Cứ vào đầu năm học mới, việc lạm thu trong trường học lại nổi lên, được nhiều phụ huynh quan tâm chia sẻ, bàn luận trong các hội nhóm trên mạng xã hội.
- Hơn 22 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới
- Năm học mới với quyết tâm mới, giải pháp mới
- Giải bài toán quá tải trường lớp, thiếu giáo viên trong năm học mới
Các khoản lạm thu trong trường học như: mua sắm máy lạnh, ti vi, quạt điện, máy tính, máy chiếu, bàn ghế, sửa chữa sân trường, nhà để xe học sinh,… thậm chí là giáo viên chủ nhiệm xin tiền phụ huynh học sinh để mua laptop. Sự việc này diễn ra ở Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Phụ huynh phản ánh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3 Trường Tiểu học Chương Dương xin quyên góp tiền của phụ huynh trong lớp để mua laptop cho cá nhân. Khi phụ huynh phản ứng việc này, cô giáo đã dọa không soạn đề cương cho học sinh học.
Theo đó, tại buổi họp phụ huynh đầu năm của học sinh lớp 4/3 trường này vào sáng 14/9, cô T.P.H. là giáo viên chủ nhiệm nói với phụ huynh trong lớp rằng cô mới bị mất laptop, nên muốn phụ huynh ủng hộ tiền để mua laptop cho mình.
Trưa 14/9, cô H. nhắn vào nhóm Zalo của lớp với nội dung là sau buổi họp phụ huynh dịp đầu năm đã có 29 phụ huynh đóng. Hiện cô đang giữ số tiền 14.500.000 đồng. Cô sẽ đưa cô bảo mẫu 300.000 đồng, ủng hộ Quỹ khuyến học 500.000 đồng, còn lại 13.700.000 đồng cô lấy để mua laptop, còn bao nhiêu cô sẽ báo lại phụ huynh.
Lớp 4/3 có nhóm Zalo có 47 thành viên, có 26 phụ huynh đồng ý, 3 người không đồng ý và 18 người không nêu ý kiến. Sau đó, cô H. chụp hình 2 laptop, 1 cái giá 5,5 triệu đồng màu xám và cái màu đen có giá 11 triệu đồng. Cô nói cô lấy máy 11 triệu đồng màu đen, dữ liệu chạy nhanh, phụ huynh hỗ trợ 6 triệu đồng, cô bù 5 triệu đồng. Cô hỏi phụ huynh có đồng ý không thì có một phụ huynh không đồng ý, cô H. nhắn tin lại hỏi phụ huynh không đồng ý là phụ huynh của bé nào và sau đó khóa bình chọn nhóm Zalo.
Đến ngày 17/9, cô H. tiếp tục nhắn trong nhóm Zalo của lớp với nội dung: “Tối qua và sáng nay cô đã nhận nhiều tin nhắn và điện thoại của phụ huynh năn nỉ cô nhận phần hỗ trợ của lớp. Cô xin nói rõ quan điểm của cô là cô sẽ không nhận nha phụ huynh. Và cô cũng không phải soạn đề cương ôn tập cho các con. Cô thống nhất bài ôn và phụ huynh tự ôn ạ. Cô cảm ơn phụ huynh. Vậy nha phụ huynh”.
Đến ngày 24/9, cô H. gửi bản chụp các chi phí những khoản đã chi sau khi nhận tiền từ phụ huynh, nhưng trong bản thu chi này vẫn ghi khoản tiền laptop 6 triệu đồng, loa 2 triệu đồng…
Hiện Hiệu trưởng Trường tiểu học Chương Dương và Trưởng phòng GD&ĐT quận 1, TP Hồ Chí Minh, đều chưa cung cấp thông tin cho báo chí, hẹn ngày 30/9 sẽ có thông tin phản hồi vụ việc này.
Được biết, trong biên bản cuộc họp chiều 24/9 của Trường Tiểu học Chương Dương, cô H. đã nhận sai khi vận động phụ huynh trang bị laptop cho mình và sai khi giữ tiền quỹ lớp.
Theo một số phụ huynh lớp 4/3, khi nhà trường tổ chức buổi đối thoại về vấn đề này vào ngày 24/9, dù nhận sai và xin lỗi nhưng thái độ của cô H. vẫn không chân thành. Vì vậy, dù trường tổ chức hòa giải nhưng vẫn có đến 25/27 phụ huynh tham dự ký đơn xin đổi giáo viên chủ nhiệm hoặc chuyển lớp cho con em mình.
Còn tại Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), phụ huynh có con học một lớp 11 của trường này phản ánh thầy giáo chủ nhiệm của lớp kêu phụ huynh chuyển tiền đóng góp vào tài khoản cá nhân của thầy.
Nội dung tin nhắn của thầy L. là: “Kinh phí hoạt động của trường là 400.000 đồng (cả năm), Quỹ khuyến học là 100.000 đồng (cả năm), Kinh phí hoạt động tại lớp (học kỳ 1) là 500.000 đồng. Tổng cộng là 1.000.000 đồng, quý phụ huynh chuyển khoản trực tiếp cho thầy 1.000.000 đồng. Quý phụ huynh chuyển khoản cho Mẹ bé Q.A. 500.000 đồng để làm kinh phí hoạt động của hội cha mẹ học sinh lớp ạ. Xin cảm ơn quý phụ huynh thật nhiều”.
Ngày 24/9, thầy Trịnh Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu xác nhận ở trường có thầy L. hiện đang chủ nhiệm lớp 11. Thầy Quân khẳng định, nhà trường đã nhắc nhở, không cho phép giáo viên chủ nhiệm thu tiền vận động tài trợ, kinh phí hoạt động rồi chuyển qua tài khoản cá nhân, mà tất cả đều phải chuyển vào tài khoản của nhà trường. Việc giáo viên chủ nhiệm nhận tiền của phụ huynh như vậy là sai sót cá nhân.
Thầy L. là người đã nhận tiền đóng của phụ huynh cho biết, năm nay là năm đầu tiên thầy thực hiện công tác chủ nhiệm lớp học nên đã có thiếu sót xảy ra. Việc thu tiền này đã được các phụ huynh trong lớp đồng ý. Thầy chỉ cầm giùm phụ huynh rồi sau đó cũng tổng kết, nộp hết 1 lần về tài khoản của trường.
Đến ngày 25/9, thầy L. đã thu tiền của 33/36 phụ huynh trong lớp đóng góp. Thầy L. đã chuyển vào tài khoản của nhà trường số tiền 16.500.000 đồng. Số tiền còn lại là kinh phí hoạt động của lớp, nhà trường sẽ yêu cầu thầy L. chuyển trả lại cho ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp.
Còn tại Trường THCS Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, phụ huynh học sinh phản ánh nhận được thư của Ban đại diện cha mẹ học học sinh của trường vận động lắp ti vi cho các phòng học (phụ huynh các lớp học hai buổi). Theo thư vận động, Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ phụ trách trực tiếp gắn đồng loạt ti vi trong 64 phòng học, loại 65-inch LG với giá 11.000.000, gia công làm khung TV và công lắp khung 2.000.000. Như vậy, mỗi phòng học là 13.000.000 đồng.
Nhiều phụ huynh cho biết, cái gì cũng đổ lên đầu phụ huynh, từ bàn ghế, điều hòa, máy chiếu, quạt, rèm cửa, ti vi, máy chiều,... đến chi phí các hoạt động khác. Vậy, nhà trường đầu tư những gì ngoài căn phòng cho các học sinh che mưa, nắng. Cơ sở vật chất như vậy có đủ điều kiện nhận học sinh không?