Hiện tại, các nhà quản lý của bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT) đang hối hả với việc chuẩn bị cho kế hoạch năm 2025 nhằm lấy lại vị thế ở khu vực Đông Nam Á cũng như tìm ra những gương mặt sáng giá chuẩn bị cho hành trình giành vé dự Olympic.

Vui vừa phải

Tại giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á 2024 vừa qua, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã giành 5 HCV, 5 HCB, 10 HCĐ trong 12 nội dung thi đấu. Đó là kết quả chấp nhận được so với chất lượng của dàn VĐV Việt Nam hiện tại.

kiếm chém cá nhân nam.jpg -0
Các tuyển thủ Việt Nam nội dung kiếm chém nam thi đấu tại Giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á năm 2024.

Với người trong nghề, nếu phân tích kỹ thì cũng có nhiều điều để suy ngẫm. Trong đó rõ nhất là việc Singapore không cử những VĐV hàng đầu của mình tham dự giải. Điều đó đương nhiên tạo ra những thuận lợi cho các kiếm thủ Việt Nam trên hành trình giành huy chương. Trong khi đó, ở Đông Nam Á, Singapore mới là đội đang đứng đầu ở môn đấu kiếm chứ không phải là Việt Nam như trước đây.

Thế nên, việc vắng nhiều tay kiếm hàng đầu của Singapore cũng đồng nghĩa các tay kiếm Việt Nam chưa thể đánh giá chính xác nhất về trình độ chuyên môn của mình tại khu vực Đông Nam Á. Cũng vì vậy, niềm vui vì giành 5 HCV tại Giải vô địch Đông Nam Á cũng ở mức vừa phải.

Và trước mắt, câu hỏi sẽ giành bao nhiêu HCV tại SEA Games 33 tới tại Thái Lan vào năm 2025 vẫn chưa có lời giải tương đối chính xác. Cứ theo tính toán của giới làm nghề, nhiều khả năng đấu kiếm Việt Nam chỉ có thể giành 2 HCV tại SEA Games tới. Trong khi với thực lực của mình, Singapore có thể giành tới 5 HCV, đội chủ nhà Thái Lan có thể giành 3 HCV. 3 HCV còn lại sẽ là cuộc tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Malaysia...

Tính toán ấy đưa ra dựa trên màn trình diễn tại Giải vô địch Đông Nam Á vừa qua cũng như những thông tin về sự đầu tư dành cho các tay kiếm của Singapore hay Thái Lan. Chắc chắn, mức đầu tư ấy lớn hơn rất nhiều so với mức đầu tư cho các tay kiếm Việt Nam. Cũng vì thế, lịch trình thi đấu quốc tế của các tay kiếm hàng đầu Singapore, Thái Lan thực sự dày đặc. Và đi kèm là sự vươn lên về trình độ, đẳng cấp.

Đó là bài học cho đấu kiếm Việt Nam sau nhiều năm duy trì vị thế hàng đầu khu vực Đông Nam Á, từng có lúc giành tới 4 vé dự Olympic (năm 2016). Nhưng khi sự đầu tư từ cấp trung ương đến địa phương cho những VĐV chủ lực bị hạn chế cũng là lúc đấu kiếm Việt Nam dần mất vị thế ở khu vực Đông Nam Á. Và đi kèm đó đều không thể giành vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020 (năm 2021) và Olympic Paris 2024.

Nguyên phụ trách bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT) Phùng Lê Quang từng chia sẻ rằng, cần nhiều yếu tố để duy trì vị thế tại khu vực Đông Nam Á, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện đến tạo điều kiện để VĐV đi thi đấu quốc tế liên tục. Nhưng với đấu kiếm Việt Nam, mỗi thứ thiếu một chút dẫn tới gặp khó khăn trong duy trì vị thế ngay ở khu vực Đông Nam Á dù vẫn còn đó yếu tố con người.

Trông vào sự gồng gánh của các địa phương

Trong cuộc trao đổi gần đây, Trưởng bộ môn đấu kiếm (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Phạm Anh Tuấn cho hay, đấu kiếm Hà Nội vẫn dành nguồn kinh phí đáng kể để chung tay với bộ môn kiếm của Cục TDTT đưa VĐV Hà Nội trong thành phần đội tuyển quốc gia đi thi đấu quốc tế. Thậm chí với sự chủ động của mình, Hà Nội cũng có thể tạo điều kiện đưa VĐV đi thi đấu ở những giải quốc tế không trong kế hoạch tham dự của bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT). Đây có thể xem là cách làm phổ biến hiện nay ở môn đấu kiếm tại Việt Nam. Trong đó, phía bộ môn của Cục TDTT làm đầu mối để lên kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế cho các đội tuyển quốc gia bên cạnh sự chung tay từ đơn vị chủ quản VĐV.

Cũng phải kể thêm, từ hơn 20 năm nay, từ khi môn đấu kiếm được phát triển tại Việt Nam với nơi khởi phát là Hà Nội, thể thao Hà Nội luôn chủ động phối hợp với phía bộ môn của Cục TDTT để tạo ra những lớp VĐV tài năng, cáng đáng tốt nhiệm vụ quốc tế. Trong sự phối hợp đó, phía Cục TDTT sẽ chịu trách nhiệm kinh phí thi đấu quốc tế cho một số VĐV nhất định. Còn Hà Nội và một số địa phương, ngành khác sẽ góp phần kinh phí để tạo điều kiện cho VĐV của mình trong thành phần đội tuyển quốc gia được thi đấu quốc tế.

Không kể, nhiều giai đoạn, các chuyên gia ngoại của đội đấu kiếm Hà Nội cũng được đưa sang hỗ trợ đội tuyển quốc gia, đặc biệt khi đội tập trung tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội. Rồi hệ thống cơ sở phục vụ tập luyện môn đấu kiếm ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội cũng là nơi để các đội tuyển quốc gia tập luyện.

Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng là đơn vị có sự hỗ trợ tương đối tốt với phía bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT) trong việc nâng cao trình độ cho VĐV thông qua cử VĐV thi đấu quốc tế.

Tuy nhiên, sự phối hợp này sẽ còn phải chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt khi vào năm 2025, bộ môn đấu kiếm (Cục TDTT) chủ trương dùng kinh phí thi đấu quốc tế được cấp dồn cho một số VĐV chủ lực nhằm bảo đảm cơ hội giành HCV tại SEA Games 33 cũng như chuẩn bị cho hành trình giành vé dự Olympic 2028. Đương nhiên, các địa phương có VĐV chủ lực cũng sẽ cần chung tay để thực hiện đúng lộ trình.

 Ở khía cạnh khác, việc mở ra nhiều hơn cơ hội thi đấu cho các VĐV, kể cả giải trong nước cũng vẫn cần thiết. Hà Nội từng tổ chức những giải đấu kiếm theo hướng “gọn, nhẹ” về thủ tục, điều kiện thi đấu, giải thưởng (giải Nhất thường ở mức 500 nghìn đồng) và mang đến hiệu quả rõ rệt về chuyên môn. Đến lúc này, cần khơi lại những giải đấu như vậy để giữ được trạng thái thi đấu. Không kể, trong thực lực của mình, mỗi địa phương, ngành cũng cần tự đào tạo những VĐV tài năng theo cách của mình để đóng góp cho các cấp độ đội tuyển quốc gia.

Tất cả đều không thừa nếu muốn để đấu kiếm Việt Nam lấy lại vị thế hàng đầu Đông Nam Á.

Đầu tàu Hà Nội

Từng có một cơ chế đầu tư khá thông thoáng, khoa học, luôn tạo điều kiện tối đa để VĐV đi tập huấn, thi đấu quốc tế, đấu kiếm Hà Nội đã sản sinh ra nhiều lứa VĐV tài năng, từng giành vé dự Olympic 2016 như Nguyễn Thị Lệ Dung, Nguyễn Thị Như Hoa, Đỗ Thị Anh và đặc biệt là Vũ Thành An. Đến hiện tại, các VĐV Hà Nội vẫn đang chiếm vai trò chủ lực tại đội tuyển quốc gia. (Minh Khuê)

https://cand.com.vn/the-thao/lay-lai-vi-the-cho-dau-kiem-i753779/

Minh Hà / CAND