Ngày ngày họ lặn ngụp, mò mẫm dưới hồ, hễ phát hiện có gỗ quý chìa lên khỏi mặt bùn, là tiến hành đào bới lấy gỗ.

Nghĩa địa chìm dưới đáy hồ

Đi bộ ở ven hồ Tây làng Võng Thị, thuộc phường Bưởi (Hà Nội), phóng tầm mắt ra giữa hồ, ai cũng có thể thấy những khối đen sì trồi lên giữa biển nước mênh mông, thi thoảng lại bị những con sóng bạc đầu nhấn chìm. Dùng máy ảnh thu zoom hết cỡ, trên màn hình hiện rõ, đó là những ngôi mộ. Xa hơn, còn một ngôi vài mộ nữa, cũng chơ vơ giữa biển nước. Mùa nước cạn, thì những ngôi mộ phía xa tít tắp hiện ra, mùa nước lớn thì biến mất.

Phải vất vả lắm, tôi mới tìm được ông Nguyễn Viết Bân, nguyên nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân, thuộc Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây. Từ ngày về hưu, ông thay số điện thoại, cắt hết mọi liên lạc và sống như một ẩn sĩ.

kinh di chuyen san quan tai do co va nhung hop so lan loc duoi day ho tay

Ông Nguyễn Viết Bân là người nắm rõ từng góc ngách hồ Tây.

Ông Bân sống trong một ngôi biệt thự, trong một con ngõ sâu hun hút ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Khi gợi chuyện Hồ Tây, những kỷ niệm tràn về. Suốt 40 năm lặn ngụp ở Hồ Tây, ông thuộc nó như thuộc những đường chỉ trên bàn tay mình.

Ông bắt đầu câu chuyện từ nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Các nhà khoa học bao nhiêu năm nay không ngừng tranh luận và đưa ra các giả thuyết về nơi chôn bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương và đề xuất các biện pháp truy tìm mộ mà. Tuy nhiên, theo ông Bân, chả có cách nào tìm được. Bởi vì, theo ông, mộ nữ sĩ nếu được đổ bằng bê tông cốt thép, thì cũng nằm dưới đáy hồ, còn mộ táng bình thường, thì xác thịt nữ sĩ đã tan vào trong nước Hồ Tây từ hàng trăm năm nay rồi. Mộ chí của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có thể cũng chung số phận.

Theo ông Bân, xưa kia Hồ Tây chỉ là một nhánh cụt của sông Hồng, không rộng tới 560 hécta và chứa tới 8 triệu mét khối nước như hiện nay. Bên Hồ Tây, có hàng chục làng mạc cổ, hàng chục cánh đồng, ruộng vườn bám ở mép hồ và cũng có hàng chục cái nghĩa địa, để chôn cất những người trong làng, hoặc chôn người chết ở các làng bên trong.

kinh di chuyen san quan tai do co va nhung hop so lan loc duoi day ho tay

Hồ Tây khu vực làng Xuân La từng có nghịa địa rộng tới 3 héc-ta, hiện đã biến mất dưới đáy hồ.

Trong sử sách cũng chép, thời Lê, các tướng lĩnh sau khi đánh quân Chăm pa, bắt được tù binh, đều tạo điều kiện cho họ lập kế sinh nhai bằng cách khai hoang vùng đất rậm rạp, heo hút quanh Hồ Tây. Người Chăm pa sinh sống lâu ngày, lập lên những ngôi làng đặc thù quanh Hồ Tây suốt hàng trăm năm trời. Sống ven hồ, chết cũng ở ven hồ, nên theo ông Bân, dưới đáy Hồ Tây, có thể vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ Chăm pa. Tuy nhiên, thời gian đã quá lâu, lớp bùn đất bồi lấp, dìm những nghĩa địa này xuống rất sâu rồi.

Cùng với nghĩa địa của người Chăm, còn hàng chục nghĩa địa khác của người Việt hình thành trên những dải đất hoang ven hồ. Chỉ cần lặn xuống đáy Hồ Tây, khu vực làng Hồ, Võng Thị, Trích Sài thuộc Phường Bưởi, có thể phát hiện cả một góc hồ là một nghĩa địa khổng lồ, rộng hàng chục hécta. Toàn bộ đáy Hồ Tây ở khu vực phường Bưởi, là một nghĩa địa. Những nghĩa địa tồn tại từ hàng ngàn năm trước, đã bị những đợt sóng kiên trì của Hồ Tây đánh tan và nhấn chìm xuống đáy bùn.

Theo khảo sát của ông Bân, khu vực làng Xuân La nhìn ra, cũng từng có một nghĩa địa rộng chừng 3 ha, bị sóng Hồ Tây nhấn chìm. Giờ đứng ở đoạn Xuân La nhìn ra, chỉ thấy biển nước mênh mông, với những đợt sóng lớn, đang ngoạm dần vào đường Lạc Long Quân.

Rất nhiều xuồng máy của các doanh nghiệp quản lý, khai thác Hồ Tây bị gãy chân vịt mỗi khi chạy qua khu vực Phủ Tây Hồ. Cảnh tượng Hồ Tây ở khu vực này rất đẹp, song ít ai biết rằng, dưới mặt nước xanh biêng biếc ấy, cách bờ vài trăm mét là một nghĩa địa rộng mênh mông với dày đặc các ngôi mộ nhấp nhô. Những người lái xuống máy không thuộc luồng lạch, chỉ cần sơ xuất một chút là gãy chân vịt khi chạm vào mộ.

Ông Bân từng là người trực tiếp chứng kiến nghĩa địa cuối cùng bị sóng Hồ Tây nhấn chìm dưới xuống đáy, đó là nghĩa địa của làng Nghi Tàm.

kinh di chuyen san quan tai do co va nhung hop so lan loc duoi day ho tay

Ba ngôi mộ cạnh nhau trồi lên khỏi mặt nước ở khu vực làng Võng Thị.

Hồi những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi quân Mỹ bắn phá Hà Nội, ông Bân cùng các chiến sĩ bộ đội đưa pháo cao xạ ra hòn đảo nằm giữa Hồ Tây, gần làng Nghi Tàm, cách bờ chừng 200 mét để ngắm bắn máy bay địch.

Hòn đảo thực tế là một khu đất trong nghĩa địa cổ, song có mặt bằng cao hơn. Khi đó, xung quanh hòn đảo ken dày những ngôi mộ nằm xâm xấp mặt nước đang bị sóng đánh chìm dần.

Những cơn sóng bạc đầu của Hồ Tây trong những ngày gió lớn cứ nối đuôi nhau xô vào đảo, đánh tan cả cái đảo ấy. Giờ đứng bên làng Nghi Tàm nhìn ra, không còn thấy bóng dáng hòn đảo xưa đâu nữa. Nghĩa địa cổ mênh mông của làng Nghi Tàm xưa giờ nằm dưới đáy hồ. Mùa nước cạn, lội xuống khu nghĩa địa này sâu đến ngực, còn mùa nước lớn, ngập quá đầu. Những con tàu lớn, nhà nổi Hồ Tây vẫn chạy qua chạy trên khu nghĩa địa này mà không hề hấn gì.

Những chiếc “tủ ma”

Năm 1966, cơ quan của kỹ sư Nguyễn Viết Bân, nguyên nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân, thuộc Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây, đóng ở làng Yên Phụ. Làm việc ở đây, rồi lấy vợ người trong làng, nên không chuyện gì ở cái Hồ Tây và làng Yên Phụ mà ông không biết.

Những đợt sóng kiên trì của Hồ Tây kéo dài hàng trăm năm đã đánh tan hàng chục làng mạc ven hồ, quật lên hàng chục nghĩa địa cổ. Sóng bào mòn đất, đánh bật nắp quan tài, phơi xương cốt trắng hêu hếu dưới đáy hồ.

Từ những năm 70 đến 80 của thế kỷ trước, làng Yên Phụ nổi lên phong trào mò gỗ quý tại những nghĩa địa dưới lòng Hồ Tây. Hầu hết thanh niên trẻ khỏe, lặn giỏi đều tham gia. Ngày ngày họ lặn ngụp, mò mẫm dưới hồ, hễ phát hiện có gỗ quý chìa lên khỏi mặt bùn, là tiến hành đào bới lấy gỗ.

kinh di chuyen san quan tai do co va nhung hop so lan loc duoi day ho tay

Khu vực từng có nghĩa địa hồ nước rất nông, chỉ đến đầu gối.

Ngày trước, rừng còn nhiều nên người khá giả chết, được chôn trong những chiếc quan tài gỗ vàng tâm, đinh hương, ngọc am dày cộp, nặng trịch, có thể nằm trong lòng đất vài trăm năm không mối mọt, ngâm dưới nước vài trăm năm không mủn.

Họ lấy những tấm gỗ làm quan tài này bán lại cho các xưởng mộc chế tác ra đủ các loại đồ dùng như giường, tủ, bàn ghế, cánh cửa…

Không biết có tin nổi không, nhưng đến một ngày, theo lời kể của ông Bân, một số thợ mộc trong làng, đột nhiên điên khùng, mất trí. Có người điên đến giờ, có người điên một thời gian thì chết. Người dân trong làng kể rằng, khi đánh véc-ni lên những chiếc tủ, cánh cửa làm bằng gỗ quan tài lấy dưới Hồ Tây, cánh cửa và tủ trở nên sáng bóng, rất đẹp, nhưng tự dưng hiện lên hình người. Những thợ mộc nhìn thấy hình người hiện lên, đều kinh hãi rồi mất trí.

Tan nát gia đình vì xâm phạm mồ mả

Cho đến bây giờ, người dân Yên Phụ vẫn còn nhớ đến một gia đình thuộc hàng phú gia ở Yên Phụ, đó là gia đình ông Tường Đ. Ông Tường Đ. có cậu con trai tên Quách Th., ăn chơi nổi tiếng, từng ngông nghênh dám sánh với công tử Bạc Liêu. Năm Quách Th. 30 tuổi thì lấy một cô vợ thuộc hạng đẹp nhất quận Ba Đình. Thế nhưng, theo lời đồn, cũng chỉ vì xâm phạm mồ mả dưới đáy hồ, mà đại gia đình này tan nát.

Hồi năm 1980, khi những con sóng gặm sát mép ngôi biệt thự của gia đình, ông Tường Đ. liền nghĩ ra cách thu lượm tiểu sành dưới đáy hồ để kè.

kinh di chuyen san quan tai do co va nhung hop so lan loc duoi day ho tay

Hai ngôi mộ ở cạnh nhau nổi lên giữa Hồ Tây.

Người con trai Quách Th. và em trai Quách Tr. cùng mấy người làm thuê lặn xuống hồ, thu nhặt được hàng ngàn chiếc tiểu sành để kè bờ, chắn sóng. Họ bới tiểu lên, đổ xương cốt vung vãi khắp hồ.

Điều kỳ dị là, sau khi kè xong bờ, mấy người làm thuê bỏ đi biệt tăm, người em trai Quách Tr. và con trai Quách Th. của ông Tường Đ. không ăn, không nói suốt một tuần, rồi bị tâm thần. Hai chú cháu lang thang vài năm thì chết đuối ở Hồ Tây.

Rồi ngôi biệt thự của ông Quách Đ. cũng bị sóng Hồ Tây nhấn chìm. Đại gia đình ông lâm cảnh nghèo hèn, đói rách cho đến tận bây giờ. Chuyện này, những người lớn tuổi ở làng Yên Phụ đều biết và kể tường tận.

Chiếc hũ muối dưa kỳ lạ

Ngoài việc người dân ven Hồ Tây lặn mò quan tài gỗ tốt, thu lượm tiểu sành kè bờ, thì một thời có cả đội ngũ chuyên lặn mò đồ cổ trong những nghĩa địa dưới đáy Hồ Tây.

Rải rác dưới đáy Hồ Tây có rất nhiều chum, lọ, bát đĩa, bình gốm… toàn là những đồ cổ có tuổi vài trăm năm. Xưa kia, người giàu chết thường được chia của chôn theo. Sóng Hồ Tây đánh bật mộ, những món đồ cổ này cũng lăn lóc đầy dưới đáy hồ.

Giới săn đồ cổ không những mò mẫm, tìm kiếm, mà họ còn bới cả những ngôi mộ chìm dưới lòng đất lên để kiếm đồ cổ.

kinh di chuyen san quan tai do co va nhung hop so lan loc duoi day ho tay

Ông Nguyễn Văn Tiến từng có chiếc hũ muối dưa kỳ lạ lấy từ nghĩa địa dưới đáy hồ Tây.

Ông Nguyễn Văn Tiến, người có thâm niên 20 năm kéo cá thuê ở Hồ Tây từng lượm được rất nhiều đồ cổ đem bán. Phần lớn những món đồ này dính vào lưới vét. Trong số những món đồ ông kiếm được, có một cái hũ rất đẹp. Lòng chiếc hũ láng men xanh, mặt ngoài có nhiều hình vẽ cổ quái.

Chiếc hũ đó ông Tiến kiếm được trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đợt đó, khi kéo lưới vào sát khu vực nghĩa địa cạnh làng Võng Thị thì lưới bị mắc, không thể kéo được.

Ông Tiến bơi lại kiểm tra phần lưới bị mắc thì phát hiện lưới mắc vào chiếc quan tài. Ông cùng mấy thợ kéo lưới khi gỡ lưới thì chiếc quan tài bật nắp. Trong chiếc quan tài đó có một số đồ cổ bằng sành, sứ, trong đó có chiếc hũ là đẹp nhất.

Duy chiếc hũ này ông Tiến không bán, mà đem… muối dưa để ăn. Điều lạ là dưa muối cả chục ngày không thấy lên men chua, lá dưa vẫn tươi nguyên như ngày mới đổ vào. Sợ quá, ông không muối dưa nữa, mà rửa sạch cất vào trong tủ. Thế nhưng, vài ngày sau, trộm phá khóa vào lấy đi mất. Cũng thật kỳ lạ, bọn trộm không lấy gì khác ngoài chiếc hũ ông lượm được dưới đáy hồ Tây.

Đặc sản tôm Hồ Tây bắt từ… nghĩa địa?

Ông Tiến là người hiểu luồng lạch Hồ Tây nhất. Chỗ nào lắm cá, ông đều biết cả. Mỗi khi thả lưới, động hồ, những con trắm đen nặng 40-50kg, to như quả bom, lại lũ lượt kéo nhau vào trú trong những khu nghĩa địa. Những điểm này mấp mô, lưới vét bất lực. Do đó, mỗi khi kéo cá, người ta phải dùng gậy gộc sục xạo, xua đuổi đàn cá ra ngoài mới bắt được.

Mỗi khi lưới quây vào khu vực nghĩa địa, thứ mắc vào lưới nhiều nhất là xương cốt, đầu lâu. Những cái đầu lâu ngâm trong nước hàng trăm năm mà không mục nát, cứ trắng lốp, rất sạch sẽ, trông như đầu lâu làm bằng thạch cao.

kinh di chuyen san quan tai do co va nhung hop so lan loc duoi day ho tay

Bắt tôm ở khu vực có nghĩa địa.

Trong các khu nghĩa địa, cá trê và tôm là hai loài trú ẩn nhiều nhất. Giống cá trê thường thích đào hang ở những khu vực có mồ mả. Chúng đào tung cả mồ mả để làm hang ổ. Đàn cá trê cũng góp phần rất lớn cùng với sóng phá tan các khu mồ mà dưới đáy Hồ Tây.

Giờ đây, đi lang thang quanh Hồ Tây, đến các khu vực có nghĩa địa nằm dưới, ta có thể gặp nhiều người lặn ngụp mò tôm. Tại những nghĩa địa này, người ta thả xuống hàng ngàn rọ tôm, rồi hàng ngày lội xuống nhấc rọ giũ lấy tôm. Những người mò tôm ở các làng ven hồ thậm chí còn nhấc cả đầu lâu lên để nhặt lấy tôm.

Điều đặc biệt là tôm Hồ Tây rất ngon, rất bùi. Người mê ẩm thực cả nước đều biết đến món bánh tôm Hồ Tây nổi tiếng, vẫn còn hiện diện bên đường Thanh Niên. Chỉ có điều, tôm ở đây có phải làm từ tôm Hồ Tây, và có phải bắt từ những khu nghĩa địa dưới đáy Hồ Tây hay không, thì không ai biết được.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, trước đây, mỗi mẻ lưới, có đến cả tạ tôm dính vào, nhưng giờ tôm Hồ Tây là của hiếm, may ra chỉ có một vài ký dính vào lưới mà thôi. Người ta chỉ có thể nhặt nhạnh tôm bằng cách thả rọ bẫy ở những khu vực có nghĩa địa.

/ https://vtc.vn