Thời gian gần đây các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử và đài truyền hình liên tục phản ánh về tình trạng loạn quảng cáo, giả dối, mạo danh trong quảng cáo trên mạng xã hội.

Nhiều sản phẩm được quảng cáo đã mạo danh cơ quan nghiên cứu (như Viện Hàn Lâm), bệnh viện có uy tín (như viện 108, 103), cơ sở sản xuất, mượn danh của báo đài có uy tín để đánh lừa người tiêu dùng.

Một số cá nhân thậm chí là nghệ sỹ có uy tín cũng tham gia giả làm người sử dụng sản phẩm và khẳng định có hiệu quả để lừa dối khách hàng.

Đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn dân được quảng cáo không đúng chất lượng nhưng được đội lốt các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và các nghệ sỹ, cá nhân có uy tín để mê hoặc người bệnh, và kết quả là tiền mất tật mang.

lua-dao-qua-mang
Ảnh minh họa

Có những bệnh mà y học thế giới còn chưa tìm ra thuốc chữa nhưng ở Việt Nam nhiều người, nhiều nơi quảng cáo là chữa khỏi 100%. Ví dụ như bệnh tiểu đường số người mắc đang gia tăng thì lập tức các ông lang, bà lang từ miền xuôi đến miền ngược thi nhau quảng cáo là thuốc gia truyền, chỉ cần dùng một liệu trình là khỏi vĩnh viễn và không cần dùng thêm loại thuốc nào khác.

Điều đáng nói là các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc quản lý quảng cáo lại án binh bất động mặc cho sự lừa dối hoành hành. Vì sao vậy?

Trước năm 2007, Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo là Bộ Văn hóa – Thông tin. Năm 2000, Bộ Thương Mại (lúc đó chưa sát nhập thành Bộ Công Thương) đã có ý kiến đưa quản lý quảng cáo về Bộ Thương Mại với lý do quảng cáo là thương mại. Nhưng Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ Văn hóa – Thông tin với lý do quảng cáo là Thông tin và Bộ này đang quản lý nhà nước về báo chí, phương tiện quảng cáo chủ yếu là báo đài, lúc đó chưa có quảng cáo trên mạng xã hội.

Để một sản phẩm được quảng cáo trên báo, đài thì phải được các bộ quản lý nhà nước về sản phẩm đó cấp phép, chứng thực chất lượng. Bộ y tế cấp phép quảng cáo các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng và các sản phẩm khác thuộc ngành y, dược. Các bộ như nông nghiệp, thương mại, công nghiệp chịu trách nhiệm cấp phép các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Các cơ quan báo chí chỉ được quảng cáo sản phẩm khi có giấy phép của các bộ và phải đảm bảo quảng cáo đúng chất lượng, tác dụng của sản phẩm như đã được cấp phép.

Năm 2007, thành lập Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, nhưng chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo lại thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Trong khi đó Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý các phương tiện truyền thông bao gồm 4 loại hình báo chí, mạng xã hội và các nhà mạng lại không phải là Bộ chịu trách nhiệm chính về quản lý nhà nước trong quảng cáo.

Ngay quảng cáo ngoài trời lẽ ra thuộc lĩnh vực quản lý của thông tin cơ sở thì đến nay vẫn thuộc văn hóa cơ sở.

Thực ra yếu tố văn hóa trong các sản phẩm quảng cáo chỉ là hình thức quảng cáo chứ không hoàn toàn là nội dung quảng cáo.

Chính vì sự mập mờ về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo mới xảy ra tình trạng loạn quảng cáo như hiện nay. Đã đến lúc Bộ Nội Vụ cần tham mưu cho chính phủ phân rõ trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quảng cáo.

H.L / PetroTimes