Lỗ thủng tầng ozone năm nay phát triển lớn hơn diện tích nước Nga do chịu ảnh hưởng của xoáy cực mạnh.
Lỗ thủng ozone ngày 11/9/2020. Ảnh: CAMS. |
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông báo, lỗ thủng ozone phía trên châu Nam Cực mở rộng nhanh từ giữa tháng 8 và đạt cực đại vào đầu tháng 10 với diện tích khoảng 24 triệu km2, lớn hơn nước Nga, IFL Science hôm 7/10 đưa tin. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS), NASA, Cơ quan Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada, WMO tính toán lỗ thủng hiện nay rộng khoảng 23 triệu km2, lớn hơn mức trung bình trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, đây không hẳn là dấu hiệu của thảm họa môi trường. Lỗ thủng ozone lớn do chịu ảnh hưởng của một xoáy cực (polar vortex) lạnh và mạnh. Nó sẽ không duy trì trạng thái này vĩnh viễn. Kích thước của lỗ thủng ozone dao động một cách tự nhiên mỗi năm, đạt cực đại từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 và có thể trở về bình thường vào cuối năm. Thực tế, lỗ thủng ozone phía trên châu Nam Cực năm ngoái là lỗ thủng nhỏ nhất trong vài thập kỷ.
"Sự phát triển của lỗ thủng ozone mỗi năm không giống nhau. Lỗ thủng năm nay giống với năm 2018, nó cũng có kích thước lớn", Vincent-Henri Peuch, giám đốc CAMS, cho biết.
"Vài tuần qua, với sự trở lại của ánh nắng Mặt Trời ở Nam Cực, chúng tôi nhận thấy lượng ozone liên tục giảm tại khu vực này. Năm 2019, lỗ thủng ozone nhỏ khác thường và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do các điều kiện khí tượng đặc biệt. Nhưng lỗ thủng ozone năm nay khá lớn. Điều này cho thấy chúng ta cần tiếp tục thực hiện Nghị định thư Montreal nhằm ngăn chặn việc phát thải những hóa chất làm giảm lượng ozone", Peuch giải thích.
Tầng ozone thuộc tầng bình lưu, nằm ở độ cao 15-30 km phía trên bề mặt Trái Đất và có nồng độ khí ozone cao hơn các vùng khác của khí quyển. Tầng ozone đóng vai trò như một tấm khiên cho Trái Đất, hấp thụ phần lớn tia cực tím độc hại từ Mặt Trời. Hóa chất do con người tạo ra, gồm các chất làm lạnh và dung môi, có thể làm giảm lượng ozone khi bay lên tầng bình lưu.
Tầng ozone cũng chịu ảnh hưởng của nhiệt độ trong tầng bình lưu. Một xoáy cực xuất hiện gần đây khiến tầng bình lưu trở nên lạnh giá, tạo điều kiện cho mây xà cừ hình thành. Loại mây ở độ cao lớn này chỉ xuất hiện khi nhiệt độ thấp hơn -78 độ C. Mây xà cừ góp phần thúc đẩy những phản ứng hóa học gồm các hóa chất nhân tạo làm giảm lượng ozone, khiến tầng ozone càng thu nhỏ.
Nhiệt độ tại Nam Cực tăng nhanh gấp 3 lần phần còn lại của Trái Đất Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy Nam Cực - nơi xa xôi hẻo lánh nhất của Trái Đất - nóng lên với nhiệt độ ... |
Tảng băng nghìn tỷ tấn tách khỏi Nam Cực sắp đến ngày "tận số"? Tảng băng nặng nghìn tỷ tấn A-68 có thể đang bắt đầu quá trình phân tách băng và không còn giữ nguyên diện tích khổng ... |