Trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan tới đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia háo hức đón chào làn sóng khách du lịch từ đất nước đông dân nhất thế giới nhưng với tâm lý thận trọng. Để hạn chế rủi ro, các quốc gia cần triển khai giải pháp đón du khách Trung Quốc một cách hài hòa và hiệu quả.

Khách du lịch từ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực châu Á.

Gần ba năm vừa qua, Trung Quốc đã áp dụng chính sách "Zero Covid" nghiêm ngặt, từ chối cấp lại hộ chiếu đã hết hạn, qua đó hạn chế đáng kể hoạt động đi lại quốc tế. Giờ đây, việc người dân nước này có thể ra nước ngoài trở lại kể từ ngày 8-1 tới đây được dự báo sẽ tác động to lớn đến thị trường du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung. Thực tế, khoản chi tiêu toàn cầu 255 tỷ USD/năm của khách du lịch Trung Quốc cũng đã đình trệ trong suốt thời gian đại dịch diễn ra, khiến nhiều quốc gia bị sụt giảm nguồn thu lớn này.

Nhiều đánh giá cũng kỳ vọng, việc Trung Quốc mở cửa ngay trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ trở thành “phát pháo hiệu” cho ngành du lịch toàn cầu năm 2023, khi hàng triệu người dân nước này có kế hoạch đi du lịch nước ngoài. Hiện, nhiều công ty du lịch đã ghi nhận lượng đặt vé quốc tế và tìm kiếm thông tin thị thực từ Trung Quốc tăng 5-8 lần kể từ khi thông báo mở cửa được phát đi. Tuy nhiên, trước cơ hội lớn, bên cạnh thúc đẩy các nỗ lực chuẩn bị đón khách, các quốc gia vẫn tỏ ra thận trọng, do dự, chủ yếu bởi lo ngại dịch Covid-19. Tâm lý này dẫn đến thực tế là nhiều điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc bắt đầu áp đặt các hạn chế.

Mỹ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với khách du lịch từ Trung Quốc. Theo đó, từ ngày 5-1, tất cả hành khách từ 2 tuổi trở lên đi máy bay tới Mỹ sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính không quá hai ngày trước khi khởi hành từ Trung Quốc đại lục, Hongkong, Macau cũng như các cửa ngõ phổ biến của nước thứ ba, như Seoul (Hàn Quốc); Toronto và Vancouver (Canada). Quy định này cũng được Anh, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Australia… và nhiều nước khác áp dụng. Ấn Độ cũng có hướng dẫn tương tự áp dụng với du khách từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Chặt chẽ hơn, Hàn Quốc yêu cầu khách từ Trung Quốc đại lục phải xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành, trong khi Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đều yêu cầu kiểm tra bắt buộc khi đến đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục. Nếu có kết quả dương tính, du khách sẽ phải cách ly (khoảng 7 ngày). Một số nước còn có kế hoạch cung cấp mũi tiêm vắc xin bổ sung cho du khách Trung Quốc, kể cả những người đã tiêm vắc xin Sinovac trước đó và yêu cầu phải có chứng nhận bảo hiểm du lịch sẵn sàng chi trả cho việc lây nhiễm Covid-19.

Trước việc “hàng rào” phòng dịch được các nước ồ ạt triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, dù tâm lý cẩn trọng là chính đáng, nhưng những biện pháp phòng vệ quá khắt khe có thể dẫn tới tác động tiêu cực. Bản thân nhiều nước và khối cũng chưa nhất trí được cách đối phó với nguy cơ lây nhiễm từ làn sóng du lịch mới. Đơn cử, trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Italia nỗ lực kêu gọi các nước xét nghiệm du khách đến từ Trung Quốc, nhưng Đức lại tỏ ra dè dặt trước đề xuất này. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng chỉ trích các hạn chế nhập cảnh mà nhiều quốc gia áp đặt với người đi từ Trung Quốc là "vô lý và thiếu cơ sở khoa học".

Trong bối cảnh đó, rõ ràng ưu tiên cấp bách lúc này đối với các chính phủ là phải có được những giải pháp kiểm soát dịch đồng bộ, hài hòa và phù hợp với điều kiện thực tế, vừa bảo đảm an toàn cho đất nước và người dân, vừa có thể đón du khách an toàn, khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế của việc khách du lịch Trung Quốc quay trở lại.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/The-gioi/1052293/lan-song-du-lich-moi-cua-cac-du-khach-trung-quoc-can-giai-phap-hai-hoa-va-hieu-qua

HOÀNG LINH / HNM.com.vn