ Tết, chuẩn bị đủ vé để bán cho hành khách, cập nhật thông tin số liệu bán vé trước và có đánh giá nhu cầu đi lại để chủ động các phương án phù hợp. Các bến xe phải cung cấp thông tin tuyến đường, giá vé gửi LĐLĐ TP HCM, Thành đoàn TP, Ban Quản lý các KCX-KCN nhằm phổ biến đến CN, học sinh, sinh viên.

Trong khi đó, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở GTVT TP HCM, dịp Tết dương lịch 2019, đơn vị cũng đã lên kế hoạch tăng cường xe buýt ở các tuyến có nhu cầu tăng cao. Từ ngày 29-12-2018 đến 1-1-2019, dự kiến tăng cường 92 chuyến xe buýt, lộ trình chủ yếu là từ các bến xe đến những địa điểm vui chơi, giải trí. Dịp này, lượng khách sẽ tăng cao tại Bến xe Miền Tây nên sẽ tăng cường khoảng 15 xe buýt tại đây để kịp thời giải tỏa hành khách, không để xảy ra tình trạng ùn ứ tại bến.

VĂN DUẨN - GIA MINH

/ https://nld.com.vn