Hai tai nạn trong 10 ngày do lỗi động cơ và phi công yếu kém cho thấy không quân Trung Quốc vẫn còn những "lỗ hổng" chết người.
Một trực thăng vận tải của không quân Trung Quốc bị rơi tại tỉnh Hà Nam hồi giữa tháng 10, khiến cả ba quân nhân trên phi cơ thiệt mạng, trong đó có phi công dày dạn kinh nghiệm Gong Dachuan và nhân viên cơ giới trên không Wen Weibin.
Gong, 33 tu được coi là phi công ưu tú của không quân Trung Quốc, từng lái trực thăng tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh hôm 1/10, chỉ vài ngày trước khi tai nạn xảy ra. Nhân viên cơ giới Wen cũng từng góp mặt trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng đế quốc Nhật vào ngày 3/9/2015.
Trực thăng Trung Quốc trong cuộc duyệt binh hôm 1/10. Ảnh: AP. |
"Họ đang tiến hành một số thử nghiệm trên trực thăng", nguồn tin giấu tên tại tỉnh Hà Nam tiết lộ về vụ tai nạn, nhưng không cho biết địa điểm trực thăng rơi và nội dung thử nghiệm.
Tai nạn thứ hai xảy ra sau đó 8 ngày ở cao nguyên Tây Tạng, khi một tiêm kích J-10 lao vào núi trong lúc huấn luyện bay thấp. "May mắn là phi công kịp phóng ghế thoát hiểm. Điều tra sơ bộ cho thấy tai nạn bắt nguồn từ động cơ AL-31 do Nga sản xuất", nguồn tin giấu tên trong không quân Trung Quốc cho hay.
J-10 là tiêm kích đa nhiệm hiện đại đầu tiên của Trung Quốc, được Tập đoàn Máy bay Thành Đô ra mắt vào năm 2005. Dù Trung Quốc đã nỗ lực chế tạo động cơ WS-10, biến thể sao chép từ dòng Saturn AL-31F của Nga, sự thiếu tin cậy của dòng động cơ nội địa này khiến phần lớn tiêm kích J-10 vẫn phải gắn động cơ của Nga.
Nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều vụ tai nạn tương tự, khi lực lượng này tăng cường các cuộc diễn tập nhằm thực hiện lời kêu gọi "nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu" của Chủ tịch Tập Cận Bình. Các cuộc diễn tập như vậy sẽ càng phơi bày nhiều vấn đề về kỹ thuật cũng như huấn luyện của không quân Trung Quốc.
"Nếu các vấn đề này không được giải quyết, tai nạn chắc chắn tiếp tục xảy ra, khi các chỉ huy cấp cao hối thúc lực lượng tiến hành thêm nhiều đợt diễn tập, tập trận", một nguồn tin thân cận với không quân Trung Quốc nói.
Tiêm kích J-10B Trung Quốc huấn luyện bay thấp hồi năm 2018. Ảnh: PLAAF. |
Chuyên gia quân sự Song Zhongping cho rằng sự cố động cơ và hệ thống điều khiển là nguyên nhân chính trong hàng loạt tai nạn chết người của không quân và không quân hải quân Trung Quốc. Ông cùng các chuyên gia khác kêu gọi quân đội Trung Quốc tăng cường độ bền cho máy bay và cải thiện quy trình huấn luyện phi công.
Không quân Trung Quốc từng hứng chịu thiệt hại nặng nề về con người trong những tai nạn tương tự. Tháng 4/2016, phi công Zhang Chao, 29 tuổi, thiệt mạng sau khi cố gắng cứu tiêm kích hạm J-15 bị hỏng cần điều khiển trong buổi tập hạ cánh trên tàu sân bay. Ba tuần sau, phi công Cao Xianjian bị thương nghiêm trọng khi gặp phải vấn đề tương tự với một chiếc J-15 khác.
Một quan chức không quân Trung Quốc thừa nhận phi công nước này thiếu kiến thức hàng không và gần như không có kinh nghiệm bay trước khi nhập ngũ. "Họ không có nhiều kinh nghiệm như các đồng nghiệp Mỹ. Nhiều phi công quân sự Mỹ từng lái máy bay dân dụng trước khi gia nhập quân đội", quan chức này nói.
Vũ Anh (Theo SCMP)