Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, mở ra chân trời mới cho tương lai, phù hợp với xu thế thời đại: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta…

Mit-tinh-phat-dong-Tong-kho
Mít tinh phát động Tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu

1. Tất cả các cuộc đọ sức với  quân xâm lăng trước khi Đảng ta ra đời năm 1930, dân tộc Việt Nam đều dùng sức mạnh quân sự là chính. Nhưng trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sức mạnh tinh thần, ý chí, khát vọng thoát khỏi xiềng xích nô lệ đã tạo nên làn sóng cách mạng như nước vỡ bờ, quét sạch bè lũ cướp nước và bán nước... Tuy nhiên, để có được sức mạnh tinh thần lên tới đỉnh điểm của sức nước ngàn năm, đòi hỏi phải có nghệ thuật lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Có 3 điểm mấu chốt thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Bác Hồ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Một là, tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại. Ngay trong quá trình chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trang bị hệ thống lý luận theo chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng duy nhất đúng cho bộ não của phong trào cách mạng ở Việt Nam.

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức đúng, đồng thời tuyên truyền, giác ngộ trong Đảng và quần chúng cách mạng về tính chất của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là cách mạng dân tộc, dân chủ kiểu mới (do Đảng Cộng sản lãnh đạo). Đây là sự nghiệp của quần chúng, dựa vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm mục tiêu tối thượng là độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào.

Ba là, ngay sau khi giành được chính quyền về tay cách mạng, một nền dân chủ mới gấp triệu lần so với dân chủ tư sản đã ra đời. Quần chúng cách mạng được thụ hưởng những quyền cơ bản nhất của con người, nhất là quyền trở thành trung tâm trong thể chế chính trị của đất nước, nên vừa là chủ nhân chế độ mới vừa là thành trì bảo vệ sự tồn vong của chế độ mới.

Sự khác biệt nêu trên của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có cội nguồn từ bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam, không sao chép hệ tư tưởng của bên ngoài, mà là học hỏi, chắt lọc, vận dụng sáng tạo tinh hoa của nhân loại; không trông chờ ỷ lại vào lực lượng bên ngoài, biết tự mình giải quyết các bài toán lịch sử cho mình. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ý chí tự lực tự cường được thể hiện ngay trong khát vọng cháy bỏng, trong huyết quản và ý chí sắt đá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, tất cả những điều tôi hiểu!”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Đó là nguồn cảm hứng cách mạng truyền đến toàn Đảng và muôn dân nước Việt, thổi bùng thành ngọn lửa yêu nước đủ sức thiêu rụi thành trì thực dân, phong kiến. Dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, tự tin bước tiếp chặng đường lịch sử vẻ vang, làm nên thời đại Hồ Chí Minh rạng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước, đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Suốt 92 năm có Đảng lãnh đạo, tầm trí tuệ chính trị và khát vọng dân tộc được Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kết tinh thành giá trị tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam, đủ sức cho cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng sóng gió, tiếp tục kiên định, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định tầm nhìn chiến lược về mục tiêu tổng quát và tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu của cách mạng Việt Nam: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”; “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

2. Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân yêu nước Việt Nam cần nhận thức và hành động theo đúng tinh thần tự lực, tự cường. Đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng. Bởi vì, Đảng ta ra đời dựa trên yêu cầu tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, cứu thoát đồng bào khỏi xiềng xích nô lệ và ách lầm than; là Đảng của khát vọng và niềm tin tất thắng; Đảng là tổ chức chính trị duy nhất đại diện, trung thành tuyệt đối với lợi ích của dân tộc, của nhân dân.

Sự nghiệp cách mạng mà Đảng lãnh đạo đã vượt qua nhiều thử thách lịch sử nhờ vào đức hy sinh của hàng triệu chiến sĩ cộng sản và đồng bào cả nước, gươm kề cổ, súng kề tai vẫn không hề nao núng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự bồi đắp tinh thần cách mạng từ mọi miền đất nước, gom góp máu xương của các phong trào cách mạng ở muôn nơi, là sự giác ngộ cách mạng đến đỉnh điểm, bung ra sức mạnh tổng hợp đúng lúc thời cơ ngàn năm có một đã chín muồi, hưởng ứng nhiệt thành lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa toàn quốc do lãnh tụ Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Mặt trận Việt Minh phát động.

Sau khi Tổng khởi nghĩa thành công, nếu không mau lẹ quyết tâm tổ chức Lễ độc lập, thì chắc chắn thành quả cách mạng cũng bị quân thù đoạt cướp, số phận Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ lại giống như Công xã Paris (năm 1871). Tinh thần hưởng ứng, ủng hộ tuyệt đối của đồng bào ta đối với Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là phép thử chính trị về ý chí cách mạng, niềm tin tưởng không gì lay chuyển nổi đối với chế độ mới. Sự tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đẩy lùi thù trong giặc ngoài, đưa đất nước vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” mà đồng bào ta thể hiện trong năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám thực sự là tình huống có một không hai trong lịch sử hiện đại thế giới, vì đó là sự biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới cờ Đảng quang vinh. Sức nước ngàn năm vẫn là lòng dân đã gắn bó máu thịt với ý Đảng, tất cả vì ý chí, khát vọng trường tồn dân tộc: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Có thể khẳng định, toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới nay và tiếp về sau đều được đặt tiền đề từ thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Sự tự tin chính trị, sự giác ngộ chính trị và những bài học quý báu về vận động quần chúng cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước căm thù giặc trong quần chúng, quy tụ lòng dân, dự báo và chớp lấy thời cơ, đấu tranh giữ chính quyền, củng cố chính quyền non trẻ,... đều là những giá trị riêng có, thể hiện sự sáng tạo vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, phác họa, định hình nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ bằng tuyên truyền, vận động mà bằng hành động nêu gương đích thực. Đảng trở thành những giá trị cao đẹp, giàu tính nhân văn, nhân bản trong thực tiễn cách mạng, trong đời sống hằng ngày, nêu gương, đi trước mở đường cho đồng bào ta noi theo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng còn thì cách mạng còn, dân tộc còn, chế độ còn. Đảng còn là nhờ Đảng biết dựa vào lòng Dân, “lòng Dân yêu Đảng như là yêu con” thì không kẻ thù nào có thể đánh đổ được Đảng. Đảng chọn nhân dân làm cha mẹ để phụng sự, còn nhân dân thì chọn Đảng làm nơi gửi gắm niềm tin tương lai dân tộc. Cả hai sự lựa chọn có tính lịch sử đã làm ra chìa khóa mở cánh cửa lịch sử dân tộc Việt Nam thời hiện đại.

… Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lòng dân Việt Nam càng được cố kết, đại đoàn kết làm nên trường lũy bất khả chiến bại. Từ truyền thống lịch sử, nhất là từ tiền đề Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng đã đúc rút được bài học vô giá về sức mạnh giữ nước, đó là hình thành thế trận lòng dân. Những giá trị tinh thần bất diệt ấy vẫn mãi linh thiêng trong lòng người dân Việt Nam yêu nước. Có Đảng soi đường dẫn lối, khát vọng dân tộc Việt Nam hùng cường ắt thành hiện thực.

PGS.TS. TRẦN VIẾT LƯU / HÀ NỘI MỚI