Ngày 7/9, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để quy định dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong đăng kiểm xe. Tuy nhiên, khi hỏi quan điểm của Cục Đặng kiểm về vấn đề này, vị lãnh đạo này đã từ chối trả lời và cho rằng không nên đưa vấn đề ra bàn ở thời điểm này.
- Nghiên cứu trả tiền sau, phạt nguội thẻ ETC không đủ tiền
- Phải khắc phục lỗi dán chồng thẻ ETC trước ngày 20/8
- Quy định dán thẻ ETC khi đăng kiểm ô tô gây ý kiến trái chiều: Bộ GTVT nói gì?
Trước đó, vào đầu tháng 8/2022, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc tăng cường dán thẻ định danh để tham gia dịch vụ thu phí không dừng ETC.Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để quy định việc dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; báo cáo Bộ GTVT trước ngày 30/8/2022.
Từ khi biết về thông tin trên, nhiều người dân tỏ ra bức xúc. Anh Thái Sơn (Thanh Trì, Hà Nội) bày tỏ: “Dán thẻ thu phí ETC và đăng kiểm là quy định hoàn toàn khác nhau. Tôi chỉ chạy xe hợp đồng vận tải hàng hóa trong nội thành, không có nhu cầu đi vào đường cao tốc, tại sao phải dán thẻ ETC?”.
Cùng quan điểm này, chị Hương Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, nhà chị hai vợ chồng có hai xe, nhưng đi đâu xa cũng chỉ đi một chiếc. Do đó, nhà chị không có nhu cầu dán ETC cho cả hai xe. Giờ cơ quan chức năng định gắn trách nhiệm đăng kiểm vào, khác nào bắt nhà chị phải dán và nạp tiền vào thẻ ETC cho cả hai, như vậy sẽ rất lãng phí. Chưa dừng lại, trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội của các tài xế, đặc biệt trong group Oto Fun (OFFB)-nhóm với 1 triệu thành viên tham gia, phần đông ý kiến cho rằng việc dán thẻ thu phí không dừng về bản chất là một giao kèo đã được thực hiện, qua đó người dùng đồng ý sử dụng dịch vụ thu phí không dừng do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện đó.
Một số ý kiến khác cho rằng, sử dụng đường cao tốc, BOT hay không lại là quyền và nhu cầu của mỗi người, có nhiều phương tiện tham gia giao thông họ không có nhu cầu đi lên cao tốc, qua các trạm BOT thì cũng không nên bắt buộc phải dán thẻ ETC làm gì. Thay vào đó nên khuyến khích để người dân nếu thấy thuận tiện thì tham gia.
Luật sư Nguyễn Đức Toàn (Công ty Luật Vimaxasia) cho biết, theo quy định, khi phương tiện đủ các điều kiện như bảo hiểm, đang trong thời hạn được phép lưu hành và không có văn bản pháp luật khác yêu cầu phương tiện không được phép lưu hành thì bắt buộc phải đăng kiểm cho phương tiện. Việc phát sinh thẻ thu phí không dừng (ETC) là tình huống phát sinh của cơ quan quản lý nhà nước về quản lý giao thông đường bộ và ở đây chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ ở những văn bản liên quan đến quản lý nhà nước về đường bộ. Theo đó xét về mặt pháp luật thì không thể quy định bắt buộc phải dán thẻ ETC mới được phép đăng kiểm phương tiện.
“Để quản lý nhà nước thuận lợi và quản lý hệ thống đường bộ đồng bộ về thu phí và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư thì cần phải xây dựng dự thảo Nghị định trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành để đồng bộ hoá quản lý nhà nước với các quy định của pháp luật”, luật sư Toàn cho biết.
Một luật sư khác chia sẻ thêm: Một chính sách mà Bộ GTVT ban hành có tác động rất sâu rộng đến tất cả các chủ thể trong xã hội. Chính vì thế, khi ban hành một chính sách nào thì Bộ GTVT cần căn cứ vào các quyết định của pháp luật hiện hành để các chính sách đó không xung đột với các chính sách pháp luật khác. Trên hết các chính sách đó phải phù hợp, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, cũng như phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tránh việc khi ban hành chính sách thì lại tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện thu phí ETC trên toàn quốc mới đây của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ GTVT vẫn đang tập trung giải quyết, khắc phục triệt để các lỗi, bất cập phát sinh, để đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho người dân khi tham gia thu phí ETC. Trước mắt giải quyết căn cơ các vấn đề đang tồn tại và kiến nghị Chính phủ ban hành khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/QĐ-TTg, để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống thu phí ETC lâu dài và quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Theo thống kê từ hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí ETC là VDTC và VETC, hiện đã có hơn 3,6 triệu phương tiện dán thẻ ETC. Ước tính, cả nước còn khoảng 400.000 phương tiện có nhu cầu, nhưng chưa dán thẻ ETC. Các doanh nghiệp dự kiến sẽ hoàn thành việc dán thẻ ETC trong tháng 12/2022.
https://cand.com.vn/Giao-thong/khong-dung-luat-va-dan-khong-dong-tinh-i666697/