Việc nâng cấp tài khoản thu phí không dừng (ETC) thành ví điện tử được kỳ vọng sẽ chấm dứt được những hạn chế, bất cập hiện nay.

Nhiều bất cập tài khoản giao thông

Lợi gì khi tài khoản giao thông thành ví điện tử? 1

Sau hơn 3 tháng triển khai thu phí không dừng, việc dán thẻ ETC, nạp tiền, sử dụng tiền trong tài khoản giao thông vẫn khiến nhiều chủ phương tiện loay hoayẢnh minh họa: Tạ Hải

Anh Phan Văn Quốc (Hà Nội) - tài xế chuyên chạy xe container từ Thái Nguyên đến cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho hay, anh phải trả phí đường cao tốc khoảng 2 triệu đồng cho quãng đường gần 350km.

Tính ra, mỗi tháng, anh phải nạp từ 50 - 60 triệu đồng vào tài khoản.

“Số tiền này không hề nhỏ. Nếu để trong tài khoản giao thông thì chưa phải trả phí giao thông, cần sử dụng đến nhưng không rút ra được”, anh Quốc nói. 

Tiền trong ví điện tử sẽ an toàn hơn tiền trong tài khoản giao thông vì được quản lý theo cơ chế thanh toán chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Số dư trong ví sẽ được bảo lãnh bởi một số dư khác trong ngân hàng. Ví dụ, khi chủ phương tiện nạp vào ví điện tử 500.000 đồng. Đơn vị trung gian thanh toán sẽ phải ký quỹ bằng với số tiền này ở tài khoản khác, của ngân hàng khác.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN

Chính phủ cần đưa ra quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị. Phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể, nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy thanh toán điện tử.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Câu chuyện của anh Quốc cũng là băn khoăn của nhiều tài xế khác. Sau hơn 3 tháng triển khai thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, việc dán thẻ ETC, nạp tiền, sử dụng tiền trong tài khoản giao thông vẫn khiến nhiều chủ phương tiện loay hoay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền, doanh nghiệp vận tải có nhiều đầu xe, số tiền phải đóng trước vào tài khoản giao thông không nhỏ.

Việc chủ phương tiện phải duy trì số dư trong tài khoản, mà không được trả bất kỳ đồng lãi nào khiến họ không hài lòng.

Bên cạnh đó, hình thức chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông sau đó trừ dần cũng chưa thực sự khuyến khích người dân sử dụng.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (VARSI) cho rằng, ngoài thanh toán phí đường bộ, chủ phương tiện không được phép sử dụng số tiền đã nạp vào tài khoản giao thông cho các mục đích khác, không được rút tiền đã nạp để dùng vào mục đích cá nhân.

Những bất cập này gây bất tiện cho chủ tài khoản ETC, gây lãng phí về tài nguyên số khi hàng triệu tài khoản chỉ dùng để trả phí giao thông.

Theo ông Chủng, đã đến lúc cần bổ sung tính năng trung gian thanh toán, nâng cấp tài khoản giao thông thành ví điện tử. Điều này giúp chủ phương tiện được sử dụng số tiền họ đã nạp vào các mục đích khác khi chưa thanh toán phí đường bộ.

Chủ phương tiện cũng được hưởng lợi khi các dịch vụ giao thông phát triển hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt, như dịch vụ bãi đỗ xe, mua xăng, dầu, nộp phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ.

Lời giải từ ví điện tử

Liên quan những hạn chế, bất cập trên của tài khoản giao thông, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết đã nhận diện khá đầy đủ. Đơn vị này đã đề xuất nâng cấp tài khoản giao thông thành trung gian thanh toán (ví điện tử).

Đề xuất này đã được Bộ GTVT chấp thuận và yêu cầu Công ty Thu phí tự động VETC làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn tất thủ tục, đưa ví điện tử vào hoạt động.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Thu phí tự động VETC cho biết, việc nâng cấp tài khoản giao thông thành ví điện tử VETC sẽ đảm bảo lợi ích thiết thực và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC. 

Nói về thời gian triển khai, đại điện Công ty VETC cho hay, mục tiêu và mong muốn của VETC là trong khoảng 9 tháng kể từ khi Bộ GTVT cho phép nâng cấp tài khoản giao thông ETC thành ví điện tử (tháng 8/2022). Trong thời gian này, VETC có thể triển khai nâng cấp tài khoản giao thông thành tài khoản trung gian có bổ sung chức năng thanh toán. Tuy nhiên, để thực thi sẽ cần phụ thuộc vào yếu tố và sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước.Trong khi đó, Công ty Cổ phần Giao thông số VN - đơn vị sở hữu thẻ và tài khoản giao thông ePass cho hay, đơn vị đã có kế hoạch nâng cấp tài khoản giao thông thành ví điện tử. “Trước mắt, VDTC đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin phép được dùng tài khoản giao thông và thanh toán các dịch vụ khác là thanh toán phí dán thẻ ePass”, đại diện ePass cho hay.

 Bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản ETC được sử dụng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, cảng hàng không, giao thông thông minh, dịch vụ trung gian thanh toán cho tiêu dùng khác.

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức nhìn nhận, với gần 4 triệu xe đã được dán thẻ ETC và kích hoạt tài khoản giao thông (chiếm khoảng 90%) trên tổng số gần 5 triệu xe ô tô cả nước, phương án nâng cấp tài khoản giao thông thành ví điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dùng.

“Khi là tài khoản giao thông, chủ phương tiện phải mất phí khi chuyển tiền từ tài khoản cá nhân và tài khoản giao thông. Ngược lại, các ví sẽ tự động trừ tiền và không bị mất phí. Ngoài việc tuân thủ quy định chuyên ngành của Bộ GTVT về hoạt động ETC, tài khoản giao thông còn phải tuân thủ quy định về quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước về trung gian thanh toán nên sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch tài khoản ETC”, ông Tuấn nói.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN cho hay, khi tài khoản giao thông được nâng cấp thành ví điện tử, ngoài chi trả phí đường bộ, chủ phương tiện còn sử dụng được cho nhiều mục đích khác.

Về lo ngại tài khoản giao thông thành ví điện tử sẽ ảnh hưởng đến việc kết nối, ảnh hưởng đến việc lưu thông qua trạm của phương tiện, ông Toàn cho rằng, khi mở rộng tính năng, nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu. Việc nâng cấp không ảnh hưởng đến tốc độ xe lưu thông qua trạm.

Cũng theo ông Toàn, vượt qua những e ngại ban đầu, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai thu phí tự động không dừng hoàn toàn trên tất cả tuyến cao tốc đã dần đi vào nền nếp. Thành công này tạo tiền đề quan trọng để chuyển đổi số, không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, tiến đến phát triển giao thông số tại Việt Nam.

Trong chương trình chuyển đổi số vừa được ban hành, Bộ GTVT đưa ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh, thu phí điện tử không dừng được triển khai tại tất cả các trạm thu phí, tiến tới xóa bỏ thu phí bằng tiền mặt.

Giai đoạn đến năm 2030 xóa bỏ các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán cho các dịch vụ giao thông đường bộ.

Ông Hồ Trọng Vinh (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC):Ví điện tử đem lại nhiều lợi ích

Khi nâng cấp tài khoản giao thông thành trung gian thanh toán và ứng dụng công nghệ thanh toán số, ví điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chủ phương tiện. Người sử dụng sẽ không phải lo để tiền tồn đọng trong tài khoản giao thông.

Tuy vậy, theo Thông tư 23/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán quy định, số dư trong ví điện tử không được trả lãi.

Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào ví điện tử.

 https://www.baogiaothong.vn/loi-gi-khi-tai-khoan-giao-thong-thanh-vi-dien-tu-d571965.html

Trần Duy / Báo Giao thông