Bất chấp áp lực từ những biến động của tình hình thế giới, các chuyên gia kinh tế đều tin tưởng, lạm phát cả năm của Việt Nam sẽ được giữ ở mức an toàn, dưới 4%.

11
Kinh tế 6 tháng năm  2022 khởi sắc ở nhiểu ngành, lĩnh vực

Thông tin tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo năm 2022 tổ chức ngày 5/7,  PGS TS. Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

Lạm phát ở nhiều nước phương Tây đã lên mức cao nhất trong khoảng 30 - 40 năm gần đây (ví dụ: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 của Mỹ tăng 8,6%; của khối Eurozone tháng 6 tăng 8,6%; của Anh tháng 5/2022 tăng 9,1%...).

Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt, góp phần quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất khẩu hàng hóa... Tuy nhiên, kinh tế trong nước sau 6 tháng đầu năm đang nổi lên là áp lực kiểm soát lạm phát.

Lạm phát cả năm sẽ ở mức 3,3-3,9%

Số liệu cho thấy, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng cao hơn của bình quân cùng kỳ năm 2021, nhưng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng CPI bình quân 6 tháng của các năm trong giai đoạn từ 2017 - 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,25% so với bình quân cùng kỳ năm 2021 (cao hơn của bình quân cùng kỳ năm 2021, nhưng thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu này của các năm 2017 - 2020)…

Phân tích nguyên nhân chủ yếu tác động tới diễn biến giá cả, thị trường, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu: Giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước; giá gas tăng 25,92%; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm) do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng; giá vật liệu, giá gạo tăng…

Tuy nhiên, ông Minh cũng đưa ra dự báo chỉ số CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3-3,9% do trong 6 tháng cuối năm 2022 thị trường và giá cả ở Việt Nam xuất hiện những nhân tố kiềm chế tốc độ tăng CPI.

Thứ nhất, trên thế giới, tình hình dịch bệnh (Covid-19, đậu mùa khỉ…) sẽ còn diễn biến phức tạp, tương lai cuộc chiến Nga - Ukraine rất khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao như 6 tháng đầu năm.

Thứ hai, ở trong nước, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan. Điều này cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…

Thứ ba, ở điều hành kinh tế vĩ mô, Việt Nam hiện vẫn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.

Ông Nguyễn Xuân Định – Phó Trưởng phòng Chính sách - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhấn mạnh, mặt bằng giá trong nước 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng do áp lực từ biến động tăng cao của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược.

CPI 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, khí hóa lỏng tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều mặt hàng cũng giảm giá đã kìm giữ lạm phát ở mức không đáng lo ngại.

“Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua. Đặc biệt, Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân”, ông Định dẫn chứng.

12
Các chuyên gia kinh tế đều tin tưởng, lạm phát cả năm sẽ được giữ ở mức an toàn, dưới 4%

Tự tin “ghìm cương” lạm phát

Chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long cho rằng, 6 tháng đầu năm kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, nhìn chung lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

Ông Độ đưa ra hai kịch bản cho lạm phát năm nay. Thứ nhất, để lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng”.

Thứ hai, hiện nay, giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Fed tăng lãi suất mạnh với tần suất cao.

Bởi vậy, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này lạm phát trung bình trong năm nay sẽ ở mức dưới 3,5%.

Ông Nguyễn Xuân Định nhận định, trong nửa cuối năm 2022, nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát như: Căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực cũng như tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhất là trong lĩnh vực thương mại dự báo vẫn diễn biến phức tạp và có các tác động tới kinh tế trong nước và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ; Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta; giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…

Tuy nhiên, bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định; Giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá sẽ góp phần "hạ van" lạm phát.

Thái Hoàng / Thời báo Ngân hàng